Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, gia đình liệt sĩ

Thứ bảy - 27/07/2019 14:34

Tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, gia đình liệt sĩ

(HCM.VN) - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu vô hạn và sự trân quý cho tất cả mọi người, nhưng đối với thương binh, liệt sĩ, Người luôn dành những tình cảm đặc biệt và hơn ai hết, Người là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ.
 

 

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành, xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm hệ thống các quan điểm lý luận được rút ra từ thực tiễn cách mạng, từ sự kế thừa và phát triển những giá trị nhân văn của dân tộc và thời đại mà đỉnh cao là chủ nghĩa nhân đạo Mác - Lênin, phản ánh tình yêu thương, quý trọng, quan tâm, bao dung, độ lượng đến con người và niềm tin vững chắc vào sức mạnh của con người; phản ánh con đường giải phóng con người một cách triệt để nhằm xây dựng một chế độ xã hội, trong đó con người có điều kiện phát triển toàn diện và phát huy hết mọi năng lực sáng tạo vốn có của mình. Chính vì vậy, trong bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu, tác giả đã khái quát tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh bằng câu thơ đạt đến sự cô đúc, chính xác và giản dị như một chân lí: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Bác Hồ luôn dành tình yêu vô hạn và sự trân quý cho tất cả mọi người, nhưng đối với thương binh, liệt sĩ, Người luôn dành những tình cảm đặc biệt và hơn ai hết, Người là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ.

 

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. (Ảnh tư liệu)

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh phẩm chất “rất Người”, “rất giàu tình người, chất người, của người Việt Nam cũng như của người các nước khác”, “một con người rất tin ở con người”[1]. Nội dung tư tưởng, những tình cảm thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sỹ được thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt, cụ thể, thiết thực trong rất nhiều bài nói, bài viết, trong hành động và việc làm của Người, cụ thể là:

Trước hết, từ những rung động sâu sắc tận tâm can, với lòng thương tiếc vô hạn và trân trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những tư tưởng, sự trân trọng, tình cảm khái quát về thương binh, liệt sỹ.  Đó là những người “… quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản của họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá chính xác ý nghĩa và giá trị của sự hy sinh vì độc lập, tự do của các chiến sỹ. Người nâng công tác thương binh, liệt sỹ lên ngang tầm một hoạt động văn hóa, như là một sự kế tục, ở quy mô toàn xã hội, truyền thống nhân nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định và tôn vinh đức hi sinh anh dũng của thương binh, liệt sĩ.  Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có biết bao nhiêu chiến sỹ cộng sản, quần chúng yêu nước đã ngã xuống, hy sinh nơi chiến trường khốc liệt để xây nên giang sơn, gấm vóc hôm nay. Vì vậy, Người khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[3]. Chiến tranh kết thúc, có những người con đã trở về từ trận tuyến, nhưng cũng có không ít những người mãi mãi ra đi, lại có những người đã để lại một phần máu thịt của mình - các anh trở về với những thương tật trên cơ thể vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tính tất yếu phải thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ.  Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, ngày 7-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ đơn giản mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ lòng người: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”[4]. Nhất quán tình cảm và trách nhiệm đó, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày thương binh, liệt sỹ”. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành “Ngày thương binh, liệt sỹ” trong cả nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thương binh, liệt sỹ là một hình thức xây dựng “tượng đài kỷ niệm” trong lòng dân chúng để các thế hệ kế tiếp ghi nhớ công ơn, chiến công của những con người ưu tú đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh đến mục đích cao cả này với những lời gan ruột: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”[5].

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương thức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ.  Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thương binh, liệt sỹ là một loại chính sách xã hội đặc biệt, thu hút sự tham gia của mọi đối tượng dân cư, mọi ngành, mọi giới; không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm, lương tri sống ở đời và làm người, nói lên bản chất ưu việt của chế độ xã hội, nét đẹp văn hóa ứng xử, đạo lý sống của người Việt Nam. Trong các lực lượng xã hội tham gia làm công tác thương binh, liệt sỹ, Đảng Cộng sản phải là người khởi xướng, lãnh đạo thông qua hệ thống các chủ trương, đường lối và chính sách. Người còn kêu gọi chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và đoàn thể hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Theo Người, thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ không chỉ dừng lại ở những chủ trương hoặc hô khẩu hiệu chung chung mà phải được thể chế hóa thành luật và văn bản dưới luật; vì vậy, ngay lập tức, Người đã ký một loạt Sắc lệnh nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ như: Sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL ngày 6-6-1947, tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam và quy định việc tặng thưởng… Về mặt tổ chức thiết chế, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền các cấp hoạt động, ngày 3-10-1947, Người đã ký Sắc lệnh số 101-SL về việc thành lập Sở và Ty Thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh…

Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời trong thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ.  Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sỹ - những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Dù bận lo cho quốc gia đại sự, nhưng Người vẫn luôn dành thời gian để quan tâm, thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, gia đình liệt sỹ. Hằng năm, đều đặn cứ vào dịp tháng 7, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sỹ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên họ: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”, để mỗi “thương binh tàn nhưng không phế”[6]. Những bức thư của Người giản dị, chân thành, đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, thương binh và gia đình các liệt sĩ cũng cảm nhận được tình cảm của Bác Hồ dành cho họ. Tình cảm và trách nhiệm lớn lao với thương binh, gia đình liệt sĩ như vậy, nhưng Người cũng không quên nhắc nhở “Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ: thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần””[7].

Trước lúc đi xa, trong “Di chúc”, Người còn căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[8]. Đặc biệt, ngày 31-7-1969, Bác Hồ đã tặng Huy hiệu của Người cho 10 thương binh gương mẫu, tận tụy với công tác sản xuất, lập nhiều thành tích trên mặt trận mới. Đây là lần tặng Huy hiệu cuối cùng của Bác cho các thương binh. Ngày 1-9-1969, chỉ trước khi Người mất một ngày, vẫn có vòng hoa của Người gửi viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội (Mai Dịch).

Những tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và tấm gương của Người trong công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ hiện nay.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đối với thương binh, liệt sĩ, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chỉ rõ, phải “thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng…”[9]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về vấn đề thương binh, liệt sĩ, Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”[10].

Sau 25 năm đổi mới, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng thông qua, khẳng định “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”[11]. Nhất quán chủ trương đó, Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”[12].

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục, giải quyết. Đó là tình trạng sai sót đối tượng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn diễn ra ở không ít địa phương; thậm chí còn nhiều nơi lợi dụng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ để trục lợi bất chính. Công tác đền ơn đáp nghĩa ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào, tôn vinh người tốt, việc tốt. Ngoài ra, những việc làm tình nghĩa và phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ chưa được thực hiện thường xuyên, chưa phát triển đồng đều ở các địa phương, nhất là những nơi kinh tế còn khó khăn…

Từ thực trạng trên, trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, đồng thời để thực hiện tốt tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là,  toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, chủ động tuyên truyền và vận dụng sáng tạo thực hiện thắng lợi tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ mới.

Hai là,  tiếp tục hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta, tích cực triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, bảo đảm đầy đủ yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; có đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể nhằm thực hiện tốt nhất đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và ngày càng đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Ba là,  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ trương, chính sách, pháp luật đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và người có công; mở rộng các chương trình tình nghĩa phong phú, đa dạng, thiết thực; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nghĩa, như: xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa…; chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công.

Bốn là,  tập trung mọi nguồn lực giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng trong công tác chính sách sau chiến tranh. Hoàn thành cơ bản công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và một số đối tượng khác; tiếp tục tiến hành khảo sát, tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là ở các xã biên giới, các vùng căn cứ cách mạng, vùng xảy ra các trận đánh lớn trong kháng chiến, các phần mộ liệt sĩ trên đất nước bạn…

Năm là,  tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để các đồng chí thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh; góp phần ổn định và nâng cao đời sống của chính các đối tượng, gia đình chính sách, xứng đáng người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu./.

 

------------------------------------------------------------------------------------------------------- 

[1] Phạm Văn Đồng, “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 480

[2] [5] [6]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.579; tr.204; tr.584

[3] Sđd, tập 12, tr.401

[4] Sđd, tập 4, tr.486

[7] "Hồ Chí Minh với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987

[8] Sđd, tập 15, tr.616

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 558

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr 102

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.79

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.136

 

Nguyễn Bảo Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2802 | lượt tải:693

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2081 | lượt tải:726

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2375 | lượt tải:645

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3324 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2744 | lượt tải:760
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây