Cùng tham dự buổi làm việc, có các Ủy viên Bộ Chính trị, các đòng chí trong Ban Bí thư: Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng và đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Văn phòng Trung ương Đảng.
Tập trung cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược
Khẳng định Quảng Nam là một trong những trung tâm kinh tế phát triển của cả nước, nền kinh tế có độ mở cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu, phân tích kỹ hơn tình hình thế giới và trong nước, những thời cơ, thách thức đã và sẽ đặt ra, từ đó, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vừa cấp bách trong ngắn hạn, vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển nhanh và bền vững.
“Tiếp thu tinh thần dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực để đổi mới, phát triển và hội nhập” - Bộ Chính trị nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Quảng Nam cần tập trung thực hiện các khâu đột phá kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, tạo sự liên kết và đảm bảo kết nối hài hòa giữa vùng đông và vùng tây, giữa đô thị và nông thôn, giữa Quảng Nam với các trung tâm phát triển thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và liên vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Quảng Nam cần chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng nội địa trong sản phẩm, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; tập trung đầu tư hạ tầng các khu - cụm công nghiệp và làng nghề đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, trọng tâm là phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng đất và kết cấu hạ tầng. Cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp sinh thái.
“Coi trọng phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tốt hơn các chương trình an sinh xã hội, các chính sách trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo thoát nghèo bền vững” - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Phát huy nhân tố con người
Đánh giá cao công tác chuẩn bị nhân sự đại hội của địa phương, Bộ Chính trị cho rằng, công tác nhân sự đã được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, quy trình; lưu ý đến cơ cấu, nhưng trước hết phải đảm bảo tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ mới; chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ để tạo sự kế thừa và phát triển.
Theo Thủ tướng Chính phủ, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần đặc biệt nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường cải cách hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các cấp ủy đảng với nhân dân, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp.
“Quảng Nam cần chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách đào tạo, thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài. Chuẩn hóa và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp, tăng cường thích ứng với môi trường công nghệ số” - Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020
Báo cáo Bộ Chính trị về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thông tin: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Quảng Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/25 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Nổi bật là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, nằm trong nhóm tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 30%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,51%/năm. Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy ban hành và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, kết luận có tầm chiến lược như: thúc đẩy phát triển các nhóm dự án chiến lược vùng đông nam, phát triển toàn diện vùng tây, giảm nghèo bền vững, phát triển du lịch Quảng Nam,...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận lòng dân vững chắc, an toàn. Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; cải cách hành chính đạt được một số kết quả tích cực; việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực chất.
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn