Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Thứ bảy - 02/11/2019 14:31

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

(HCM.VN) - Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không những thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân văn cao đẹp của Người, mà còn là kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ta trong thời kỳ mới.
 

 

bac ho voi nganh y te 1

Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình (Hà Tây cũ năm 1963). Ảnh tư liệu

1. Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm rất tường minh về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân

Quan niệm về sức khoẻ của Hồ Chí Minh bao hàm một ý nghĩa rộng lớn và toàn diện. Người cho rằng, sức khoẻ của mỗi người dân là một bộ phận hợp thành sức khoẻ của xã hội, cho nên muốn phát triển sức khoẻ cho một xã hội nói chung thì phải bắt đầu từ việc chăm sóc sức khoẻ cho từng người dân. Trong bài “Sức khỏe và thể dục”, Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ”(1). Theo Hồ Chí Minh, sức khoẻ của nhân dân là yếu tố quyết định tới sự thịnh, suy hoặc sự hưng vong của đất nước: “Dân cường thì quốc thịnh”(2).

Theo Hồ Chí Minh cho rằng, phải hiểu khái niệm sức khoẻ theo nghĩa rộng - tức là, sức khoẻ không chỉ đơn thuần là sự khoẻ mạnh về thể xác mà còn là cả sự khoẻ mạnh trong đời sống tinh thần. Ngay từ năm 1946, khi đất nước đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra quan niệm về sức khoẻ rất toàn diện, Người viết: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”(3). Ngày nay, khi đánh giá định nghĩa trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quan điểm của y học hiện đại, chúng ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy quan niệm trên đây của Hồ Chí Minh về sức khoẻ cũng hoàn toàn thống nhất với định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sức khoẻ đã được nêu ra trong Tuyên ngôn Alma - Ata năm 1978. Theo đó, WHO quan niệm: Sức khoẻ là trạng thái thoải mái hoàn toàn cả về thể chất lẫn tâm thần - xã hội, chứ không phải là tình trạng không có bệnh tật, hoặc không bị chấn thương.

Quan niệm trên đây của Hồ Chí Minh về sức khoẻ cũng đã kế thừa được những yếu tố cốt lõi trong các quan niệm của cha ông ta xưa về sức khoẻ. Lý luận y học cổ truyền phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng xưa nay vẫn cho rằng, sức khoẻ của mỗi người có được là nhờ sự cân bằng của các yếu tố âm dương, là sự thắng phục khắc chế theo quy luật tự nhiên bởi các yếu tố trong ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả và thổ). Điều đó cũng giải thích tại sao khi cách đây trên ba thế kỷ, Đại danh y Việt Nam Lê Hữu Trác - Hải Thượng Lãn Ông (1724 -1791) cũng đã khẳng định: Sức khoẻ là khí huyết lưu thông, âm dương bình hoà. Để luận chứng cho quan điểm này, trong cuốn Y hải cầu nguyên, một trong 28 tập sách trong bộ tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh, khi bàn về nguồn gốc của sức khoẻ và bệnh tật, Hải Thượng Lãn ông cho rằng: “Phàm bệnh đều do chính khí hư mà đưa đến. Nếu chính khí vững chắc thì ngoại tà không thể nào vào được. Đã biết rằng không bệnh nào không vì chính khí hư mà gây ra cho nên phải lấy chính khí làm gốc và ngoại tà làm ngọn. Trong người ta âm được thế thăng bằng, dương được kín đáo thì tinh thần mối yên, bệnh không phát ra được” (4). Như vậy, Hồ Chí Minh kế thừa các tư tưởng quý giá của y học dân tộc và với một phương pháp tư duy khoa học, Người đã đưa ra một quan niệm đúng đắn và khoa học về sức khoẻ. Quan niệm này cũng được coi là một quan niệm tiến bộ và vượt trước so với quan niệm của WHO (một tổ chức đại diện cho nền y học hiện đại của chúng ta ngày nay) đến gần nửa thế kỷ.

Có thể nói, với nhãn quan triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề sức khoẻ con người một cách toàn diện, sức khoẻ con người đã được Người xem xét với tư cách là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội. Vì vậy, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người theo Người phải bằng những biện pháp tổng hợp, không những về mặt thể chất mà còn cần chú trọng cả về mặt tinh thần. Điều này trong bức thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3-1948 được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (5).

bac ho voi nganh y te 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với GS. Trần Hữu Tước và
Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (người ngồi bên trái). Ảnh tư liệu

2. Hồ Chí Minh chỉ ra sự cần thiết và phương thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Về sự cần thiết phải chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong các di huấn của mình, vốn là người luôn trân quý sức khỏe của nhân dân Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ của nhân dân, Người coi đây là một “vốn quý nhất” có ý nghĩa quyết định đến sự cường thịnh của đất nước và cần phải đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo; vì vậy, trong tác phẩm “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội”, Người khẳng định: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta” (6) và khẳng định tính tất yếu của việc rèn luyện nâng cao sức khỏe cho mỗi người và cho toàn dân “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công” (7). Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công” (8).

Về phương thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo Người, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ và của cả xã hội; vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hướng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của người dân, Người mong muốn và căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (9). Vì vậy, Người chủ trương phải xây dựng nề y học theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955, Người định hướng: “Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng” (10).

Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất của việc chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh”. Trong bài viết “Vệ sinh yêu nước”, Người cho rằng: “phòng bệnh hơn trị bệnh” (11), cho nên mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ. Người giải thích: “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn” (12). Cho nên, đối với mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề đều phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Người khuyên các cháu thiếu nhi “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang” (13), không những phải “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.

Theo Người, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mọi người, không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt: “Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống” (14). Đối với vấn đề vệ sinh, để bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng, cũng có những trường hợp phải cưỡng bách người vi phạm phải tuân theo lợi ích sức khỏe chung, trong tác phẩm “Đời sống mới”, Người viết: “trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm, người làng biết vậy, ai cũng bằng lòng lấp ao của mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vì muỗi mà đau ốm liên miên. Vì vệ sinh chung làng có quyền buộc một hai người kia phải lấp ao” (15). Vì thế, những gì liên quan có lợi cho sức khỏe con người, Bác đều biểu dương khen ngợi: “Chúng ta tự hào có nhiều cụ ông, cụ bà ngoài 70, 80 tuổi vẫn hăng hái học tập và lao động, lập ra những đội “bạch đầu quân” trồng cây gây rừng, đôn đốc phong trào bình dân học vụ và vận động vệ sinh phòng bệnh” (16).

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra trách nhiệm chính trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là ngành y tế và các thầy thuốc Việt Nam. Nhiệm vụ của ngành y tế và phẩm chất của người thầy thuốc được Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953. Người cho rằng: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu” (17). Hồ Chí Minh yêu cầu đối với đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác” (18). Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Hồ Chí Minh đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận, về vấn đề y đức, một lần nữa, tiếp tục được Người nhấn mạnh, cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, bởi, “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (19).

Người yêu cầu ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “thật thà, đoàn kết”. Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì, công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”(20). Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Theo Hồ Chí Minh y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp về tinh thần quan tâm đến chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Người quan tâm đến sức khỏe của tất cả mọi người: Đối với cán bộ, đảng viên, Người căn dặn “đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc” (21); đối với thiếu nhi, Người ân cần: “Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu” (22) và “Các cháu nhi đồng phải ngoan ngoãn, giữ gìn sức khoẻ trong kỳ nghỉ hè để tiếp tục bước vào năm học mới” (23); đối với thanh niên, Người khích lệ: “Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng” (24); đối với phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt” (25); đối với người cao tuổi, trong “Thư khen trung đội lão dân quân xã H. (Thanh Hoá), Người trân trọng: “Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chúc các cụ khoẻ mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới” (26); đối với công nhân,Người giải thích: “Nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc thì họ mới đủ sức; đủ sức thì làm được việc. Một con ngựa ăn no mới chạy nhanh. Một cái máy đủ dầu mỡ mới quay đều. Người ta cũng thế” (27); đối với bộ đội, trong “Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc Công”, Người huấn thị: “Cuối cùng, Bác chúc các đồng chí mạnh khoẻ, giữ gìn sức khoẻ và học tập tiến bộ thêm nhiều. Đảng, Bác và Chính phủ chờ thắng lợi, chờ báo cáo thắng lợi của các đồng chí” (28)… Về phần mình, Người tự làm gương thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thể thao, như Người nói: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập” (29).

bac ho voi nganh y te 4

Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y. Ảnh tư liệu

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong điều kiện mới cần quán triệt và thực hiện tốt những quan điểm của cơ bản về sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Đảng ta, đó là:

Một là, con người là nguồn tài nguyên quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của đất nước, trong đó sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Vì vậy, đầu tư cho sức khoẻ, mọi người được chăm sóc sức khoẻ là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Hai là, sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của cộng đồng và của mỗi người dân và cũng là trách nhiệm của mỗi cấp uỷ Đảng và chính quyền các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó ngành y tế phải giữ vai trò là nòng cốt.

Ba là, đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ (Nhà nước, dân lập và tư nhân) trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phát triển các loại hình chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng hoá của nhân dân. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho y tế còn có hạn cần khuyến khích, hướng dẫn và quản lý tốt các hoạt động của các cơ sỏ y tế dân lập, y tế tư nhân nhằm mục tiêu thiết thực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc của nhân dân, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Bốn là, dự phòng tích cực và chủ động là quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển nền y tế Việt Nam. Quan điểm dự phòng tích cực phải được nhận thức sâu sắc và vận dụng trong việc tạo ra lối sống lành mạnh và văn minh, đảm bảo môi trường sống, lao động và học tập có lợi cho phòng bệnh và tăng cường sức khoẻ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa và đô thị hoá.

Năm là, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Trong đó cần có quan điểm chú trọng khai thác các vốn quý từ nền y học cổ truyền. Phát triển mạnh mẽ việc nghiên cứu, ứng dụng và hiện đại hoá y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nhưng không làm mất đi bản sắc của y học cổ truyền, ngăn chặn loại trừ những người lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với y học cổ truyền gây tổn hại đến sức khoẻ nhân dân.

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, khâu mấu chốt để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW,ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có giá trị nhiều mặt, đồng thời là kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại và một ngành y tế xã hội chủ nghĩa có tính ưu việt trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân./.

Chú thích:

(1), (2), (3), (7), (13), (29) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.241; tr.241; tr.241; tr.241; tr.241; tr.241

(4) Lê Hữu Trác, “Y hải cầu nguyên”, Nxb Y học, Hà Nội, 1965, tr.59

(5), (14), (15), (21), (27) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.487; tr.114; tr.127; tr.291; tr.123

(6) Sđd, tập 13, tr.70

(8), (17), (18) Sđd, tập 8, tr.154; tr.154; tr.154

(9), (10), (19), (20) Sđd, tập 9, tr.518; tr. 343-344; tr.343; tr.343

(11) Sđd, tập 11, tr.487

(12) “Một số vấn đề xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam”, Nxb Y học, H.1998, tr.167

(22) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011tr.186

(23) Sđd, tập 12, tr.644

(24), (25), (26), 2(8) Sđd, tập 15, tr.164; tr.259; tr.379; tr.320

Nguyễn Bảo Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
 
 
 
 
 
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:1330 | lượt tải:373

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:1490 | lượt tải:607

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:1823 | lượt tải:555

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:2780 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2193 | lượt tải:619
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây