Dưới cái nắng của buổi chiều tà, tôi và cô TPT Đội, trong một lần tình cờ đến nhà em Thôi, để thăm anh Trai của Thôi là em Trần Đăng Thiện, học sinh lớp 7 của trường đang bị căn bệnh nhiễm chì não. Trên con đường quê ven biển vắng vẻ, hai cô trò chúng tôi có một cuộc hành trình về thôn Đồng Trì, xã Bình Hải để tìm đến nhà em Thiện. Vì chưa biết nhà, nên chúng tôi cứ hỏi thăm dần và cuối cùng cũng đến nơi. Hiện ra trước mắt tôi là một ngôi nhà nhỏ, ở gần sông, nhìn quang cảnh có gì đó vắng vẻ, cửa thì đóng kín. Tôi nhẹ giọng thưa: Xin hỏi có ai ở nhà không ạ? Hai ba lần như vậy. Thì bổng trong nhà có một người phụ nữ tuổi chừng 40 nhưng trông vẻ rất già, với ánh mắt thấm đượm cái buồn sâu thẳm. Cô mở cửa chào tôi và mời cô trò vào nhà.
Bước qua cánh cửa,cả hai cô trò đứng sựng người lại, bởi khung cảnh trong nhà sao quá thiếu thốn, hẩm hiêu. Không có lấy một cái bàn, cái ghế để ngồi. Một cảnh tượng mở ra kinh hoàng, với hai bàn thờ mới rợi, một của người cha mất cách đây tròn một năm và một của người chị gái mới mất cách đây 49 ngày. Và cảnh em Thiện, anh trai của Thôi đang nằm quằn quại trên giường làm tôi không cầm được nước mắt, lui hui dưới bếp là cảnh em Thôi đang ngồi đun củi thông nấu nước, khói tỏa nghi ngút cả nhà.
Thế là mẹ Thôi vội chạy qua nhà bên cạnh, mượn vài cái ghế nhựa về mời chúng tôi ngồi. Thắp nén nhang hai bàn thờ xong, tôi và cô ngồi nói chuyện với mẹ Thôi. Mẹ Thôi kể: Chồng tôi bị nhiễm chì não qua đời, khi các con còn quá nhỏ, thế là mọi khổ cực đều dồn lên vai tôi. Nhìn đứa nào mặt mày cũng dễ thương, tôi cũng cố mà chịu cực để chúng nó được đến trường. Nhưng cuộc đời éo le, đã khổ lại càng thêm khổ, cách đây 49 ngày thì đứa con gái tôi sau khi chạy chữa với căn bệnh nhiễm chì cũng đã qua đời, rồi đến lượt thằng Thiện bị đau lâu ngày, đi khám bác sĩ cũng bảo bị nhiễm chì não, giờ không đi lại được. Nói đến đó thì mẹ Thôi nghẹn lời, mắt rưng rưng. Rồi nói tiếp, còn có tí con Thôi, con bé dễ thương, chịu khó ham học, bác sĩ bảo nó giờ thì chưa có biểu hiện nhiễm chì gì, vì khi lớn thêm lên, lượng chì tích tụ lại mới biết có nhiễm hay không. Thương con bé lắm, nó đang còn nhỏ, học giỏi. Nghe xong câu chuyện hai cô trò tôi như bước vào một thế giới của người cùng khổ.
Đến lúc này, trời cũng đã gần tối, chúng tôi trao món quà của nhà trường và liên đội gửi thăm gia đình và chào ra về. Nhưng nổi ám ảnh về gia đình Thôi vẫn theo chúng tôi mãi.
Hiểu được hoàn cảnh của em Thôi, nên trở về trường cô trò tôi luôn dành mọi tình cảm cho Thôi. Cô TPT Đội nói chúng ta phải ưu ái cho em Thôi hàng đầu các em nhé!Bằng tình yêu thương của thầy cô, bạn bè và bằng nghị lực của mình em Thôi đã vươn lên trong học tập trở thành học sinh giỏi, không chỉ học giỏi. Thôi còn tham gia nhiệt tình trong mọi phong trào của trường, lớp. Hằng ngày, sau giờ học. Thôi ở nhà giúp mẹ làm việc nhà và chăm sóc anh Thiện để mẹ Thôi đi làm kiếm tiền lo thuốc men cho anh Thiện và lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. Bản thân em cũng không biết bệnh tình sau này của mình thế nào, nhưng em không tỏ ra bi quan mà lúc nào cũng tràn đầy sự sống. Có lầnem nói với tôi: "Chị ơi, em rất muốn được như các chị". Nghe em nói vậy, tôi chạnh lòng, sót xa vô cùng, thầm cầu mong cho em khỏe mạnh mãi.
Đối với Thôi mỗi ngày đến trường là một niềm vui, niềm vui được học hành, được vui chơi cùng bạn bè, niềm vui về khát vọng được sống như bao đứa trẻ khác. Không chỉ ham học, trong công việc Thôi cũng rất nhiệt tình, dường như em đem tất cả sức lực của mình vào mỗi việc em làm thì phải. Nhìn em tôi cảm thấy thương em rất nhiều. Một có bé biết vượt lên số phận mà không phải ai cũng đủ tinh thần và nghị lực vượt qua như Thôi.
Em Thôi sẽ mãi mãi là tấm gương sáng về nghị lực và ý chí cho tôi và học sinh trường Hoàng Diệu noi theo. Bản thân tôi cũng tự hỏi mình được may mắn hơn em thì mình cần phải cố gắng học tập thật giỏi hơn nữa để không phụ lòng những người thương yêu tôi.
Hoàng Châu Kim Cương - Lớp 8/1, Trường THCS Hoàng Diệu, Thăng Bình