Để dự án hoạt động hiệu quả, 20 thanh niên ở hai xã nói trên đã thành lập Tổ thanh niên phát triển kinh tế do anh Ríah Dung - Bí thư Đoàn xã GaRy làm tổ trưởng. Những thanh niên này có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ hơn 900 gốc bưởi da xanh và hơn 2.000 gốc cam bản địa trồng trên diện tích hơn 7ha. Dự án có kinh phí đầu tư 200 triệu đồng từ nguồn chương trình 30a của Chính phủ.
Những ngày tháng 10 và 11.2021, khi cam vùng cao vào mùa thu hoạch cũng là thời điểm mưa nhiều, giao thông đi lại khó khăn, cam không bán được. Trước tình hình đó, anh Ría Dung bàn với anh em trong tổ đứng ra thu mua, thuê xe tải chuyển về Đà Nẵng và vùng đồng bằng bán giúp bà con.
Anh Dung đã dùng mạng facebook kết nối nhiều anh em, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Anh Dung chia sẻ: "Trong vòng gần 2 tháng, anh em trong tổ đã bán được 15 tấn cam và tiếp tục ký kết bán cho Bộ Công an thêm 10 tấn nữa với mức giá tại chỗ là 15 nghìn đồng/kg. Cam bán được số lượng lớn, bà con mình có tiền nhiều vui lắm, mua sắm được ti vi, xe máy".
Ông Riáh Nhoóp, Bí thư Đảng ủy xã Gary đánh giá, mô hình phát triển kinh tế tập thể đầu tiên do thanh niên xã đảm nhận bước đầu đem lại hiệu quả. Từ mô hình này đã thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, nhất là tầng lớp thanh niên. Muốn làm nên sự nghiệp thì phải đoàn kết, đồng lòng.
Anh Cơ lâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn cho biết, đây là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên do thanh niên đảm nhận, nhằm khuyến khích đoàn viên thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, tạo lan tỏa trong phát triển kinh tế nông hộ.
Thời gian qua, Huyện đoàn Tây Giang phối hợp với Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ thuật, phương pháp xây dựng mô hình gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng câu lạc bộ đội nhóm phát triển kinh tế. Đặc biệt, truyền đạt một số kỹ năng, kiến thức về cách trồng, chăm sóc, bảo vệ cây, con địa bản địa gắn với truyền thông quảng bá sản phẩm.
"Trước mắt, chúng tôi làm thí điểm tại 2 xã GaRy và Ch'Ơm, nếu thấy hiệu quả sẽ tiếp tục triển khai tại 8 xã còn lại. Trong đó, ưu tiên mô hình kinh tế trang trại, phát triển cây dược liệu gắn với sản phẩm OCOP và khôi phục lại các làng nghề trồng thống như dệt thổ cẩm, đan lát...", anh Hoài cho biết.
ĐÌNH HIỆP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn