Oanh không có cha. Cô gái làng Hương Trà Đông (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) mở đầu cuốn tự truyện của mình bằng mẹ, bằng những cơ cực thời ấu thơ nơi làng nhỏ nằm sát sông Bàn Thạch.
Nhà nghèo, mẹ bươn chải nuôi Oanh bằng đủ thứ nghề. Nơi góc sân nhà ngoại, cô gái nhỏ giấu kín khát khao của mình, giấu đi ước muốn bình thường nhất của một đứa trẻ: được một lần mẹ chở đi học bằng xe đạp. Phần nhiều trong ký ức của Oanh là nghèo khó.
Tình yêu với nước Pháp
Năm 2000, hai người đàn ông lạ mặt ghé căn nhà của ngoại, nơi Oanh ở, mà mãi sau này Oanh mới biết đó là thợ chụp ảnh và người phụ trách hồ sơ trẻ mồ côi của Hội Huynh đệ Á Âu (Fraternité Europe Asie - FEA), một tổ chức phi chính phủ của Pháp.
Oanh là một trong số hai học sinh của trường tiểu học được làm thủ tục nhận đỡ đầu con nuôi. Nước Pháp trở thành đất nước đầu tiên mà Oanh biết đến bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Không có cha, nhưng Oanh có thêm một người mẹ, từ nước Pháp. Tình yêu bắt đầu từ những bức thư chứa đầy tình cảm của mẹ Cúc - người mẹ nuôi của Oanh. Mẹ Cúc là người gốc Việt, dù chưa bao giờ gặp mặt, chỉ có những bức hình chân dung và những lá thư, nhưng tình yêu cứ thế lớn dần trong Oanh. Cô nhớ như in lời mẹ nuôi căn dặn cố gắng học giỏi và nhớ học tiếng Pháp, vì có đến 63 xứ trên thế giới sử dụng tiếng Pháp.
“Chỉ khi con giỏi ngoại ngữ, thế giới sẽ rộng mở trong tầm mắt con. Mẹ mong con có một tương lai tốt đẹp hơn” - mẹ Cúc đã viết trong lá thư đầu tiên, gửi cho Oanh.
Năm 2007, Oanh nhận lá thư cuối cùng của mẹ nuôi, thông báo rằng đã nộp hết tiền học cho Oanh năm 2008, và còn gửi cho cô một khoản tiền nhỏ để làm hộ chiếu, hoàn tất thủ tục sang Pháp. Cô không hề biết rằng mình sẽ phải chờ đợi 11 năm cho chuyến đi của mình, khi bất ngờ mất liên lạc với mẹ nuôi. Nhưng ước mơ đến Pháp thì vẫn lấp lánh.
Oanh âm thầm tự học tiếng Pháp, tìm kiếm các cơ hội học bổng du học để được tìm gặp người mẹ thứ hai của mình. Tốt nghiệp đại học, Oanh đi làm ở nhiều nơi, vừa đỡ đần mẹ ở quê, vừa tự tìm kiếm cơ hội. Biến cố xảy ra vào năm 2013, khi Oanh nhận tin mẹ đỡ đầu đã qua đời tại Paris.
“Tôi vẫn tin một ngày nào đó tôi sẽ đến Pháp thăm mẹ, chỉ là chưa biết tôi thực hiện được điều đó khi nào. Mẹ đã không thể đợi tôi nữa. Tôi chới với và hụt hẫng. Chính biến cố này đã thôi thúc tôi quyết tâm mạnh mẽ hơn cho hành trình đến Pháp. Tôi tích cóp tiền lương hằng tháng, tự học lại tiếng Pháp để tiết kiệm chi phí và tìm hiểu kỹ càng quy trình nộp hồ sơ xin thư nhập học, chứng minh động lực, lộ trình học tập, phỏng vấn, nộp visa…
Hình ảnh nước Pháp xinh đẹp vẫn thường trực trong tôi. Mùa thu năm 2018, tôi đáp chuyến bay xuống sân bay Charles de Gaulle, thủ đô Paris của Pháp vào lúc 6 giờ 10 phút, khi trời có chút mưa và lạnh. Nhưng đó là cái lạnh của hạnh phúc. Tôi đã không từ bỏ và làm được điều mình muốn sau 11 năm dài” - Oanh kể.
Sang Pháp, điều đầu tiên Oanh làm là tìm thông tin về mộ mẹ nuôi. Theo địa chỉ trên thư, cô tìm đến nhà nhưng không gặp được ai biết thông tin vì mẹ nuôi cô là người độc thân. Cô lục tung mạng internet, tìm kiếm từ những người từng tham gia Hội Huynh đệ Á Âu, nhưng vẫn bặt tin. Đó cũng là điều cô tiếc nuối và luôn đau đáu. Niềm an ủi trong Oanh bây giờ là còn giữ 30 lá thư mẹ nuôi từng gửi cho cô.
Áo dài nơi xứ lạ
“Trong suốt những năm tháng đi học, không nổi trội về thành tích học tập nhưng tôi tự tin rằng mình chưa bao giờ bỏ cuộc trước những ước muốn của bản thân. Không có nhiều điều kiện về tài chính, tôi chuẩn bị cho mình một tinh thần thép và sự kiên trì đến cùng để chạm tay đến ước mơ.
Đến năm 2018, khi đã tiết kiệm đủ số tiền trong 6 năm đi làm, tôi an tâm mình sẽ sống được trong một năm với số tiền đó. Tôi tìm hiểu các công việc làm thêm, lên kế hoạch chi tiết từng khoản sinh hoạt để có thể tiết kiệm chi phí khi học năm đầu tiên tại Pháp” - Oanh kể về chuyến đi của đời mình.
Hai tám tuổi, những bước chân của cô lần đầu tiên chạm đến đại lộ Champs-Élyssée, không phải là trong những giấc mơ nữa. Bốn năm sau đó, Oanh đã ghé thăm 17 thành phố với 6 di sản văn hóa thế giới, khám phá văn hóa và cuộc sống tại 5 vùng miền của Pháp.
Cô sống lâu nhất tại 3 thành phố Nancy trong năm học đầu tiên, rồi đến Paris, nơi cô theo học chương trình thạc sĩ) và chuyển về Granville (thuộc vùng Normandie, nơi cô sống hiện tại).
Cô tự mình viết những trải nghiệm mới của bản thân, những điều cô học được và cảm nhận khi bước chân ra thế giới mới của riêng mình. Đi để được dung nạp, trải nghiệm nhiều hơn và trưởng thành hơn.
Nước Pháp đẹp, lúc nào cũng đẹp như trong trí tưởng tượng của cô. Từng công trình kiến trúc, khu phố cổ kính, những cánh đồng xanh ngát bạt ngàn, tiếng Pháp… khiến cô nghĩ rằng mình như đang trở về nhà.
Oanh vẫn giữ mái tóc dài đen óng ả của một cô gái Việt, tự hào mặc áo dài xuất hiện trước nhiều sự kiện, nhiều địa điểm. “Luôn thân thiện và giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể, tôi muốn mọi người biết rằng tôi là cô gái Quảng Nam của đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Khi có cơ hội giao lưu văn hóa, tôi luôn mặc áo dài, đội nón lá Việt Nam, để mình có cơ hội được nói về quê hương mình. Những người bạn tốt bụng giúp tôi vơi nỗi nhớ quê, bớt cơn thèm một tô mỳ Quảng. Điều tiếc nuối duy nhất, là tôi vẫn chưa thể tìm được mộ mẹ nuôi, dù đã cất công tìm kiếm rất nhiều lần” - Oanh tâm sự.
Hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Pháp, Oanh tiếp tục theo đuổi hai dự án cá nhân. Cô cùng cộng sự đang cộng tác cho chương trình biên dịch và phổ biến các kiến thức về nghệ thuật, hội họa phương Tây đến gần hơn với học sinh Việt Nam.
Cô còn theo đuổi dự án liên quan đến việc quảng bá các phương pháp làm đẹp từ thiên nhiên và cách chăm sóc tóc truyền thống của phụ nữ Việt. Mong ước của cô là giới thiệu vẻ đẹp của phụ nữ Việt đến bạn bè quốc tế.
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Với Oanh, đi xa là để trở về, bằng nhiều cách thức vì quê hương xứ sở luôn ở trong tim. Từ nước Pháp, cô gái của làng Hương Trà vẫn đang viết tiếp thanh xuân sôi nổi và rực rỡ của mình, từ một giấc mơ...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn