Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

NHÀ LƯU NIỆM ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN TRỖI, XÃ ĐIỆN THẮNG TRUNG, THỊ XÃ ĐIỆN BÀN

Thứ ba - 22/03/2022 04:14

NHÀ LƯU NIỆM ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN TRỖI, XÃ ĐIỆN THẮNG TRUNG, THỊ XÃ ĐIỆN BÀN

NHÀ LƯU NIỆM ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN TRỖI, XÃ ĐIỆN THẮNG TRUNG, THỊ XÃ ĐIỆN BÀN
nvt 1

1. Tên di tích: Nhà Lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. (Tên gọi khác là: Nhà AHLS Nguyễn Văn Trỗi).
2. Loại di tích: Lịch sử cách mạng.
3. Quyết định: Đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quyết định Số: 1341/QĐ - UBND ngày 20.4.2018.
4. Địa chỉ di tích: Thanh Quýt 4, Xã Điện Thắng Trung, Thị xã Điện Bàn.

5. Tóm tắt Tiểu sử Nguyễn Văn Trỗi
5.1. Tiểu sử:

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1 tháng 2 năm 1940 tại làng Thanh Quýt nay là thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Theo tục lệ người miền nam thì con đầu là anh Hai/ chị Hai, anh là con thứ ba nên còn có tên là Tư Trỗi. Thân phụ anh là ông Nguyễn Văn Hóa (tự Thoàn) từng tham gia cách mạng thời chống Pháp; anh ruột là Nguyễn Văn Toàn, cũng từng tham gia cách mạng, hoạt động vùng Điện Bàn - Đà Nẵng.

Lúc nhỏ, anh Trỗi học tiểu học ở trường Miếu Xóm do thầy giáo Nguyễn Văn Nhung dạy.Người cha vào Sài Gòn làm ăn. Bốn chị em được mẹ rau cháo nuôi qua ngày. Mẹ mất vì quá cơ cực khi anh chưa tròn 10 tuổi, để lại 4 chị em ở với bác ruột, một buổi phụ giúp đồng áng, một buổi đi học.

Năm 13 tuổi, anh theo người anh thứ ba Nguyễn Văn Toàn lúc đó đang làm công cho một hãng bánh kẹo ở Đà Nẵng để học nghề may. Anh đã làm đủ nghề từ công nhân hãng kẹo đến học may. Học may hai năm trời, người chủ chỉ giao anh làm khuy nút và làm việc nhà mà không chỉ nghề.

Đến mùa hè năm 1956, ngày đó bến sông Hàn có tàu Nam Việt đang chuẩn bị khởi hành, anh Trỗi (lúc đó được 16 tuổi) đã lén lấy 900 đồng của anh trai, mua vé tàu vào Sài Gòn. Anh gửi cho anh trai lá thư từ biệt lời lẽ tha thiết.

Vào Sài Gòn, anh ở nhà trọ tại nhà bác Ba Nhân (người cùng quê), ban đầu đi đạp xích lô kiếm sống. Về sau anh học thêm nghề thợ điện, ban ngày làm thuê, ban đêm học lý thuyết ở Trường Bá Nghệ (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Sau anh vào làm công nhân tại Nhà máy điện Chợ Quán. Lúc còn sống, anh ao ước đất nước hòa bình, sẽ mở một tiệm sửa đồ điện, cả nhà sống bằng nghề đó.

5.2. Gia đình:

Ngày 9 tháng 2 năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi lần đầu gặp gỡ chị Phan Thị Quyên (sinh năm 1944), qua sự mai mối của chị họ cùng làm công nhân tại hãng bông Bạch Tuyết. Quê nội chị Quyên ở thôn Văn Giáp (xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội).

Từ năm 1917, người dân thôn Văn Giáp đã phiêu bạt tứ xứ, nhiều người vào Nam Bộ kiếm sống. Năm 1937, bố mẹ chị Quyên cũng vào Nam. Lúc đầu họ tá túc ở đồn điền Chúp thuộc tỉnh Kampong Cham, Campuchia; cụ ông làm nghề cắt tóc, cụ bà bán hàng xén. Vì tham gia hoạt động yêu nước nên cụ ông bị lùng bắt, phải trốn về Sài Gòn vào năm 1956. Về Sài Gòn, gia đình chị Quyên sống ở 104 Lê Quốc Hưng (nay thuộc phường 12, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 21 tháng 4 năm 1964 (ngày 10 tháng 3 âm lịch), hai người làm đám cưới. Sau ngày cưới, vợ chồng anh cùng người cháu tên Hứa về ở chung nhà với một gia đình đồng hương tại số 1701, ấp Tây Ba, gần xứ đạo Bùi Chu - Phát Diệm.

Chỉ 19 ngày sau lễ kết hôn thì Nguyễn Văn Trỗi bị bắt. Vợ anh cũng bị giam giữ vài ngày sau đó nhưng được thả ra vì không có bằng chứng kết tội. Hai người chưa có con với nhau. Tháng 2 năm 1965, bà Phan Thị Quyên tham gia đội biệt động 65 đóng tại Long An, rồi được điều chuyển về R (Trung ương Cục). Tháng 3 năm 1965, bà dự đại hội phụ nữ toàn miền Nam và được nhà báo Trần Đình Vân, phóng viên báo Giải Phóng, viết bút ký “Sống như anh”. Tháng 5 năm 1969, bà Quyên tập kết ra miền Bắc. Đến năm 1973, bà lập gia đình mới. Năm 1980, sau khi ra trường, bà về công tác tại Công ty Du lịch TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2019, gia đình bà Phan Thị Quyên xác nhận bà đã từ trần lúc 4 giờ 41 phút sáng ngày 4 tháng 7 năm 2019 tại nhà riêng, hưởng thọ 75 tuổi.

5.3. Sự nghiệp Cách mạng:

Đến giữa năm 1963, anh Trỗi được anh Lê Đức Hiền (Tư Kiếm, tên thật là Nguyễn Hữu Kiếm), anh họ nhận vào tổ biệt động cùng lúc với Nguyễn Hữu Lời. Cả bốn người cùng quê ở làng Thanh Quýt và lúc đó đều cư ngụ ở quanh vùng Vườn Xoài, đường Trương Minh Giảng. Thời gian này, anh Trỗi ở tại nhà Tư Kiếm.

Đến tháng 10 năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi tranh thủ về thăm quê, đây là lần thăm nhà cuối cùng của anh. Dịp này anh ghé thăm thầy giáo Nhung, theo lời kể của thầy, lúc đó anh đã dùng gai bồ kết khắc lên cây cau trước nhà thầy: “15.10.1963”, sau đó vào lại Sài Gòn.

Đầu năm 1964, nhân dịp Tết, Tư Kiếm đã bố trí cho anh Trỗi và Nguyễn Hữu Lời ra căn cứ ở Rừng Thơm (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) gặp Ban chỉ huy cánh tây nam, hai anh ở lại căn cứ 3 ngày, coi như dự lớp chính trị ngắn ngày, kết hợp học một số “miếng” võ hiểm để phòng thân.
Từ căn cứ về, anh Trỗi chọn ngay mục tiêu “đánh thí điểm” là cư xá Mỹ ở đường Cao Thắng. Sau khi báo cáo, kế hoạch của anh được đồng chí Tư Đạt - Chính trị viên cánh tây nam cho phép và tặng một quả lựu đạn da láng của Mỹ. Bằng quả lựu đạn này và cách đánh thông minh của mình, anh đã tiêu diệt gọn bốn tên Mỹ và làm bị thương tám tên.

Sau đó anh tìm hàng loạt mục tiêu như tàu hải quân Mỹ đóng tại bến Bạch Đằng, nhà máy điện... để xin đánh, nhưng tổ chức không cho mà chuẩn bị kế hoạch khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đến miền Nam Việt Nam. Đội Biệt động thành Sài Gòn 65 lúc đó đa số là cán bộ của đội Quyết tử thành chín năm chống Pháp còn sống sót. Họ trở thành bộ phận tham mưu chỉ đạo đánh nguỵ Sài Gòn. Mỗi khi họp các tổ, có khi ba người, có khi năm người thì chỉ có những người đó biết thôi vì hoạt động trong lòng địch. Với điều kiện như vậy, trong tổ chỉ lấy ra bốn người là Lê Đức Hiền (Tư Kiếm) làm tổ trưởng, anh Nguyễn Hoàng Sơn (anh của anh Lê Đức Hiền) làm tổ phó, Nguyễn Hữu Lời và Nguyễn Văn Trỗi có trong tổ nhận nhiệm vụ ám sát McNamara.

5.4. Sự kiện đặt mìn ở cầu Công Lý:

Từ năm 1960, quân Giải phóng ở chiến trường miền Nam liên tiếp mở các đợt tiến công với quy mô lớn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, làm nên phong trào Đồng khởi, kiểm soát một phần đáng kể ở nông thôn miền Nam. Tiếp đó, họ thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh đã diễn ra cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và còn xử bắn Ngô Đình Cẩn. Biết tin này, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và người kế nhiệm là Lyndon B. Johnson hết sức bất ngờ. Thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn của Việt Nam Cộng hòa, làm cho Hoa Kỳ phải hủy bỏ kế hoạch Staley[1]Taylor, rồi đưa quân đội sang trực tiếp tham chiến đấu ở miền Nam, thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ.

Trong bối cảnh đó, để có cách đối phó kịp thời, phía Mỹ đã phải cử các phái đoàn sang thị sát tình hình thực tế ở chiến trường miền Nam. Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5 năm 1964, lực lượng biệt động Sài Gòn liền vạch kế hoạch tiêu diệt chúng.

Ba phương án tác chiến được Ban chỉ huy cấp trên nhanh chóng thông qua: Thuê một căn nhà cạnh đường Công Lý, mìn định hướng đặt trong nhà, việc câu dây, bảo vệ trái mìn dễ dàng, thuận tiện hơn, không lo bị phát hiện. Phương án hai là chôn hai trái mìn gần đầu cầu Công Lý đón xe của McNamara qua cầu, vừa xuống dốc thoai thoải thì mìn nổ. Phương án ba, nếu McNamara không vào thành phố theo đường Công Lý thì tiếp tục theo dõi, đón đánh khi McaNamara rời Sài Gòn. Công việc đang được chuẩn bị thì Tổ biệt động của ông nhận thông báo: Phái đoàn của McNamara sẽ tới Sài Gòn vào Thứ Hai, ngày 11 tháng 5 năm 1964, tức là sớm hơn dự kiến hai tuần.

Vì Nguyễn Văn Trỗi mới lập gia đình nên không được tham gia trong đội giết Mcnamara. Bộ chỉ huy Sài Gòn Gia Định chỉ cử ba người là Lê Đức Hiền, Nguyễn Hoàng Sơn (Ba Sơn) làm nghề lái xe ôm; Nguyễn Hữu Lời (19 tuổi) làm nghề hớt tóc, anh em con cô, con cậu ruột của Lê Đức Hiền. Họ chỉ nhờ anh Trỗi là thợ điện coi lại dây điện, thử xem có vướng mắc gì hay không. Nhưng anh Trỗi không chịu, đòi phải ra chiến đấu. Thời gian quá gấp, Mc Namara sắp qua rồi, đội không kịp về trên báo cáo. Theo quy định, anh Trỗi phải ký vào sổ quyết tử rồi mới được đi đánh. Anh Trỗi không được kí vào quyển sổ đó, mà Nguyễn Hữu Lời đã cầm bút ký vào đó. Tinh thần giết Mỹ của anh Trỗi quá cao, nên anh Hiền phải chấp nhận, chứ đúng ra là việc này sai nguyên tắc.

Không kịp thuê nhà đặt mìn, họ đành thực hiện phương án hai. Công việc tiếp theo là khéo léo nhận vũ khí từ căn cứ đưa vào. Vũ khí gồm 2 trái mìn DH10 loại 8 kg được đưa an toàn về nhà Ba Sơn. Ba Sơn có nhiệm vụ đưa trái mìn từ nhà ra bờ cây trước chùa Vĩnh Nghiêm. Trái mìn được cho vào thùng sắt cũ từ lâu dùng chứa dầu hôi. Phía trên trái mìn là lớp xi măng chết gắn chặt vào thùng. Tư Kiếm họp anh em trong tổ bàn lại kế hoạch đưa mìn tới bãi rác gần cầu Công Lý. Ba Sơn kéo xe ba gác, trên chất gạch, cát, xi măng chết, quả mìn 8 kg giấu trong thùng. Nguyễn Hữu Lời cầm tập sách đóng vai một học sinh lảng vảng ở cầu để báo hiệu cho Ba Sơn vào cầu lúc địch bớt chú ý tới người qua lại. Tư Kiếm thủ trong người một quả lựu đạn đi theo bảo vệ Ba Sơn. Còn Nguyễn Văn Trỗi chờ ở ngã tư Yên Đỗ - Trương Minh Giảng, sẵn sàng đón Ba Sơn hoặc Tư Kiếm nếu việc bại lộ.
Sáng ngày 9 tháng 5 năm 1964, anh Ba Sơn chở thùng xi măng chết cùng đồ nghề thợ hồ trên chiếc xe ba gác quen thuộc đi lên cầu Trương Minh Giảng có Tư Kiếm đi cạnh. Bốn cảnh sát trên cầu soi mói nhìn dòng người qua lại. Thời đó, hai bên đầu cầu Công Lý chưa có nhà cao san sát, chưa có chùa Vĩnh Nghiêm như bây giờ. Từ dãy cầu tiêu công cộng của xóm nằm sát bờ rạch, cách mặt đường khoảng 150 m, có thể nhìn bao quát những đoạn đường dẫn đến hai đầu cầu. Trái mìn được chôn trong bãi rác cạnh đường, cách đầu cầu phía vào thành phố 50 m, ngay gần cồng chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay. Để bảo vệ cho chuyến đi của McNamara, quân đội, quân cảnh, cảnh sát được huy động rất đông. Chúng canh gác cả chặng đường rất cẩn mật.

Thấy trước mặt có xe chở than sắp lên cầu Trương Minh Giảng (cầu Lê Văn Sỹ ngày nay), một tên cảnh sát giữ xe than lại. Ba Sơn kéo xe cát, xi măng với cái thùng thiếc đựng xi măng chết tới sát chiếc xe than thì dừng lại nói với tên cảnh sát: “Chú cho tôi đi chữa thuê cái cầu tiêu, chú”. Nhìn Ba Sơn trong vai thợ hồ với bộ quần áo còn bết cứng từng mãng vữa, đất, mồ hôi ròng ròng trên mặt, tên cảnh sát không chút nghi ngờ khoát tay cho xe anh qua. Ba Sơn cúi rạp người kéo xe ba gác vượt cầu, Tư Kiếm thong thả đi theo bên lề đường.

Lúc 21 giờ tối ngày 10 tháng 5 năm 1964, tổ của Tư Kiếm xuất phát, hoàn tất phần chuẩn bị sau cùng, bảo vệ Lời làm nhiệm vụ rải dây điện nối vào trái mìn. Nhiệm vụ của Nguyễn Văn Trỗi là chuẩn bị chu đáo dây điện, ghép pin và thử đi thử lại cho chắc chắn cài là nổ một trăm phần trăm. Còn nhiệm vụ đi phục kích tiêu diệt kẻ thù được giao cho Ba Sơn và Nguyễn Hữu Lời. Tuy nhiên, đến giờ xuất kích, Ba Sơn lại bị kẹt xe, đến chậm; hơn nữa, anh Trỗi lại tha thiết xin được giao nhiệm vụ và tự nguyện xin được chia sẻ với tổ mọi gian nan, nguy hiểm.

Nguyễn Hữu Lời đến dãy cầu tiêu công cộng đã gặp anh Trỗi chờ sẵn cùng chiếc xe máy Sharp mới mua dựng ở đầu đường vào dãy cầu tiêu chuẩn bị chở Lời khi công việc hoàn thành.

Tới nơi, Lời cởi quần áo ngoài đưa cho anh Trỗi, mặc quần xả lỏn lội xuống con rạch đầy phân và bùn hôi thối. Không may là nước rạch Thị Nghè hôm ấy không đầy như mấy tối trước. Lời ra tới giữa rạch vẫn hở nửa người. Ven bờ rạch, nước cạn chỉ còn bùn và rau muống. Không thể dầm mình xuống nước, Nguyễn Hữu Lời đành lấy rau muống quấn vào người và đầu để ngụy trang, nằm ngửa trườn trên bùn, kéo dây theo. Chính vì nước quá cạn, nên mỗi bước trườn của anh Lời đều gây ra tiếng động nhẹ, em họ của tên cảnh sát ngồi trong cầu tiêu chú ý. Hắn thấy bóng người dưới rạch đang gỡ dây, kéo dây nên theo dõi, thấy không phải là người kiếm cá thông thường, liền chạy về đồn cảnh sát ở đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3) báo tin. Địch kéo đến bao vây ngay. Lúc đó, Nguyễn Hữu Lời đã nối xong dây, bò quay trở lại dãy nhà tiêu. Tới gần bờ thì phát hiện ra anh Trỗi bị bắt. Nguyễn Hữu Lời quay trở lại, nhưng không kịp nữa vì dòng kênh rộng lại quá ít nước nên không còn chỗ trốn và cũng bị bắt.
Tư Kiếm và ông Ba Sơn định đến giải cứu cho anh Trỗi và Nguyễn Hữu Lời, nhưng do người dân đổ ra quá đông nên không hành động được. Có vũ khí trong người mà phải cắn răng nhìn đồng đội bị bắt. Sự việc bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt bởi hai sĩ quan Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa đang đi tuần lúc 22 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1964.

Lúc đầu, anh bị đưa về Nha cảnh sát. Vài ngày sau, anh nhảy lầu để trốn thoát nhưng không may bị thương ở chân, rồi lại bị giặc bắt đưa về giam ở Khám Chí Hòa. Địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng không thể khuất phục được ý chí của anh. Để bảo đảm an toàn cho tổ chức và đồng đội, anh Trỗi đã nhận mọi trách nhiệm về mình.

Chính quyền Nguyễn Khánh đã rất muốn đẩy nhanh việc tử hình Nguyễn Văn Trỗi vào cuối tháng 8 năm 1964. Tuy nhiên, việc này phải tạm ngưng lại vì sau ngày 25 tháng 8 năm 1964, các phong trào biểu tình chống Nguyễn Khánh tình hình chính trị bất ổn, các cuộc binh biến diễn ra liên tiếp.

Tài liệu biên bản Hội đồng ân xá ngày 17/6/1964 cho biết Hội đồng ân xá nhóm họp tại phòng Bộ Tư pháp, số 47 đại lộ Thống Nhất Sài Gòn vào lúc 17h ngày 17/8/1964 để xét các đề nghị ân xá và bày tỏ ý kiến về các khoản ân giảm cho phạm nhân được hưởng. Trong phiên họp này, Hội đồng ân xá xem xét hồ sơ xin ân xá của 4 tội nhân, trong đó có anh Nguyễn Văn Trỗi. Tài liệu này cũng cho biết anh Trỗi sinh năm 1940 tại xã Thanh Quýt, quận Điện Bàn (Quảng Nam), thợ điện, con của Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Thị Tuất, có vợ, không có tiền án.

“Ngày 9/5/1964, nhờ có mật báo, cảnh sát quận 3 đã bắt được Nguyễn Văn Trỗi đang chuyền dây điện cho một tên Việt cộng dưới ao rau muống gần cầu Công Lý. Nguyễn Văn Trỗi thú nhận đã gia nhập tổ chức Việt cộng khu Sài Gòn - Gia Định do Lê Đức Hiền làm tổ trưởng và chính Trỗi đã dụ được Nguyễn Hữu Lời gia nhập tổ chức. Ngày 7/5/1964, y đã nhận được của Lê Đức Hiền 800 USD để mua dây điện và 16 cục pin dùng để giật mìn phá cầu Công Lý trong dịp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mac Namara sang Việt Nam. Ngày 11/5/1964, Nguyễn Hữu Lời có phận sự xuống ao rau muống kéo dây điện cột vào cây dừa cách cầu 100 thước. Còn Lê Đức Hiền lo việc đặt mìn và nối dây điện vào khối pin 72W cho nổ. Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị bắt quả tang khi đang thi hành công tác phá hoại nói trên. Tại nha cảnh sát Đô Thành, chúng xác nhận đã hành động như trên, Nguyễn Văn Trỗi nhảy qua cửa sổ tầng lầu 2 để tự vẫn, nhưng chỉ bị trầy xương chân mặt mà thôi. Trước tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 Chiến Thuật, ngày 10/8/1964, Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời đã xác nhận những hành động của chúng.”

“Tòa đã tuyên xử: Nguyễn Văn Trỗi tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản về tội phản nghịch, toan phá hủy và toan mưu sát… Sau khi xem xét, Hội đồng ân xá đề nghị bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi, vì việc bảo vệ an ninh cho chánh khách các quốc gia bạn của Việt Nam Cộng hòa cần được thực hiện một cách hữu hiệu bằng cách thực hành bản án tử hình tên Việt cộng này.”

Sau đó, chính quyền Nguyễn Khánh định tử hình anh Trỗi vào ngày 7 tháng 10 năm 1964. Biết tin này, nhóm "Biệt đội du kích quân" chống chế độ thân Mỹ tại Venezuela đã đề nghị trao đổi con tin là sĩ quan Mỹ Michael Smolen bị họ bắt cóc ở Caracas. Tuy 2 bên đã có sự thỏa thuận, nhưng sau khi Michael Smolen được thả, chính phủ Sài Gòn đã xé bỏ thỏa thuận và đưa Nguyễn Văn Trỗi đi xử bắn bí mật tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài.

Trước khi bị xử tử, anh đã hô lớn: "Hãy nhớ lấy lời của tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!"Tờ báo Miami News (Hoa Kỳ) ngày 15 tháng 10 năm 1964 đã có bài tường thuật vụ xử bắn. Người điệp viên Việt Cộng 24 tuổi (tức Nguyễn Văn Trỗi) đã hô to những khẩu hiệu "Hồ Chí Minh Việt Nam muôn năm!", "Mỹ - Ngụy hãy cút khỏi Việt Nam". Trỗi bị giải ra pháp trường nơi có 12 tay súng của Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chờ sẵn.

Sau khi liên tục hô vang những lời đả kích đế quốc Mỹ, đả kích chính quyền tay sai (tức Việt Nam Cộng hòa) và Nguyễn Khánh, người thanh niên hô lớn lời chào vĩnh biệt dành cho Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trỗi đã từ chối bịt mắt trước khi bị bắn, tuy nhiên đến phút chót, đội thi hành án quyết định bịt mắt anh lại. Sau khi bị xử bắn, thi hài Nguyễn Văn Trỗi được chôn cất tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 15 tháng 4 năm 2018, phần mộ Nguyễn Văn Trỗi được chuyển từ nghĩa trang Văn Giáp (quận 2) về khu vực các phần mộ tiêu biểu Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (quận 9) theo nguyện vọng của gia đình anh. Hai ngày sau khi hi sinh, Nguyễn Văn Trỗi được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 17 tháng 10 năm 1964. Ngoài ra còn có các danh hiệu Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Huân chương Thành đồng hạng nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 2012, kỷ niệm 48 năm ngày mất, nhà tưởng niệm Nguyễn Văn Trỗi được khánh thành trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Tên Nguyễn Văn Trỗi được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học trên khắp Việt Nam.

5.5. Di sản:

Trong văn học, hình tượng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng, cũng là nhân vật chính trong:
Bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi" của nhà thơ Tố Hữu Bài thơ "Nguyễn Văn Trỗi" của nhà thơ Lê Anh Xuân
Tập bút ký "Sống như anh" của Trần Đình Vân.
Bài hát "Lời anh vọng mãi ngàn năm" với câu hát "Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về nơi Venezuela, cuồn cuộn sôi trong muôn con tim người du kích châu Mỹ Latinh" (lấy cảm hứng từ sự kiện du kích Venezuela đã bắt sống trung tá Mỹ để mong trao đổi với Nguyễn Văn Trỗi).
Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi - phim tài liệu, đạo diễn Bùi Đình Hạc.
Nguyễn Văn Trỗi (1966) - phim truyện, đạo diễn Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã ghi trong bức ảnh chụp Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!"
Sau khi anh bị Mỹ xử bắn, nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ "Hãy Nhớ Lấy Lời Tôi":
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người từ chân lý sinh ra.
Nguyễn Văn Trỗi!
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống, anh hùng, vĩ đại.

6. Tóm lược thông tin về di tích:
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi nằm trên Quốc lộ 1A, đoạn nối liền thành phố Đà Nẵng và Thánh địa Mỹ Sơn, cạnh Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, nơi yên nghĩ của các liệt sĩ, Bà mẹ VNAH và các vị tướng tài của huyện nhà. Nhân kỷ niệm ba mươi năm ngày giỗ anh Trỗi, theo nguyện vọng của tuổi trẻ Quảng Nam, Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Điện Bàn đã thống nhất chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm truyền thống AHLS Nguyễn Văn Trỗi của Tỉnh đoàn Quảng Nam. Ngày 15/10/1994, tại quê hương anh Trỗi, viên gạch đầu tiên được đặt trong buổi lễ khởi công. Kinh phí xây dựng được vận động từ đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà. Đến năm 1995, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hằng năm đã đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan và viếng hương.

Qua hai mươi năm, dưới sự tác động của thiên tai và thời gian, công trình bị xuống cấp và được tôn tạo, xây dựng lại trên nền móng cũ. Nguồn kinh phí được UBND huyện Điện Bàn vận động từ Thành ủy, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Báo Thanh niên. Để có nguồn hỗ trợ, Thành đoàn Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mở nhiều đợt phát động, quyên góp trong thanh thiếu niên, công nhân, doanh nghiệp ...

Nguồn kinh phí này là tình cảm của người dân thành phố mang tên Bác giành cho “Người công nhân thành phố Sài Gòn”, một chiến sĩ Biệt động thành. Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia công trình, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của thanh niên công nhân. Góp phần thực hiện công trình làm nơi trưng bày, lưu trữ hình ảnh về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tạo thêm một địa chỉ đỏ cho thanh thiếu nhi cả nước hướng đến.

Công trình khang trang và bề thế với một không gian thờ tự, một gian đón tiếp, sinh hoạt cộng đồng và các khu phụ trợ. Trong không gian thờ tự, ngoài gian thờ chính, hai bên được bố trí trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật của anh Trỗi cùng với những tặng phẩm lưu niệm của đoàn thể và nhân dân khi đến viếng hương, trong đó có tác phẩm “Sống như anh” của tác giả Trần Đình Vân viết theo lời kể của chị Phan Thị Quyên, hơn thế, tác phẩm này được Đại sứ quán Venexuela dịch sang tiếng Tây Ban Nha và xuất bản năm 2014. Ngoài ra còn có những tặng phẩm của Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam về anh Trỗi và tình hữu nghị giữa hai nước cũng được trưng bày tại đây. Không gian đón tiếp và sinh hoạt được thiết kế mở, tạo điều kiện các đơn vị, đoàn thể giao lưu, sinh hoạt truyền thống khi đến dâng hương. Hình ảnh và hiện vật về anh Trỗi được cán bộ ngành văn hóa không ngừng sưu tầm để làm phong phú thêm gian trưng bày. Cảnh quan khuôn viên Nhà lưu niệm được chăm sóc thường xuyên tạo nên một không gian xanh thân thiện.

Hằng năm đến ngày 15/10, UBND xã Điện Thắng Trung phối hợp cùng gia đình tổ chức ngày giỗ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại nhà thờ anh và ông bà. Riêng vào những năm chẵn thì UBND thị xã tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của anh theo nghi thức nhà nước tại Nhà lưu niệm; Hằng năm, Tuổi trẻ Điện Bàn đến viếng hương tại nhà thờ anh và gia đình kết hợp tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống tại Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi (bên Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Điện Bàn); Ngoài ra, hiện nay nhiều tổ chức Đoàn – Hội – Đội, nhiều cơ quan, trường học, tập thể, cá nhân trong và ngoài thị xã vào những ngày lễ, ngày giỗ của anh thường đến nhà thờ và nhà lưu niệm để thắp hương, tri ân, tưởng nhớ đến AHLS Nguyễn Văn Trỗi.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2969 | lượt tải:734

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2164 | lượt tải:740

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2454 | lượt tải:659

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3400 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2831 | lượt tải:771
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây