Vì vậy, việc nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng, vận dụng và đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ đoàn viên thanh niên đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra là vấn đề cấp thiết để nâng cao trình độ chính trị, củng cố niềm tin, trang bị những luận cứ mang tính khoa học để đoàn viên thanh niên bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh: Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử. Vì vậy, “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”
1 và “không hiểu lý luận như người mù đi đêm”. Như vậy, theo Người lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, phải được chứng minh trong thực tiễn và khi được vận dụng vào thực tiễn luôn được bổ sung, phát triển, trở nên phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và của con người.
Lý luận mà Hồ Chí Minh quan tâm, trước hết là lý luận trong công tác của Đảng - đó là lý luận chính trị, lý luận cách mạng, lý luận về con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; lý luận về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; lý luận về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; lý luận về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân…Lý luận trên được hình thành và phát triển trên cơ sở tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và những thành tựu của các khoa học lý luận khác.
Để có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội, điều quan trọng là phải nâng cao trình độ lý luận cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên, góp phần hình thành lớp “thanh niên ưu tú”
2 trên mọi lĩnh vực, kế thừa trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước tuỳ thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của thế hệ trẻ. Trong tác phẩm “Gửi thanh niên An Nam”, xuất bản năm 1925, Người cảnh báo: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”
3. Theo Người, thanh niên là lớp người tiêu biểu cho sức sống của một dân tộc, vì vậy, muốn “hồi sinh dân tộc” trước hết phải “hồi sinh thanh niên”. Hồ Chí Minh không những chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà Người còn tin tưởng vào tiềm năng to lớn của họ trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước nhà.
Theo Người, giáo dục có vai trò quan trọng hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, vì vậy, ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ nêu 06 việc cấp bách cần phải làm ngay, trong đó có việc diệt “giặc dốt”, làm cho nhân dân, trong đó đáng chú ý nhất là thế hệ trẻ, có đủ tri thức phục vụ công cuộc kiến thiết và bảo vệ nước nhà, xứng đáng là công dân của một nước tự do, độc lập. Người nói: Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí. Bởi vì sao? Bởi vì, công cuộc kiến thiết nước nhà đòi hỏi phải có nhân tài. Những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Văn hoá, giáo dục là một mặt trận, trong hoàn cảnh nào cũng phải thi đua “dạy tốt, học tốt”.
Trong tác phẩm
Di chúc những năm cuối đời, Người đã khẳng định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”
4.
Và để học tập lý luận tốt, Người chỉ dẫn một cách cặn kẽ: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”.
Từ những quan điểm của Hồ Chí Minh về lý luận và vai trò của giáo dục lý luận chính trị đối với sự nghiệp cách mạng. Để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đoàn viên thanh niên thời gian đến, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phải xác định đúng vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị. Theo Hồ Chí Minh, yếu tố đầu tiên quyết định hiệu quả của công tác huấn luyện lý luận là phải xác định đúng vai trò của công tác huấn luyện. Người khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Huấn luyện cán bộ có nhiều nội dung: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện lý luận, chính trị, huấn luyện văn hóa,... trong đó, huấn luyện lý luận, chính trị là căn bản của công tác tư tưởng.
Hai là, đổi mới nội dung giáo dục lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học. Để giảng dạy bốn bài chính trị cho đoàn viên thanh niên, cụ thể: Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam – người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Khi tham gia giảng các bài trên, ngoài việc cung cấp những kiến thức cơ bản, giảng viên phải xác định được các nội dung trọng tâm, liên hệ sát thực tiễn nơi các đoàn viên thanh niên đang công tác. Do đó, mỗi giảng viên phải có kiến thức thực tiễn phong phú, sinh động. Từ đó mềm hóa lý luận, gắn lý luận với thực tiễn để người học dễ nắm, dễ hiểu, dễ vận dụng vào công việc.
Ba là, đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát huy tính độc lập, tích cực của người học, học đi đôi với hành. Xác định rõ “đối tượng nào, giáo án đó”. Bàn về phương pháp giáo dục lý luận, Hồ Chí Minh phê phán cách học một chiều, áp đặt, “nhồi vào óc” người học lý luận suông, khô khan mà không hướng dẫn cán bộ cách tổ chức thực hiện trên thực tế. Người coi đó là giáo dục “lý luận suông, vô ích”. Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tránh lối học thuộc lòng từng câu chữ, hiểu một cách máy móc lý luận Mác - Lênin. Theo Người, cách giáo dục đúng đắn là “trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”. Trong cách học tập, phải “lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.
Bốn là, đa dạng hóa các phương thức giáo dục lý luận chính trị, kết hợp giữa học ở trường, lớp với quá trình tự học của đoàn viên thanh niên. Đối với học tập lý luận chính trị, việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng là hình thức cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng các lớp huấn luyện phải được tổ chức thường xuyên; chương trình, giáo trình phải có tính hệ thống theo từng mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. “Sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”. Bên cạnh việc học theo trường lớp, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao quá trình tự học lý luận của cán bộ. Người yêu cầu: “ở các cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ... Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, việc tự nghiên cứu, tự học tập, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị từ việc học tập các lớp chính trị do tổ chức, cơ quan đơn vị triển khai. Thiết nghĩ mỗi đoàn viên thành niên phải thường xuyên cập nhật chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.