Bản di chúc ngắn gọn với những lời căn dặn kĩ càng việc nước, việc Đảng, việc dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên, điều này thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Là hạt nhân phong trào ở các cơ sở Đoàn, vai trò của cán bộ Đoàn càng đặt biệt quan. Việc tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc “nói đi đôi với làm” trong đội ngũ cán bộ Đoàn theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, qua đó hình thành những thủ lĩnh thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” thực sự, góp phần đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng phát triển.
“Nói đi đôi với làm” nguyên tắc đạo đức nền tảng, cơ bản.
“Nói đi đôi với làm” làm một trong những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là phẩm chất đạo đức nền tảng, là thước đo sự cống hiến, đánh giá phẩm chất, năng lực của mỗi người; biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên (ĐVTN), theo Bác
“một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” . “Nói đi đôi với làm” còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
Nói đi đôi với làm trước tiên là nói phải đúng chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Cán bộ Đoàn phải nắm vững đường lối cách mạng của Ðảng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động ĐVTN và Nhân dân làm cho đúng, cho sát thực tế và đạt hiệu quả. Muốn vậy cán bộ đoàn phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng, phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, coi lý luận như cái kim chỉ nam, chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.
Theo Hồ Chí Minh, lời nói cần đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và Nhân dân, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số Nhân dân còn nhiều thiếu thốn,… thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.
Giữa thời buổi tác động của mặt trái kinh tế thị trường len lỏi vào mọi ngỏ ngách của đời sống xã hội, tình trạng "nói không đi đôi với làm", "nói mà không làm", "nói một đằng, làm một nẻo", "nghĩ một đằng, nói một đằng", “nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người, trong đó có đội ngũ cán bộ Đoàn của chúng ta. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng tham, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái, bè cánh… đang gây bức xúc trong xã hội, làm xóa mòn niềm tin trong thế hệ trẻ, trong Nhân dân.
Cũng còn một số cán bộ Đoàn như Bác Hồ thường phê phán "Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình”. Nói để cho người khác làm, còn chính mình lại không nêu gương, không quyết tâm theo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó. Nhiều chương trình được phát động với khẩu hiệu hoành tráng, tổ chức khởi công khởi động rình rang, tốn kém nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn, thiếu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, không tổng kết rút kinh nghiệm… thành ra đầu voi đuôi chuột, làm qua loa chiếu lệ, làm cho có thành tích từ đó mất đi vai trò, vị trí của tổ chức đoàn.
Một số khác lại bằng mặt nhưng không bằng lòng, sống hai mặt, trong cuộc họp họ thường nói rất hay về nhân ái, đạo đức, liêm chính, chí công vô tư, lương tâm,... nhưng trong thực tế hành động lại làm ngược lại, nói xấu người này người kia, đề cao quyền lợi hơn trách nhiệm, gây mất đoàn kết trong tổ chức, đơn vị. Hay có trường hợp họp không góp ý, phê bình, ra ngoài lại đem chuyện không hay của tổ chức, đơn vị… làm câu chuyện làm quà cho người khác, tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức…
Cùng với hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống, căn bệnh "nói nhiều làm ít, nói hay làm dở", lạm phát ngôn từ đã góp phần làm giảm lòng tin của quần chúng, làm tích tụ trong họ những bất mãn, hoài nghi không đáng có từ đó không thu hút tập hợp được họ, làm cho họ quây lưng với công tác Đoàn, bị lôi cuốn bởi những văn hóa rẻ tiền, sống không mục đích lý tưởng… Công tác Đoàn và phong trào thanh niên vì thế khó phát triển.
Xây dựng phong cách “nói đi đôi với làm” trong đội ngũ cán bộ Đoàn.
Để chống việc nói một đằng, làm một nẻo, mỗi cán bộ Đoàn cần phải xác định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong tổ chức. Bám sát điều kiện thực tế của địa phương đơn vị, đi sâu đi sát vào trong quần chúng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, nhu cầu của thanh niên để đề ra những quyết sách đúng đắng, hiệu quả trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Đồng thời mỗi cán bộ Đoàn cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện theo những nội dung sau:
Một là, người cán bộ đoàn phải là người đi đầu gương mẫu. Mỗi cán bộ phải thực sự trở thành tấm gương sáng cho mọi ĐVTN noi theo. Người căn dặn “
Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Điều này càng đòi hỏi mỗi cán bộ đoàn từ việc nhỏ đến lớn, từ việc riêng đến việc chung, từ trong cuộc sống đến công việc thường ngày luôn luôn phải nỗ lực thực hiện tốt phương châm với 5 chữ “Nói đi đôi với làm, nêu gương bằng hành động”, và “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”
Thứ hai,
người cán bộ Đoàn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từng bước đưa tư tưởng đạo đức của Người đi vào đời sống cá nhân thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Thực hiện nghiêm yêu cầu của Chỉ thị 01 CT/TWĐTN ngày 17-5-2013
Về việc tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn.
Thứ ba,
người cán bộ Đoàn phải nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, kiên quyết thực hiện đúng phương châm “Nói đi đôi với làm”, đã nói phải làm, đã làm phải chịu. Không được hứa mà không làm, chống chủ nghĩa cá nhân trong chính con người mình.
Thứ tư.
người cán bộ Đoàn phải luôn rèn luyện cho mình có cái tâm, cái đức trong sáng. Bác nói: “…Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “
Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “
Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Người dạy “
nói và làm là tự bản thân mỗi người, bản thân người được nói để người khác nghe theo thì phải là con người lòng dạ trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương”.
Thứ năm, BCH cấp trên thường xuyên bồi đắp lý lưởng cách mạng, giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cán bộ Đoàn. Trong đánh giá lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của ĐVTN làm thước đo chủ yếu.
Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, không chỉ là bài học tư tưởng quý giá, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người cán bộ, ĐVTN. Vì vậy nhiệm vụ của mỗi chúng ta là tiếp tục ra sức đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, đưa tư tưởng của người trở thành nền tảng đạo đức của toàn xã hội, chung tay xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có đạo đức, vững về nghiệp vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh./.