Thúc đẩy thương mại điện tử
- Thứ hai - 23/10/2023 08:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngày 9/10 vừa qua, Sở Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng website phát triển bán hàng qua thương mại điện tử.
Theo đó, có 5 cơ sở sản xuất gồm HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (Tiên Phước), HTX Phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân (Đại Lộc), Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cói Kim Bồng (Hội An), Cơ sở sản xuất Nguyễn Duy Hòa (Bắc Trà My) và Hộ kinh doanh Thủy Hà (Núi Thành) đã được Sở Công Thương chọn hỗ trợ thiết kế, xây dựng website miễn phí.
Đây được xem là động thái thiết thực với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp những cơ sở này có thể tiếp cận thêm cách thức kinh doanh mới, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển.
Vài năm trở lại đây, cùng quá trình chuyển đổi số, hoạt động TMĐT cũng dần trở nên sôi động. Với mục tiêu hướng đến kinh tế số, nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn liên tục được đưa lên sàn thương mại điện tử như Portmart.vn, Voso.vn… Tính đến cuối năm 2022 Quảng Nam có gần 18 nghìn giao dịch trên sàn thương mại điện tử và khoảng 5.500 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số, kinh tế số, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp bắt đầu thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số và sàn thương mại điện tử, giúp không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh mở rộng ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - HTX Phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân (Đại Hiệp, Đại Lộc) nhìn nhận, TMĐT đang chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của cơ sở và không ngừng phát triển. Đến nay, các giao dịch online chiếm hơn 50% tổng cơ cấu doanh du của đơn vị, hầu hết đối tác, khách hàng ở các tỉnh xa trong nước như Tuyên Quang, Hà Nội, Đà Nẵng… đều giao dịch qua các nền tảng số. HTX Hồng Vân hiện có hơn 10 mẫu sản phẩm chủ yếu được chế biến từ bưởi, chanh, tắc như nước cốt bưởi, nước cốt chanh, trà bưởi mật ong… khách hàng trải rộng hầu như nhiều địa phương trong nước nên các hoạt động giao dịch online luôn cần thiết và hữu ích.
Gắn với chuyển đổi số
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online không dùng tiền mặt. Cùng đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung nhiều hơn cho các hoạt động TMĐT từ quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm đến giao dịch hàng hóa, thanh toán trực tuyến…
Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia dựa trên những hỗ trợ của hạ tầng internet và các ứng dụng công nghệ đã đưa TMĐT thành phương thức kinh doanh không thể thiếu trong phát triển kinh tế số
“Phát triển TMĐT là xu thế tất yếu nếu doanh nghiệp không làm sẽ lạc hậu trong cuộc đua thị phần bởi tâm lý tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi do sự bùng nổ của các thiết bị điện tử thông minh và hạ tầng công nghệ ngày càng hoàn thiện. Do đó, TMĐT cũng chính là một trong những giải pháp phát triển thương mại của tỉnh hiện nay nhằm không chỉ đưa hàng hóa người dân, doanh nghiệp lên sàn mà còn đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt và các giao dịch mua bán online… Sắp đến tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm mua bán… cũng sẽ được đặt các QR code để người dân thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Dự nói.
Quảng Nam hiện có khoảng 98% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sử dụng thư điện tử trong giao dịch, trên 50 % doanh nghiệp có trang thông tin điện tử và tận dụng các mạng xã hội cập nhật thường xuyên thông tin sản phẩm và quảng bá sản phẩm mua bán hàng hóa... Đây là những cơ sở thuận lợi để thúc đẩy TMĐT phát triển góp phần hoàn thành mục tiêu có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% vào năm 2025, hướng đến có 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT vào năm 2030 như Nghị quyết 13 về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành.
Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2022, TMĐT là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao (20%), doanh thu TMĐT bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Dự kiến năm 2023 với tốc độ tăng trưởng mạnh (25%), doanh thu bán lẻ thương mại điện tử ước tính đạt 20,5 tỷ USD.