Tại chương trình, đoàn viên thanh niên đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc các mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh, hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam không chỉ là những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đó là những tượng đài bất tử trường tồn qua năm tháng.
Đây là công trình văn hoá cấp Quốc gia, lấy nguyên mẫu chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) – người có 11 người con, cháu là liệt sĩ. Tượng đài là hình ảnh mẹ Thứ cùng cánh cung khắc họa chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu trên cả nước, thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động được diễn ra nhằm giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thanh niên, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Tiếp đó, Đoàn hành trình đến dâng hương tại Mộ chí sĩ yêu nước Phan Thành Tài ( Phường Vĩnh Điện, Thị xã Điện Bàn). Đây là di tích đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số: 440/QĐ-UB ngày 15/02/2005.
Hành trình được tổ chức với mục đích đem đến những bài học lớn cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước đầy bất khuất, oai hùng của Đảng, của đất nước và của cha ông ta đồng thời cũng nhằm tăng cường trải nghiệm, nâng cao hiểu biết từ các bài học lịch sử thông qua cách giáo dục trực quan khi đến với các địa chỉ Đỏ, di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của cha ông. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.
Đoàn trường Đại học Quảng Nam