Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục…..Không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”
[1]. Thầy, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà, trong đó “chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm hết sức quan trọng và rất cần thiết”
[2]. Từ việc xác định vai trò, trách nhiệm của thầy giáo đối với sự nghiệp trồng người, nhất là thế hệ trẻ, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận, đánh giá, đề ra các chủ trương chích sách để chăm lo giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau, những chủ nhân tương lai của nước nhà.
Là người tham gia Đại hội quốc tế thanh niên cộng sản (1924), đồng thời là người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925) và từ rất sớm, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người viết:
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân.
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”
[3].
Người khẳng định, thế hệ trẻ là lực lượng đóng vai trò quyết định sự thành bại của cách mạng. Thế hệ trẻ nếu không vươn lên tỏ rõ là lực lượng xung kích, lực lượng đi đầu thì sự nghiệp của cách mạng và “số phận” của dân tộc khó tránh khỏi tổn thất. Năm 1925, trong bài Gửi thanh niên An Nam, Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thế hệ trẻ già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Trong thực tiễn cách mạng, Người luôn hy vọng vào thế hệ trẻ và khả năng học tập, phấn đấu của họ. Người đã đặt cả niềm tin của mình vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước trên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”
[4].
Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cũng như trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người khẳng định: “Thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc”, “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”.
Luôn tin thể ở thế hệ trẻ, Người yêu cầu Đảng ta phải có kế hoạch chăm lo đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho thế hệ trẻ để họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Vậy là, trong hoàn cảnh nào, kháng chiến hay kiến quốc, đất nước cũng cần nhân tài, do đó giáo dục, đào tạo cần được phát triển và nhất là để chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh những thầy cô giáo cần: Giáo dục lòng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng và hiếu với dân; giáo dục thế hệ trẻ phải biết sống với nhau có tình có nghĩa. Người dạy: Học bao nhiêu chủ nghĩa Mác- Lênin mà sống với nhau không tình, không nghĩa thì gọi gì là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin.
Giáo dục thế hệ trẻ phải thực hành tốt phương châm: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Giáo dục thế hệ trẻ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh vô địch của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, vì: “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu nó còn trong mình, dù ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc, vì thế mà càng nguy hiểm”.
Về việc giáo dục giác ngộ XHCN: Phải làm cho mọi người nhận thức đúng đắn về sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Người viết: “Người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới”
[5].
Người nêu phương thức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là:
Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn, vì học để hành, học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Ngày 21/10/1964 nói chuyện với thầy giáo và sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người căn dặn: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Ngoài ra, Người còn nhấn mạnh: “Giáo dục thế hệ trẻ không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội”.
Kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tại lễ khai trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955, Người nhắc nhở: “Trường đại học, gia đình và đoàn thể phải liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục thế hệ trẻ”.
Đề cao và phát huy tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện của thế hệ trẻ. Theo Người, kết hợp việc giáo dục của nhà trường, của xã hội và của gia đình là hết sức quan trọng, song việc tự rèn luyện, tự giáo dục của thế hệ trẻ đóng vai trò quyết định: “Thế hệ trẻ bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục đều chỉ ra rằng nhà giáo chính là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Để làm được điều đó, người thầy cần phải có “Tâm - Tài - Đức” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Ngày nay, vai trò của người thầy có những thay đổi theo hướng đảm nhiệm nhiều chức năng hơn: đó là chức năng của nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu và người học. Ở nước ta, ngoài những xu hướng chung của toàn cầu hóa, người thầy phổ thông còn đứng trước việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Điều này lại càng đòi hỏi người thầy phải đáp ứng những yêu cầu mới, cao hơn, nặng nề hơn. Và để thực hiện được điều đó, mỗi nhà giáo cần phải tự mình nỗ lực rèn luyện đạo đức, lối sống và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhiều hơn, đồng thời ngành giáo dục cũng phải có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người thầy giáo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới.
Người thầy phải luôn: “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn luyện”. Mặt khác, người thầy phải ngày đêm trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để truyền lửa cho thế hệ mai sau, cho sự nghiệp trồng người. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng phải nhận thức đúng đắn vai trò, bổn phận và trách nhiệm to lớn của mình; ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của sự nghiệp trồng người mà Ðảng, nhân dân đã tin yêu và giao phó.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Điều này không những để khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, mà còn góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.