Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Kỷ niệm 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2024) Những bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Người

Thứ tư - 05/06/2024 16:45

Kỷ niệm 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2024) Những bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh-người đặt nền móng lý luận cho cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và đường lối phát triển dân tộc. Người đã trải qua 30 năm nghiên cứu, học tập; trải qua nhiều thử nghiệm, khảo nghiệm ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Con đường cứu nước mà Người lựa chọn sau nhiều năm bôn ba nước ngoài đã được chứng minh là đúng đắn, phù hợp với trào lưu cách mạng thế giới và xu thế phát triển của thời đại.

 

Với xuất phát điểm ban đầu là chủ nghĩa yêu nước, khi chứng kiến cảnh đồng bào lầm than, đau khổ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã hình thành ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, quyết tâm đi ra nước ngoài để tìm đường đi đúng cho cách mạng Việt Nam với hai bàn tay trắng nhưng tâm hồn tràn đầy hoài bão và niềm tin.

Ngày 5-6-1911, Văn Ba (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) đã rời Tổ quốc trên con tàu L’amiral Latouche Tréville để đi tìm đường cứu nước. Con tàu L'admiral của hãng Năm Sao rời Bến Nhà Rồng sang Pháp, qua nhiều châu lục, trực tiếp đến với những trung tâm văn minh lúc bấy giờ như: Anh, Pháp, Mỹ... nhưng cũng có những nơi dân chúng sống trong cảnh cực khổ, lầm than như: Algeria, Congo, Tunisia... Càng đi, người thanh niên yêu nước càng rút ra một thực tế: Nhân dân các nước thuộc địa đều là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân.

Khi đến Mỹ vào cuối năm 1912, Người cũng nhận thấy sự khác biệt trong đời sống của chủ nghĩa tư bản với người dân lao động. Người dân ở đâu cũng bị áp bức, bóc lột tàn bạo bởi giai cấp tư sản núp dưới khẩu hiệu “cộng hòa dân chủ”.

Những năm tháng bôn ba nước ngoài cũng là khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành được thực sự hòa mình vào đời sống công nhân lao động, trực tiếp hoạt động cách mạng và được tiếp xúc với những luồng tư tưởng tiến bộ, những nhà cách mạng nổi tiếng của thế giới. Năm 1913, Nguyễn Tất Thành đến nước Anh. Tại đây, Người hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ireland... Năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ nước Anh trở lại Pháp, sống và hoạt động tại đây trong 6 năm. Người tích cực hoạt động chính trị, cùng các nhà yêu nước tại Pháp như: Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh lập ra Hội những người yêu nước Việt Nam.

Pháp là tâm điểm hoạt động chính trị của Nguyễn Tất Thành. Thời kỳ này, Người làm nhiều nghề, tham gia các sinh hoạt của công nhân, thợ thuyền. Do ở ngay trung tâm của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân nên Người có điều kiện quan sát trực tiếp tình cảnh của những người lao động dưới ách áp bức, bóc lột tàn bạo của tư bản ở chính quốc đối với các dân tộc thuộc địa và đi đến kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”(1).

Người trực tiếp thu thập kiến thức, lý luận trong mọi điều kiện có thể: Các thư viện ở Paris, London; tham gia các hội thảo, sinh hoạt trong các câu lạc bộ chính trị, văn hóa; từ sách báo, từ mối quan hệ, tiếp xúc với những nhà hoạt động chính trị có tiếng lúc bấy giờ. Quá trình này đã nâng tầm hiểu biết và nhận thức chính trị cho người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Điều này dẫn đến việc năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ lúc đó thường lên tiếng chống lại chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp ở các nước thuộc địa. Theo Người, đây là “tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái”(2).

Tại Hội nghị Versailles năm 1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi tới hội nghị bản "Yêu sách của nhân dân An Nam". Đây là lần đầu tiên, người dân của một nước thuộc địa nhỏ bé đưa ra ý kiến, đòi hỏi những quyền cơ bản của mình. Và dù không được đáp ứng nhưng nó là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh 

Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp tại Tours với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa, có bài tham luận về vấn đề thuộc địa, dũng cảm tố cáo tội ác và những thủ đoạn áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Từ đây, Người đã lựa chọn con đường đi cho cách mạng Việt Nam, con đường cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ nhiều nhà cách mạng châu Phi, châu Mỹ Latin và họ có sáng kiến thành lập Hội liên hiệp thuộc địa vào tháng 7-1921.

Trong thời gian từ năm 1921 đến 1930, Người hoạt động ở Pháp, dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Pháp, tập trung lên án chủ nghĩa thực dân, hoạt động trong Hội liên hiệp thuộc địa, xuất bản Báo "Người cùng khổ"...

Liên Xô cũng là quốc gia có dấu ấn sâu đậm trong hành trình tìm đường cứu nước của Người. Từ tháng 7 đến tháng 8-1920, tại Moscow diễn ra Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản, thông qua 21 điều kiện bắt buộc được công nhận đối với mỗi tiểu ban quốc gia. Báo L’Humanité đặc biệt trong 4 ngày (từ 14 đến 17-7-1920) đăng các nghị quyết chính của đại hội, số ra ngày 16 và 17 đăng toàn văn "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lenin. Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được tiếp cận với văn kiện này. Người rất tâm đắc và vui mừng thốt lên: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(3). Con đường đó là con đường cách mạng vô sản. Luận cương đã chỉ ra cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập, tự do cho người dân nước mình.

Năm 1923, Người sang Liên Xô để hoạt động, học tập và nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác-Lênin. Năm 1924, Người dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề thuộc địa và thường xuyên nhấn mạnh với Quốc tế Cộng sản rằng “họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”(4).

Tại đây, Người tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tham gia nhiều hội nghị, đại hội của Quốc tế Cộng sản: Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (tháng 10-1923), Đại hội V Quốc tế Cộng sản (từ ngày 17-6 đến 8-7-1924), Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ (tháng 7-1924), Đại hội lần thứ IV Quốc tế Thanh niên (từ ngày 15 đến 25-7-1924). Tại các hội nghị, đại hội, Nguyễn Ái Quốc đều có bài phát biểu nêu lên vị trí, vai trò của thuộc địa, của công nhân, nông dân, thanh niên thuộc địa; mối quan hệ giữa thuộc địa với chính quốc; vai trò, nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng ở thuộc địa.

Cuối năm 1924, Người rời Liên Xô sang Trung Quốc, chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản kiểu mới cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Người còn có thời gian quay lại sống, làm việc, hoạt động cách mạng tại Liên Xô những năm 1927, 1934-1938.

Đặc biệt, từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Người, đã diễn ra hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Và chỉ trong 5 năm (1941-1945), Người đã lãnh đạo nhân dân đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tới bến bờ thành công với mốc son chói lọi là thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

30 năm (1911-1941), Nguyễn Tất Thành từ một thanh niên yêu nước tiến bộ đã trở thành một chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, trở thành người cộng sản kiên trung theo Chủ nghĩa Mác-Lênin.

--------------------

1) Hồ Chí Minh (2011)Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia -Sự thật, Hà Nội, tr.287

2) Trần Dân Tiên (1975): Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, Hà Nội, tr.39

3) Hồ Chí Minh (2011)Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.562

4) Hồ Chí Minh (2011)Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.311

--------------------

TS CHU ĐỨC TÍNH

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2581 | lượt tải:635

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2012 | lượt tải:709

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2303 | lượt tải:635

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3281 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2677 | lượt tải:740
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây