Câu chuyện của thầy giáo trẻ vô cùng ấn tượng như chính cái tên của thầy: Lý Thường Kiệt. Thầy Kiệt (36 tuổi) giáo viên dạy môn giáo dục công dân, đồng thời là Bí thư Đoàn Trường THPT Hòa Tú (ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Vươn lên từ chính những khó khăn, để theo đuổi ước mơ làm thầy giáo. Khi được đứng trên bục giảng, thầy Kiệt không chỉ làm tốt công tác giảng dạy mà còn đau đáu và cứu giúp được rất nhiều học sinh khó khăn không phải “đứt gánh giữa đường”, ra trường có công ăn việc làm ổn định.
Theo chân thầy Kiệt từ Trường THPT Hòa Tú về nhà cách trường hơn 30 km, chúng tôi mới thấu hết được tâm huyết của thầy giáo trẻ dành cho nghề giáo và sự nghiệp “trồng người”.
Mỗi ngày cả đi lẫn về mất hơn 60 km, sáng dậy từ 4 giờ tranh thủ chạy đi chợ sớm lấy rau về cho mẹ bán, rồi thầy Kiệt lật đật lên trường cho kịp tiết dạy. Chiều trống tiết và không phải trực công tác Đoàn, thầy giáo trẻ lại tranh thủ chạy về đi cắt cỏ chăn bò kiếm thêm kinh tế trang trải cuộc sống. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là trụ cột trong gia đình, nhưng với niềm yêu nghề, thầy Kiệt đã nỗ lực hết mình để vừa có đủ kinh tế lo cho gia đình, vừa thỏa được ước mơ với bục giảng và sự nghiệp giảng dạy.
|
Từ lúc nộp hồ sơ thi đại học và chọn chuyên ngành sư phạm giáo dục công dân, bạn bè ai cũng bảo sao lại chọn môn mà học sinh rất ít quan tâm hay thậm chí là coi nhẹ. Nhưng với thầy Kiệt, đây là một môn góp phần giáo dục về nhân cách của các em và sẽ tạo ra những học sinh có ích cho xã hội. Vì muốn truyền niềm yêu thích bộ môn này cho học sinh, thầy Kiệt luôn đau đáu suy nghĩ và tìm những cách dạy sáng tạo.
“Trong khi dạy thì mình thường lấy ví dụ, hoặc những trường hợp, tình huống thực tế lồng ghép vào bài giảng, như thế sẽ dễ thuyết phục hơn. Mình cũng thường sân khấu hóa tiết học để các em tự diễn một vở kịch, một tiểu phẩm về tình huống cụ thể, kết hợp với phương pháp thảo luận nhóm, để các em thích thú hơn với môn học. Từ những thích thú đó, sẽ giúp nâng cao chất lượng của môn học, giúp các em hứng thú hơn trong quá trình học”, thầy giáo trẻ đầy tâm huyết chia sẻ.
Thầy giáo Kiệt tận tâm với nghề dạy học |
Lý Thị Huỳnh Trâm, học sinh lớp 12A1, hào hứng bày tỏ: “Những tiết học với các hoạt động thảo luận nhóm mà thầy Kiệt đưa ra giúp tụi em dễ dàng hiểu và tiếp thu bài hơn. Thầy Kiệt dạy rất hay, em ấn tượng nhất là việc thầy đưa ra những ví dụ thực tế để tụi em dễ nắm bài hơn và từ đó tụi em sẽ chốt lại nội dung bài học một cách sâu sắc và cụ thể”.
Không chỉ có vậy, thầy Đinh Văn Sự, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Tú, còn tự hào: “Những năm gần đây, khi môn giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy Kiệt bằng tất cả sự tâm huyết đã bồi dưỡng rất nhiều em học sinh và liên tiếp các năm đều có học sinh đạt giải cao (nhất, nhì) trong kỳ thi này. Đấy là niềm tự hào của thầy Kiệt và của cả trường”.
Thầy giáo trẻ sáng đi dạy, chiều tối về cắt cỏ chăn bò |
Một cậu học trò suýt phải nghỉ học ngày nào, cách đây mấy tháng đã tốt nghiệp loại giỏi Trường CĐ Nghề Sóc Trăng và được giữ lại trường, đã hạnh phúc chia sẻ với chúng tôi: “Nếu không có thầy Kiệt động viên và đi khắp nơi vận động các suất học bổng để hỗ trợ cho em thì chắc chắn là em đã không được như hôm nay”.
Điều hạnh phúc nhất của người làm thầy là nhìn thấy các em từng là những học trò sắp “gãy gánh”, giờ đây đều đã học đến nơi đến chốn, ra trường có công ăn việc làm ổn định, mình mừng không tả được.
Lý Thường Kiệt, Giáo viên Trường THPT Hòa Tú, xã Hòa Tú 1, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng
Cậu học trò ấy là Võ Văn Kiên, ba mẹ ly hôn từ khi Kiên còn nằm trong bụng mẹ, đến năm 2016, khi Kiên học lớp 10 thì mẹ vì bạo bệnh qua đời, để lại mình Kiên bơ vơ giữa cuộc đời. Gia cảnh khó khăn, cái chòi lá nơi Kiên sinh sống cũng sập lên sập xuống, mỗi ngày để có được tiền ăn uống, Kiên phải đi đặt cá, cào sình thuê cho các hộ gia đình nuôi tôm. Không người thân, lại phải vất vả mưu sinh, Kiên đã nghĩ đến việc nghỉ học.
“Vì hoàn cảnh quá khó khăn, em phải chạy lo bữa ăn hằng ngày nên không dám nghĩ đến chuyện tiếp tục đi học. Nhưng may nhờ có thầy Kiên động viên, tìm học bổng cho em. Lúc đầu là 5 triệu đồng, sau đó là học bổng 20 triệu đồng, nhờ số tiền này mà em có thể đóng tiền học phí và an tâm lo việc học. Lúc đó em chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay, nên em rất biết ơn thầy Kiệt và các thầy cô trong trường đã luôn bên cạnh, quan tâm và hỗ trợ em”, Kiên xúc động bày tỏ.
Kiên chỉ là một trong rất nhiều học sinh đã được thầy Kiệt đi khắp nơi vận động học bổng để hỗ trợ các em không phải “đứt gánh giữa đường”. Cũng từ chính những khó khăn đã trải qua để theo đuổi được việc học của mình, khiến thầy giáo trẻ lúc nào cũng đau đáu cho những học trò đồng cảnh ngộ. Điều thầy Kiệt lo sợ nhất là học trò của mình bỏ học giữa chừng và tương lai sẽ mù mịt.
Ban tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô tặng quà cho thầy Kiệt |
Thầy Kiệt tâm sự: “Ngày xưa đi học hoàn cảnh của mình cũng rất khó khăn, ba mẹ làm nông mà ruộng thì ít, nhà lại xa trường nên hành trình đi học của mình rất vất vả. Chính vì thế, mình hiểu được khó khăn của các em, cái nào giúp được thì mình luôn cố gắng hết mình. Điều hạnh phúc nhất của người làm thầy là nhìn thấy các em từng là những học trò sắp “gãy gánh”, giờ đây đều đã học đến nơi đến chốn, ra trường có công ăn việc làm ổn định, mình mừng không tả được”.
Không chỉ là những học sinh suýt bỏ học vì hoàn cảnh, mà với đặc thù ở địa phương nhiều cặp vợ chồng bỏ quê lên thành phố làm thuê, làm mướn, để lại quê nhà con thơ ở với ông bà. Không được sự dạy dỗ của cha mẹ, nhiều học sinh nghe theo bạn bè rồi bỏ học, mê game hay sa vào các tệ nạn xã hội… Đây cũng là hành trình rất vất vả mà thầy Kiệt cùng với các giáo viên chủ nhiệm đã đưa các em thoát ra khỏi những tệ nạn trở lại với việc học.
Anh Lê Trung Hiếu, Phó bí thư Huyện đoàn Mỹ Xuyên, nhìn nhận: “Thầy Kiệt không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn rất nhiệt huyết, tham gia rất tốt các hoạt động của Đoàn. Thầy Kiệt có rất nhiều sáng kiến, cách làm hay, từ đó mà tình trạng thanh thiếu niên mắc các tệ nạn xã hội cũng được hạn chế. Thầy đã vận động các nguồn quỹ trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ các em theo đuổi việc học đến nơi đến chốn”.
Thầy Kiệt là một trong những gương giáo viên sẽ được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Năm nay, chương trình dự kiến sẽ tuyên dương 70 giáo viên là những gương tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục… đặc biệt là các thầy, cô giáo ở miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
Nguồn tin: Báo thanh niên:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn