Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Chiến thắng Núi Thành - Vang vọng khí thế trận đầu đánh Mỹ

Chủ nhật - 25/05/2025 23:31

Chiến thắng Núi Thành - Vang vọng khí thế trận đầu đánh Mỹ

Sáu mươi năm trước, trên mảnh đất đầy cát trắng và rừng thấp ven biển Nam Quảng Nam, một trận đánh quy mô dù nhỏ nhưng mang tầm vóc lớn, đã vang lên như tiếng kèn xung trận đầu tiên của cả dân tộc chống lại quân viễn chinh Mỹ. Trận Núi Thành không chỉ đánh dấu bước ngoặt chiến lược, khơi nguồn cho phong trào “tìm Mỹ mà đánh”, mà còn để lại nhiều bài học giá trị về tư duy tác chiến, tổ chức lực lượng và sức mạnh từ niềm tin chiến thắng.
Năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam bị phá sản, buộc đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam. Ngày 8/3/1965, toán lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng, đến 7/5/1965, Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Chu Lai - Quảng Nam với ý đồ xây dựng một sân bay dã chiến làm bàn đạp kiểm soát vùng nam Đà Nẵng. Địch nhanh chóng lập một vành đai phòng thủ bảo vệ căn cứ Chu Lai về phía tây, chiếm đóng nhiều điểm cao dọc dãy núi Răng Cưa, trong đó có đồi Núi Thành thuộc xã Kỳ Liên (nay là Tam Nghĩa, Núi Thành). Chúng xua dân hai xã Kỳ Liên, Kỳ Hà đi nơi khác để lấy đất lập căn cứ quân sự và ra sức “tạo vùng trắng” quanh căn cứ bằng những cuộc càn quét đẫm máu.
quan my do bo vao mien nam viet nam nam 1965Quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam năm 1965.

Trong hệ thống phòng thủ Chu Lai, đồi Núi Thành giữ vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Đây là quả đồi dài hơn 1km, rộng khoảng 600m, gồm hai mỏm chính cao 50m (phía đông) và 49m (phía tây) tựa hình yên ngựa. Từ điểm cao này có thể khống chế cả khu vực rộng lớn gồm 3 xã Kỳ Sanh, Kỳ Liên, Kỳ Khương, đồng thời án ngữ quốc lộ 1 đoạn cầu An Tân - Dốc Sỏi, bảo vệ trực tiếp sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà ở phía đông.

quan my chiem dong doi nui thanh de quan sat duoc binh dia rong lon
Quân Mỹ chiếm đóng đồi Núi Thành để quan sát được bình địa rộng lớn.

Hiểu rõ tầm quan trọng đó, Mỹ điều đến Núi Thành một đại đội lính thủy đánh bộ khoảng 140 quân, thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3, trang bị hỏa lực mạnh gồm đại liên M60, súng cối 81mm, ĐKZ 75mm, M79, carbine bán tự động… để trấn giữ điểm cao này.

Chúng bố trí trận địa phòng ngự bài bản theo hình tròn nhiều tầng, chiến hào sâu ngang thắt lưng đan xen công sự chìm, bên ngoài rào nhiều lớp dây thép gai kết hợp bụi gai, tạo chướng ngại vật dày đặc quanh đỉnh đồi. Với hệ thống đồn bốt này, địch hy vọng phát hiện sớm và ngăn chặn mọi hoạt động của ta từ phía tây, đồng thời sẵn sàng gọi pháo binh từ căn cứ Chu Lai, pháo hạm ngoài biển và không quân chi viện hỏa lực khi bị tấn công.

Sự xuất hiện ồ ạt của quân Mỹ đặt cách mạng miền Nam trước câu hỏi lớn: “Liệu chúng ta có đánh được Mỹ không và đánh thì có thắng được không?”. Quyết tâm của Khu ủy Khu 5 lúc ấy là phải “đánh Mỹ và thắng Mỹ ngay từ đầu” để cổ vũ tinh thần cả nước, “ghìm chân Mỹ trên chiến trường miền Nam, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ”.

cac dong chi lanh dao ban bac phuong an tac chien cho tran nui thanh
Các đồng chí lãnh đạo bàn bạc phương án tác chiến cho trận Núi Thành.

Thường vụ Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương xây dựng “vành đai diệt Mỹ”, phát động phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, huy động toàn quân, toàn dân bước vào cao trào quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Tại Quảng Nam, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Tỉnh đội) chọn đồi Núi Thành làm điểm đột phá đầu tiên trong kế hoạch phản công.

Quyết tâm chiến lược đó đã định hình cho trận công đồn lịch sử tại Núi Thành đêm 25 rạng 26/5/1965 - trận đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam.

PHAT BIEU CUA ONG HM_THANG
TIT PHU_2

Ngay sau khi có lệnh của Khu ủy, Tỉnh đội Quảng Nam gấp rút giao nhiệm vụ cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 (bộ đội địa phương tỉnh) tổ chức tiến công tiêu diệt vị trí Núi Thành do quân Mỹ mới chiếm đóng. Đại đội 2 do Đại đội trưởng Vũ Thành Năm chỉ huy, Chính trị viên trưởng là ông Nguyễn Văn Tâm. Phối hợp với đơn vị này còn có phân đội Đặc công V16 tinh nhuệ của tỉnh.

bo doi dia phuong phoi hop voi phan doi dac cong v16 tinh nhue duoc cu to chuc tien cong tieu diet vi tri nui thanh do quan my moi chiem dong
Bộ đội địa phương phối hợp với Phân đội Đặc công V16 tinh nhuệ được cử tổ chức tiến công tiêu diệt vị trí Núi Thành do quân Mỹ mới chiếm đóng.

Quán triệt tinh thần “đánh nhanh khi địch chưa đứng chân vững”, Ban Chỉ huy Đại đội 2 tổ chức trinh sát tỉ mỉ và chuẩn bị mọi mặt hết sức khẩn trương. Các trinh sát tỉnh và du kích địa phương ngày đêm bám sát Núi Thành, ẩn mình trong hang đá, bụi rậm để vẽ sơ đồ bố phòng của địch. Tại xã Kỳ Thạnh kế cận, du kích Trương Đình Hòe cùng đồng đội bí mật mở một con đường ngầm từ Kỳ Thạnh đến gần mục tiêu để bộ đội hành quân, tuyệt đối giữ bí mật.

PHAT BIEU CUA ONG HTRUONG DINH HOE

Cuối tháng 5/1965, sau khi trinh sát nắm chắc quy luật hoạt động của địch, Tỉnh đội phê chuẩn phương án tác chiến táo bạo do Đại đội 2 đề xuất là sử dụng chiến thuật đặc công, tập kích bất ngờ ban đêm, áp sát mục tiêu để “nắm thắt lưng địch mà đánh”, triệt tiêu ưu thế hỏa lực Mỹ.

62 cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Đại đội 2 được chọn vào đội hình xung kích, chia thành nhiều mũi tiến công hiệp đồng. Đại đội 2 đảm nhiệm hướng chủ yếu đột kích vào mỏm đồi 50 (hướng đông), Đội đặc công V16 phụ trách tiêu diệt mỏm đồi 49 (hướng tây).

Trước giờ nổ súng, Đại đội trưởng Vũ Thành Năm tạm giao quyền chỉ huy đại đội tại chỗ cho Đại đội phó Phan Văn Màn, còn mình cùng chỉ huy Đội V16 và một số trinh sát luồn sâu vào Nam Tam Kỳ để gặp Tỉnh đội báo cáo, nhận chỉ thị lần cuối.

khau hieu quyet tam thang my trong tran dau nui thanh
Khẩu hiệu quyết tâm thắng Mỹ trong trận đầu Núi Thành.

Tinh thần quyết chiến được quán triệt đến từng chiến sĩ. Cựu binh Phạm Ngọc Tùng nhớ lại: “Chúng tôi được cấp trên làm công tác tư tưởng rất kỹ, lại được trang bị thêm nhiều vũ khí nên toàn đại đội vững tin bước vào trận đánh. Dù vậy, tâm lý hồi hộp không khỏi xuất hiện khi sắp giáp mặt lính Mỹ - những kẻ địch có vũ khí tối tân và thể hình to lớn. Khi nhận lệnh xuất quân, cả đơn vị đều sẵn sàng nhưng ai cũng hồi hộp vì đây là trận "so găng" đầu tiên với lính Mỹ”.

la co tham mau the quyet thang cua cac chien si trong le xuat quan
Lá cờ thắm máu thề quyết thắng của các chiến sĩ trong lễ xuất quân.

Theo đúng kế hoạch, đêm 24/5/1965, toàn bộ lực lượng Đại đội 2 và Đội V16 bí mật hành quân rời căn cứ Kỳ Sanh. Các mũi luồn rừng băng suối, vượt qua các xã Kỳ Trà, Kỳ Sơn và vào vị trí tập kết tại vùng giải phóng Kỳ Thạnh ngay trong đêm. Tối 25/5, lợi dụng trời mưa và sương mù dày đặc, bộ đội ta lặng lẽ men theo con đường bí mật xuyên rừng do du kích dẫn dường, tiếp cận mục tiêu Núi Thành từ nhiều hướng.

Đến đúng 0 giờ ngày 26/5, các mũi đột kích đồng loạt vượt qua hàng rào thép gai cuối cùng, luồn sâu vào bên trong trận địa địch mà không bị phát hiện. Toàn đơn vị vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong, cách quân Mỹ chỉ vài mét, hồi hộp chờ lệnh nổ súng.

TIT PHU_3

Theo hiệp đồng tác chiến chung, Tỉnh đội Quảng Nam dự kiến nổ súng lúc 0 giờ 30 phút ngày 26/5/1965. Ban đầu, bộ phận công binh tỉnh được lệnh đánh sập cầu An Tân ở vòng ngoài làm hiệu lệnh mở màn. Tuy nhiên, đến giờ G, khối bộc phá đặt tại cầu vẫn chưa phát nổ. Ngay lập tức, Đại đội trưởng Vũ Thành Năm quyết đoán chuyển sang phương án 2, lệnh cho Trần Ngọc Ảnh - mũi trưởng mũi chủ công hướng đông - chủ động khai hỏa báo hiệu.

Bất ngờ bị đánh giáp lá cà, quân Mỹ hoảng loạn tột độ, la hét vang trời, bắn trả dữ dội nhưng hoàn toàn lúng túng. Hỏa lực pháo cối và súng máy của địch không thể phát huy tác dụng vì bộ đội ta đã ở quá gần, “bám sát thắt lưng” đội hình địch mà tiêu diệt.

PHAT BIEU CUA ONG TRAN NGOC ANH

Trong khoảng 10 phút đầu, các tổ xung kích 3 người của ta như những mũi dao nhọn khoét sâu phòng tuyến địch theo đội hình chữ A. Chiến sĩ ta dũng mãnh đánh chiếm từng đoạn chiến hào, từng lô cốt. Bộ đội đặc công quen tác chiến ban đêm nên nắm hoàn toàn thế chủ động.

Ở mỏm 50, Đại đội 2 nhanh chóng làm chủ tuyến công sự vòng ngoài và tiếp tục phát triển vào trung tâm. Tại hướng chủ yếu này, Đại đội trưởng Vũ Thành Năm trực tiếp có mặt cùng mũi chủ công để chỉ huy. Trong lúc các mũi đồng loạt xung phong, bất ngờ một lính Mỹ cao lớn từ trên cao chạy bổ xuống, liều lĩnh ôm chầm lấy đồng chí Năm. Phát hiện Đại đội trưởng đang vật lộn với tên địch to khỏe, mũi trưởng Trần Ngọc Ảnh lập tức xông tới hỗ trợ.

ban do tran chien o 2 mom doi 50 va 49 trong tran nui thanh
Bản đồ trận chiến ở 2 mỏm đồi 50 và 49 trong trận Núi Thành.

“Tôi vung ngay quả lựu đạn chày, đập liên tiếp vào đầu tên Mỹ. Hắn choáng váng ngất tại chỗ, liền đó đồng chí Năm rút súng ngắn bắn gục hắn rồi tiếp tục hô anh em xung phong” - ông Ảnh sôi nổi kể về khoảnh khắc phối hợp cứu chỉ huy giữa làn đạn. Được chỉ huy dẫn dắt xông xáo, bộ đội ta như tăng thêm sức mạnh. Chỉ ít phút sau, toàn bộ cụm cứ điểm cao 50 đã nằm dưới sự kiểm soát của quân giải phóng.

Ở mỏm 49 phía tây, phân đội Đặc công V16 cũng đánh rất táo bạo. Sau khi bí mật vượt qua nhiều lớp hàng rào, đặc công ta ém sát mép chiến hào địch rồi đồng loạt dùng bộc phá đánh mở các đoạn rào, mở đường xung phong. Bị tập kích bất ngờ từ phía đông bắc, quân địch ở mỏm 49 hoảng loạn chống cự. Một ổ đại liên Mỹ chống trả quyết liệt hơn cả, cản đà tiến của đặc công ta ngay tuyến hào thứ hai. Lập tức, mũi trưởng Đội V16 điều tổ dự bị luồn sang hướng khác đột kích thẳng vào hông trận địa địch, nhanh chóng diệt gọn khẩu đại liên này.

mui giam cong danh chiem doi 49 sau khi pha hang rao
Mũi giám công đánh chiếm đồi 49 sau khi phá hàng rào.

Mất hỏa lực yểm trợ, lính Mỹ co cụm lại thì cũng là lúc các mũi xung kích của ta đồng loạt ập đến. Tiếng hô “xung phong” vang rền, lựu đạn, thủ pháo dồn dập nổ tung ngay trong công sự địch. Bị đánh áp đảo, toàn bộ cụm địch ở mỏm 49 bị tiêu diệt và tan rã nhanh chóng . Sau khoảng 30 phút chiến đấu quả cảm, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa Núi Thành. Tàn quân địch sống sót hoảng hốt tháo chạy khỏi các hầm hố và bị hỏa lực Đại đội 2 tổ chức bắn truy kích trên đường chạy về căn cứ Chu Lai.

Đến đây, mục tiêu của trận đánh đã hoàn thành, Đại đội trưởng Vũ Thành Năm nhanh chóng lệnh cho đơn vị rút lui trước khi địch tổ chức phản công bằng phi pháo.

chien thang tran nui thanh lay it danh nhieu the hien su chuan bi ky luong cua quan va dan taChiến thắng trận Núi Thành lấy ít đánh nhiều, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của quân và dân ta.

Trên trận địa, 12 cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh, nhiều người bị thương; nhưng tất cả thương binh, tử sĩ đều được đồng đội khẩn trương cáng về cứ an toàn ngay trong đêm. Đơn vị rời khỏi Núi Thành và bí mật hành quân suốt đêm, về đến căn cứ Kỳ Sanh khi trời vừa hửng sáng, mang theo niềm vui chiến thắng xen lẫn nỗi đau xót trước tổn thất của đồng đội.

Sáng hôm sau, cả vùng giải phóng Quảng Nam vỡ òa trước tin chiến thắng. Theo báo cáo từ cơ sở và tài liệu thu được, trận tập kích Núi Thành đã “tiêu diệt gọn Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ”, loại khỏi vòng chiến đấu 139 tên địch, thu 14 súng các loại, phá hủy 2 khẩu ĐKZ 75mm, 1 khẩu cối 81mm cùng nhiều quân trang quân dụng hiện đại.

Đây thực sự là một đòn choáng váng giáng vào đội quân viễn chinh Mỹ ngay trong những ngày đầu chúng đặt chân lên chiến trường Quảng Nam.

Ngay tối 26/5/1965, Đài Phát thanh Giải phóng đã kịp thời loan báo tin vui “trận đầu diệt Mỹ” khắp hai miền, tiếp thêm niềm hân hoan và quyết tâm mới cho quân dân ta.

doi nui thanh bay gio da tro thanh canh rung san xuat binh yen sau ngay huy hoang nam xua
Đồi Núi Thành bây giờ đã trở thành cánh rừng sản xuất bình yên sau ngày huy hoàng năm xưa.
TIT PHU_4

Chiến thắng Núi Thành ghi dấu mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là trận đánh đầu tiên quân giải phóng miền Nam chủ động công kích và tiêu diệt trọn vẹn một đơn vị lính Mỹ trên chiến trường, báo hiệu sự phá sản không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” mà Washington vừa khởi xướng.

Thắng lợi này tuy về quy mô chưa lớn nhưng có ý nghĩa chính trị - quân sự đặc biệt to lớn. Nó giải tỏa tâm lý e ngại trước sức mạnh Mỹ trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta lúc bấy giờ, trả lời dứt khoát cho câu hỏi “Ta có đánh được Mỹ hay không?” bằng một chiến thắng thuyết phục ngay trong trận đầu.

bia ghi cong trung dung kien cuong di dau diet my trong chien thang nui thanh
Bia ghi công "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" trong Chiến thắng Núi Thành.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho rằng: "Chiến thắng Núi Thành cổ vũ mạnh mẽ phong trào cả nước “tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, hun đúc niềm tin và quyết tâm “đánh Mỹ và thắng Mỹ” trong toàn quân, toàn dân ta. Trận đầu thắng Mỹ và thắng Mỹ vang dội đã mở ra khả năng và thực tiễn đánh Mỹ trên chiến trường. Chiến thắng Núi Thành chính là hồi kèn xung trận vang lên thúc giục quân và dân ta bước vào cao trào diệt Mỹ”.

Về phía địch, thất bại tại Núi Thành gây một cú sốc nặng nề. Ngay trong tuần đầu tiên đặt chân lên đất Quảng Nam, một đại đội lính thủy đánh bộ thiện chiến đã bị xóa sổ hoàn toàn - điều mà quân Mỹ không thể ngờ tới. Sự kiện này buộc giới chỉ huy Mỹ phải nhìn nhận lại “uy thế hùng mạnh” của đội quân nhà nghề Hoa Kỳ. Hóa ra vẫn có thể thua đau trước một lực lượng địa phương “ít người hơn” nhưng mưu trí, dũng cảm.

Báo chí quốc tế khi đó cũng ghi nhận chiến thắng Núi Thành đã “làm nức lòng quân dân miền Nam”, đồng thời gây tâm lý hoang mang dao động trong hàng ngũ lính Mỹ mới đổ bộ. Chính quyền và truyền thông Sài Gòn tìm cách bưng bít con số tổn thất, nhưng sự thật về trận thua mất mặt này của quân Mỹ vẫn sớm lọt ra ngoài, trở thành lời cảnh báo sớm cho tham vọng của Lầu Năm Góc.

Về phía ta, chiến thắng Núi Thành góp phần định hướng nghệ thuật tác chiến chống Mỹ trong giai đoạn sau. Bài học lớn rút ra là phải biết lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, tận dụng lối đánh gần, đánh đêm sở trường của ta để vô hiệu hóa ưu thế hỏa lực và kỹ thuật hiện đại của địch. Thực tế trận Núi Thành cho thấy bộ đội ta đã vận dụng xuất sắc cách đánh đặc công táo bạo, bất ngờ, chọn đúng thời cơ địch sơ hở, bí mật luồn sâu tiếp cận rồi nổ súng ở cự ly gần nhất, khiến pháo binh, không quân Mỹ không dám chi viện vì sợ bắn trúng quân mình. Bài học “bám thắt lưng địch mà đánh” đó đã nhanh chóng được nhân rộng, trở thành chiến thuật hiệu quả cho lực lượng vũ trang giải phóng suốt những năm sau này.

Nhiều kỷ vật và cờ tuyên dương của Chiến thắng Núi Thành được lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu 5.
Nhiều kỷ vật và cờ tuyên dương Chiến thắng Núi Thành được lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu 5.

Chiến thắng Núi Thành cũng gắn liền với tài chỉ huy linh hoạt, quả đoán của Đại đội trưởng Vũ Thành Năm - người chỉ huy trực tiếp trận đánh. Với kinh nghiệm trận mạc và sự mưu trí, đồng chí đã tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa đơn vị bộ binh địa phương với đặc công, đồng thời xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Nhờ đó, trận đánh đã diễn ra đúng như dự kiến và giành thắng lợi trọn vẹn.

Sau trận Núi Thành, quân dân Quảng Nam vinh dự được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tuyên dương 8 chữ vàng: “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Tên tuổi người chỉ huy Vũ Thành Năm cùng các dũng sĩ Núi Thành năm xưa đã trở thành niềm tự hào của quê hương đất Quảng anh hùng.

quang nam vinh du duoc mat tran dan toc giai phong mien nam tuyen duong 8 chu vang trung dung kien cuong di dau diet my 1
Quảng Nam vinh dự được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tuyên dương 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

60 năm đã trôi qua kể từ đêm lịch sử ấy, Núi Thành “đất lửa” năm xưa giờ đã hoàn toàn đổi mới, nhưng ký ức về trận đầu đánh Mỹ gần như vẹn nguyên trong lòng lớp người đi trước và được truyền lại cho thế hệ hôm nay. Ngay trên ngọn đồi Yên Ngựa năm xưa – nơi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” từng tung bay sau trận đánh - nay mọc lên Tượng đài Chiến thắng Núi Thành uy nghiêm để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

PHAT BIEU CUA ONG TRAN NGOC ANH_2
-
Đồi núi thành bây giờ đã có Tượng đài Chiến thắng Núi Thành lưu dấu trận đánh anh dũng.
Đồi Núi Thành bây giờ đã có Tượng đài Chiến thắng Núi Thành lưu dấu trận đánh anh dũng.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3482 | lượt tải:826

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2505 | lượt tải:805

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2760 | lượt tải:713

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3732 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:3127 | lượt tải:841
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây