Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH SINH HOẠT ĐOÀN ĐỊNH KỲ TOÀN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH SINH HOẠT ĐOÀN ĐỊNH KỲ TOÀN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, toàn diện. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tổ chức Đoàn cơ sở phát triển, trong đó việc tổ chức sinh hoạt Đoàn định kỳ toàn xã, phường, thị trấn tại một số địa bàn, khu vực đặc thù là một nội dung mới mẻ, được nhiều địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.
52447842 9061 4316 ad81 9b20bc9bffd9

Từ thực trạng sinh hoạt Chi đoàn cầm chừng

Đoàn xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức hiện nay có 51 đoàn viên, một số Chi đoàn chỉ còn 5-7 đoàn viên tham gia sinh hoạt. Tuy vậy, số đoàn viên có mặt ở địa phương chủ yếu chỉ tập trung quan tâm đến phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập hơn là tham gia các phong trào đoàn. Đồng chí Trần Minh Diệu - Bí thư Đoàn xã Hiệp Hòa cho rằng: “Đoàn xã đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn, song thực tế hoạt động chưa được như mong muốn. Do đặc thù là xã miền núi nên việc tập hợp đoàn viên, thanh niên hết sức khó khăn. Tình trạng bỏ sinh hoạt đoàn, thờ ơ với hoạt động và sinh hoạt vẫn diễn ra. Vai trò của người thủ lĩnh chưa được phát huy, nội dung, hình thức và hoạt động của Chi đoàn thiếu hấp dẫn, ít sáng tạo”. Đó không chỉ là thực trạng của xã Hiệp Hòa mà còn là vấn đề chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 1.240 Chi đoàn địa bàn dân cư. Hoạt động đoàn ở địa bàn dân cư đang phải đối mặt với các vấn đề dẫn đến việc duy trì sinh hoạt chi đoàn hàng tháng nhìn chung không được thường xuyên, có khi 2-3 tháng mới sinh hoạt 1 lần. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Sinh hoạt đơn điệu, số lượng đoàn viên ít, phân tán, khó khăn trong tập hợp đoàn viên, thanh niên,... chính là thực trạng đáng buồn ở các Chi đoàn địa bàn dân cư hiện nay. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở một vài Chi đoàn mà đang phổ biến ở nhiều Chi đoàn trên địa bàn tỉnh”.

Đến giải pháp hiệu quả

Nhìn nhận được thực trạng trên, ngay sau Đại hội Đoàn toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TĐTN-TCKT về việc tổ chức sinh hoạt Đoàn định kỳ toàn xã, phường, thị trấn tại một số địa bàn, khu vực đặc thù giai đoạn 2022 - 2027 và lựa chọn 04 đơn vị để tổ chức điểm trong năm 2023.
Trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các đơn vị trong tỉnh nhanh chóng hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện. Nội dung sinh hoạt thường xuyên được đổi mới, hình thức sinh hoạt mới mẻ theo hướng tổ chức sinh hoạt trực tiếp theo Cụm (mỗi xã, phường, thị trấn phân chia các Chi đoàn trực thuộc thành các cụm, mỗi cụm sẽ tổ chức sinh hoạt định kỳ trong quý và luân phiên nhau) hoặc toàn xã, phường, thị trấn (tổ chức sinh hoạt tất cả các Chi đoàn tại các xã, phường, thị trấn đặc thù, giao nhiệm vụ cho 01 đơn vị chuẩn bị kế hoạch, điều hành chương trình sinh hoạt, sau đó luân phiên tại các thôn, đơn vị). Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai tốt hình thức sinh hoạt này như: Hiệp Đức, Duy Xuyên, Đông Giang, Phước Sơn, Đại Lộc,…
Điểm nổi bật trong hoạt động sinh hoạt Chi đoàn năm nay đó là ngoài việc lựa chọn những nội dung phù hợp, gần gũi với tuổi trẻ thì nội dung về các vấn đề thời sự trong nước, quốc tế, các vấn đề của địa phương, tình hình tư tưởng dư luận trong thanh niên tại đơn vị cũng được Chi đoàn thông tin kịp thời tại các buổi sinh hoạt; bên cạnh đó, còn tổ chức chiếu phim tư liệu kết hợp với tổ chức hội thi giúp buổi sinh hoạt không đơn điệu và tổ chức tọa đàm để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên…

Để nắm bắt tình hình triển khai trong toàn tỉnh, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Tọa đàm đánh giá thực trạng triển khai thực hiện mô hình sinh hoạt Đoàn toàn, xã, phường, thị trấn và sinh hoạt Đoàn không qua triệu tập. Nhiều ý kiến phát biểu chất lượng của các cơ sở Đoàn đóng góp tại buổi Tọa đàm được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp thu, ghi nhận, làm cơ sở để chỉ đạo, định hướng tốt hơn nữa trong thời gian đến.
“Với giải pháp này thật sự đã tạo sinh khí mới cho các buổi sinh hoạt Đoàn ở địa bàn dân cư, không chỉ số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt tăng lên, mà chất lượng buổi sinh hoạt cũng được cải thiện đáng kể. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thí điểm tại các đơn vị trong năm 2023 và tiếp tục nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh” - Đồng chí Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết.
Việc nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn ở địa bàn dân cư nói chung và sinh hoạt Chi đoàn nói riêng đã góp phần tích cực vào xây dựng tổ chức đoàn, hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Song, việc duy trì sinh hoạt Đoàn định kỳ toàn xã, phường, thị trấn cũng không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà đòi hỏi phải làm thường xuyên, có sự quyết tâm đổi mới của từng cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh.
Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây