Em - Thùy Ngân, cô bé phải mang trong mình dị tật (câm, điếc tai) chỉ khi vừa tròn vài tháng tuổi. Nhưng với tôi, em như một đoá hoa xương rồng nở rộ trên cát, với sức sống mạnh mẽ.
Các bạn hãy cùng tôi đến trường Tiểu học Phù Đổng, TP Hội An, Quảng Nam, để gặp em Mai Trần Thuỳ Ngân, lớp 2/2, người mà được các thầy cô và các bạn trong trường ví von như là “Hoa xương rồng nở trên cát”.
Ngân năm nay vừa tròn 9 tuổi, nhìn vẻ bề ngoài, Ngân không khác gì các bạn cùng trang lứa, nhưng ít ai biết được Ngân đi học trễ hơn các bạn cùng tuổi đến hai năm. Vì lúc nhỏ, ngoài bệnh khiếm thính, Ngân còn mắc bệnh tự kỉ. Khó khăn trong việc giao tiếp, khiến Ngân phần nào khép mình lại với thế giới bên ngoài. Phải mất hai năm, học tập, phấn đấu, rèn luyện em mới hòa nhập lại với cộng đồng và đi học cùng với bao bạn bè đồng trang lứa.
Có lẽ, cuộc sống này luôn luôn có sự khoan dung, công bằng, khi thượng đế lấy đi đôi tai và giọng nói của em thì ông đã để lại cho Ngân một vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp. Dáng vóc cao ráo cùng với nước da trắng ngần, đôi mắt trong sáng, hồn nhiên, nhưng đâu đó tôi lại cảm nhận được nét buồn phảng phất trong ánh mắt Ngân. Qua lời kể của em gái tôi, học cùng lớp với Ngân, tôi mới biết được không chỉ bị khiếm thính, Ngân còn chịu nỗi đau về tinh thần ngay từ khi còn nhỏ em phải sống xa cha, mẹ vì bố mẹ đã li hôn. Tuy vậy, nhưng Ngân lại được ông bà dành hết sự yêu thương của mình cho đứa cháu yêu.
Cơn bạo bệnh mang đi đôi tai và giọng nói của em không ai khác chính là cơn sốt rubella. Để có thể đi học bình thường như các bạn cùng trang lứa, Ngân được ông bà trang bị cho một đôi tai đặc biệt - đó chính là “chiếc máy trợ thính”.
Đầu năm học này, em gái tôi được cô giáo chia ngồi bên cạnh Ngân. Những tưởng một cô bé không thể nói được thành tiếng, chỉ có thể phát ra những âm thanh ê a lạ thường thì làm sao người khác có thể hiểu được và có thể theo học tại một trường Tiểu học bình thường như bao đứa trẻ khác được. Nhưng không, với một nghị lực phi thường, với sự yêu quý của các bạn cùng trang lứa mà Ngân đã cho tôi và các bạn trong trường thấy được điều kì diệu trong cuộc sống này.
Ở trong lớp, em được học tập, sinh hoạt bình thường giống như các bạn khác. Điều đặc biệt ở lớp học này chính là có hàng tá “thông dịch viên tí hon”, những người bạn nhỏ luôn sẵn sàng giúp đỡ Ngân khi Ngân gặp khó khăn trong nghe và nói. Ngân nói không rõ từ nhưng viết chữ rất đẹp, từng nét chữ nắn nót viết lên những trang vở trắng vô cùng ngay ngắn. Không những viết đẹp, mà Ngân còn vẽ đẹp nữa. Như thể, từng suy nghĩ của em thay vì thể hiện qua lời nói, Ngân mang tâm hồn mình vào trong từng bức tranh, thông qua từng nét cọ. Chẳng những vậy, Ngân còn học rất tốt, nhất là Toán. Mỗi khi cô giáo ra bài tập, em gái tôi bao giờ cũng về kể:
“Chả bao giờ em làm nhanh bằng bạn Ngân, có lúc bạn Ngân còn giúp em biết cách làm bài nữa. Ở lớp học, cô giáo và bạn bè ai cũng thương Ngân, luôn dành cho Ngân sự yêu mến, quý trọng nhất có thể”.
Bản thân tôi, một đứa trẻ may mắn có được đầy đủ tất cả nhưng đôi khi tôi còn cảm thấy việc học là vô cùng khó khăn. Vậy thì làm sao mà cô bé mang trên mình căn bệnh, đến nghe còn chưa rõ, nói còn chưa rành mà em vẫn có thể tiếp thu được tất cả mọi thứ?. Hẳn phải có một nghị lực phi thường, không chịu đầu hàng số phận sâu trong em thì mới có thể làm được điều kì diệu ấy! Có lẽ chính nhờ những tình yêu xung quanh em, dù thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, nhưng tình yêu của ông bà, của cô giáo, của bạn bè tất cả đã giúp cho em cảm thấy cuộc sống này vẫn còn rất nhiều điều tươi đẹp. Chính nghị lực phi thường đó của Ngân đã lay động những người xung quanh em, trong đó có cả tôi. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Ngân đã cho tôi và các bạn trong trường thấy được sự nỗ lực, cố gắng phi thường, một tấm gương để tôi và các bạn trong trường học tập và noi theo.
Biết đến Ngân là một điều tuyệt vời trong cuộc đời tôi. Nếu hỏi tôi:
“Cuộc sống này có phép màu không?”. Tôi sẽ trả lời ngay:
“Ngân chính là một cô phù thủy nhỏ tự tạo ra phép màu!”.
Phạm Thị Ánh Thùy - Lớp 5/3, trường Tiểu học Phù Đổng - Hội An