Về khái niệm “đạo đức cách mạng” và việc nghiên cứu, học tập đạo đức trong đảng hiện nay
- Thứ hai - 05/08/2019 14:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những chuẩn mực này được đặt trong mối quan hệ biện chứng với nhau và trong từng nội dung của mỗi chuẩn mực cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc nghiên cứu góp phần làm rõ những vấn đề này nhằm cung cấp những căn cứ cần thiết cho việc nghiên cứu, học tập đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.
Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đạo đức của người cách mạng từ rất sớm
1. Lịch sử khái niệm “đạo đức cách mạng”
Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đạo đức của người cách mạng từ rất sớm. Năm 1924, trong bài viết “Lênin và các dân tộc phương Đông”, Người đã viết về “đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy” và chỉ ra sự “vĩ đại và cao đẹp đó” chính “là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị”(1) của V.I.Lênin. Đây là lần đầu tiên Hồ Chí Minh viết về đạo đức của người cách mạng qua biểu tượng V.I.Lênin.
Ngày nay, chúng ta đều hiểu rằng 23 điều Hồ Chí Minh viết về Tư cách một người cách mệnh trong phần đầu của cuốn sách Đường Cách mệnh là thể hiện nội hàm của đạo đức cách mạng và cũng có thể coi đây là cuốn sách đầu tiên Hồ Chí Minh viết về các chuẩn của đạo đức cách mạng.
Tra cứu trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, khái niệm đạo đức cách mạng được sử dụng nhiều lần trong 79 bài viết, bài nói của Người và được Hồ Chí Minh nêu lên lần đầu trong bài viết Cán bộ và đời sống mới đăng trên báo Sự thật số 88, ngày 2/9/1947, đúng vào ngày kỷ niệm tròn hai năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Lần cuối cùng Người sử dụng khái niệm này trong Bài nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng công đoàn lao động Việt Nam vào ngày 18/7/1969, trước khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.
Như vậy, có thể nói, “Tư cách một người cách mạng” được xem là khái niệm xuất phát của khái niệm đạo đức cách mạng và đã được Hồ Chí Minh đề cập từ năm 1927. Sự xuất hiện khái niệm đó do yêu cầu khách quan của tiến trình vận động thành lập Đảng ta và nó tồn tại trong suốt thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc cho tới Cách mạng Tháng Tám thành công. Khi toàn Đảng, toàn dân bước vào xây dựng xã hội mới, tiến hành kháng chiến và kiến quốc, cho đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, trên cơ sở nội hàm đã xác định của khái niệm tư cách một người cách mạng, Hồ Chí Minh nêu lên một khái niệm thay thế biểu thị thành ngôn ngữ là đạo đức cách mạng - đó là đạo đức của cán bộ, đảng viên như một sự phân biệt với quan niệm chung về đạo đức của người Việt Nam. Trên thực tế, từ năm 1947 đến 1969, khi nói tới đạo đức của cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh chỉ dùng một khái niệm là đạo đức cách mạng. Ngày nay, nói tới đạo đức cách mạng cũng là đạo đức của cán bộ, đảng viên của Đảng ta.
2. Sự vận động của nội hàm khái niệm “đạo đức cách mạng”
Như đã nói ở trên, khái niệm đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh nêu lên trong bài Cán bộ và đời sống mới đăng trên báo Sự thật (2/1947), nhưng lần đầu tiên, Người đưa ra nội hàm của khái niệm này tại Lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp của cán bộ quân sự Trung ương(2): “Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: “Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm” và đã “nói rõ nghĩa”(3) 5 điều này.
Nội hàm khái niệm đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh tiếp tục nêu ra trong sách Sửa đổi lối làm việc được viết xong vào tháng 10/1947(4). Tác phẩm này có 6 nội dung, Người đã dành riêng phần III với tiêu đề: Tư cách và đạo đức cách mạng nói về bốn vấn đề sau:
“A. Tư cách của đảng chân chính cách mạng
B. Phận sự của đảng viên và cán bộ
C. Tư cách và bổn phận của đảng viên
D. Phải rèn luyện tính đảng”(5).
Trong mục “B. Phận sự của đảng viên và cán bộ”, Hồ Chí Minh dành mục “2. Đạo đức cách mạng” để nêu lên nội hàm của đạo đức cách mạng là “những tính tốt” và viết rõ: “Nói tóm tắt, tính tốt ấy bao gồm có 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”(6). Sau khi giải nghĩa 5 điều này, Người kết luận: “Đó là đạo đức cách mạng” và xác định “Đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(7).
Trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” (khóa II), ngày 25/1/1953, Người cho rằng: “Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”(8).
Trong bài viết Đạo đức cách mạng, đăng trên báo Nhân Dân, ngày 6/6/1955, dưới bút danh CB, Hồ Chí Minh đã viết trong câu mở đầu rằng: “Quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, luôn luôn giữ vững tinh thần chí công vô tư - đó là đạo đức cách mạng”(9).
Trong bài viết Đạo đức cách mạng, bút danh Trần Lực, đăng trên tạp chí Học tập số 12/1958, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nội hàm của đạo đức cách mạng:
“Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:
Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ”(10).
Sau định nghĩa này, Người lần lượt giải thích rõ bốn chuẩn mực nêu trên để làm rõ hơn nội hàm của khái niệm đạo đức cách mạng.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, ngày 24/7/1962, bàn về việc “mở một cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”(11), Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô lãng phí, quan liêu”(12).
Nghiên cứu lịch sử ra đời cùng với sự vận động của nội hàm khái niệm đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh nêu lên, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
Một là, nếu coi khái niệm tư cách một người cách mạng là khái niệm xuất phát của khái niệm đạo đức cách mạng vì cả hai đều mang nội hàm đạo đức của một đối tượng là người cách mạng mà sau này là những cán bộ, đảng viên của Đảng, thì có thể coi khái niệm đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh lần đầu tiên nêu lên trong cuốn sách Đường Cách mệnh (1927). Nhưng nếu nói về hình thức ngôn ngữ chuyển tải, thì khái niệm tư cách người cách mạng đã được Hồ Chí Minh chuyển thành khái niệm đạo đức cách mạng với nội hàm được xác định từ năm 1947 và bổ sung qua 79 bài nói, bài viết cho tới năm 1969, trước khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.
Hai là, mặc dù khái niệm đạo đức cách mạng xuất hiện trong 79 bài nói và viết, nhưng chỉ có 6 lần Hồ Chí Minh chỉ ra nội hàm của khái niệm này. Trong 6 lần đó, nội hàm của khái niệm này được thể hiện cụ thể nhất ở 3 tác phẩm: Đường Cách mệnh (1927), Sửa đổi lối làm việc (1947) và Đạo đức cách mạng (1958). Trong các bài nói, viết khác, nội hàm khái niệm đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh chỉ ra để nhấn mạnh hơn đối với từng đối tượng cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên với những nhiệm vụ cách mạng cụ thể ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.
3. Những chuẩn mực của đạo đức cách mạng
Nghiên cứu 3 tác phẩm: Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc và Đạo đức cách mạng, có thể thấy nội hàm khái niệm đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh trình bày và giải thích một cách toàn diện, hệ thống với lôgíc chặt chẽ và khái quát nhất - từ nguồn gốc, vai trò, nội dung, giá trị của đạo đức cách mạng và biểu thị đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên là trong bài Đạo đức cách mạng, đăng trên tạp chí Học tập (12/1958).
Đây không chỉ là văn bản hoàn chỉnh nhất cả về tên gọi, nội dung, hình thức và lôgíc mà còn thể hiện rõ nhất quan niệm về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh ở thời điểm gần nhất với chúng ta. Trong đó, Người nêu rõ các chuẩn mực và những chuẩn mực này không chỉ được đặt trong mối quan hệ biện chứng với nhau mà trong từng nội dung của mỗi chuẩn mực cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Có thể thấy, trong bài viết, Hồ Chí Minh chỉ rõ đạo đức cách mạng gồm 4 chuẩn theo thứ tự được trình bày, trong đó, “điều chủ chốt nhất” và là “tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(13). Như thế, Hồ Chí Minh xác định, chuẩn thứ nhất của đạo đức cách mạng chính là suốt đời trung thành với lý tưởng của Đảng. Người còn giải thích sự quyết tâm đó: “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được kẻ địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng”(14).
Theo Hồ Chí Minh, sự trung thành biểu thị “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng” - tức là sự trung thành với lý tưởng của Đảng - phải được biểu thị bằng hành động thực tiễn. Bởi vậy, chuẩn thứ hai của đạo đức cách mạng được Người chỉ ra là cán bộ, đảng viên phải thể hiện bằng hành động: Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng.
Rõ ràng, từ quyết tâm suốt đời trung thành với lý tưởng của Đảng đến ra sức thực hiện lý tưởng là cả một khoảng cách giữa lời nói với việc làm, đòi hỏi phải được thể hiện bằng hành động thực tế có hiệu quả mới biểu thị giá trị thật của sự trung thành. Người còn chỉ rõ: “đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng”; “biết thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ. Như thế là đúng với đạo đức cách mạng”(15).
Tiếp theo chuẩn thứ hai, Hồ Chí Minh đã chỉ ra ở chuẩn thứ ba của đạo đức cách mạng là phải “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”(16). Người còn chỉ rõ: “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”(17). Đồng thời, Người còn nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”(18).
Những giải thích trên của Hồ Chí Minh cho thấy, trung thành và ra sức làm việc của cán bộ, đảng viên không phải vì danh, lợi cá nhân mà vì lợi ích của Đảng, của nhân dân để hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, để dám hy sinh, tranh đấu quên mình và phải đạt tới mức “gương mẫu trong mọi việc” của hành động thực hiện mục tiêu lý tưởng. Đó là sự khác biệt giữa hành động đạo đức tự thân với hành động đạo đức vì lý tưởng của Đảng, vì dân tộc, con người Việt Nam và rộng hơn nữa là vì sự tiến bộ của nhân loại. Đó là sự vượt trội của đạo đức cách mạng theo quan niệm Hồ Chí Minh.
Điều đặc biệt trong tác phẩm Đạo đức cách mạng là ở chỗ, Hồ Chí Minh xác định việc “Ra sức học tập đạo đức chủ nghĩa Mác - Lênin” là một nội dung trong chuẩn thứ tư của đạo đức cách mạng. Người luận giải rằng: “Phong trào cách mạng lôi cuốn hàng triệu người. Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp. Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề thì chúng ta phải cố gắng học tập chủ nghĩa Mác - Lênin”(19), Người giải thích rõ: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình(20).
Luận giải đó của Hồ Chí Minh cho thấy, sự trung thành với lý tưởng và ra sức làm việc đạt tới mức nêu gương không phải là trung thành, hay ra sức thực hiện nhiệm vụ một cách mù quáng mà phải dựa trên sự giác ngộ lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Và cũng trên cơ sở nhận thức khoa học, cách mạng đó để có thể tự phê bình và phê bình, không ngừng sáng tạo, cải tiến công tác của mình nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng giao cho và để “cùng đồng chí mình tiến bộ”.
Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức cách mạng phải biểu thị chủ nghĩa tập thể của những người cùng lý tưởng. Vì thế, Người đã dành một dung lượng không nhỏ trong tác phẩm để luận giải về việc chống chủ nghĩa cá nhân nhằm làm sáng tỏ và hoàn chỉnh cho nội hàm của khái niệm đạo đức cách mạng. Theo đó, có thể hiểu, người có đạo đức cách mạng phải luôn chú trọng chống chủ nghĩa cá nhân, vì “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(21), “Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(22).
Những phân tích trên đây cho thấy tính toàn diện, hệ thống và lôgíc với mối quan hệ biện chứng trong nội hàm biểu thị qua các chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh nêu ra trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958).
Bởi vậy, từ những nghiên cứu trên đây, chúng tôi đề nghị: việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, vận dụng của cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải lấy tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958) làm cơ sở, bởi nội dung của tác phẩm đã được hoàn thiện và có tính tổng kết quan niệm của Người về nội hàm của khái niệm Đạo đức cách mạng. Thực hiện vấn đề này sẽ phân biệt rõ các chuẩn mực của đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra với quan niệm về đạo đức nói chung của con người Việt Nam. Đạo đức của những người đứng trong hàng ngũ của Đảng trước hết phải có đủ những chuẩn là con người hoàn chỉnh theo quan niệm Hồ Chí Minh, nhưng để trở thành những cán bộ, đảng viên - những chiến sĩ tiên phong trong đội ngũ tiên phong là Đảng ta - thì phải có đủ những chuẩn mực mà Hồ Chí Minh đã nêu lên trong tác phẩm Đạo đức cách mạng.
_____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.317.
(2) Bài phát biểu đăng trên báo Vệ quốc quân số 15, ngày 10/10/1947.
(3), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.259, 289-308, 291, 292.
(4) Nxb Sự thật xuất bản lần đầu vào năm 1948.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.35.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.508.
(10), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.603, 605, 606, 608, 603, 607, 609, 610, 611, 609, 610-611.
(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.413, 421.
PGS, TS Phạm Hồng Chương
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị điện tử