Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Vun đắp cho niềm vui cộng đồng

Thứ bảy - 23/09/2023 07:53

Vun đắp cho niềm vui cộng đồng

Từng mái ấm biên cương được dựng lên, sau hành trình miệt mài góp công sức của những cán bộ đoàn và thanh niên địa phương, anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang nói, tất cả như niềm vui dành cho cộng đồng. Nổi bật nhất trong số “biệt đội thợ xây” giúp dân dựng nên nhà của ở vùng cao này, là Hiên Cuôn và Bh’nướch Báo.
Các nhóm thợ xây Nam Giang tham gia công trình “Mái ấm biên cương” tại khu dân cư Pêtapot (xã Đắc Pring). Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Các nhóm thợ xây Nam Giang tham gia công trình “Mái ấm biên cương” tại khu dân cư Pêtapot (xã Đắc Pring). Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cuộc gặp không hẹn trước, câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế được kể về những việc làm tử tế của các thủ lĩnh đoàn vùng cao này. “Không thể nhớ chính xác mỗi người giúp xây dựng bao nhiêu ngôi nhà, nhưng gần như công trình thiện nguyện nào của các cấp đoàn ở địa phương, cả Hiên Cuôn và Bh’nướch Báo đều có mặt, tham gia với tư cách là thợ chính” - anh Bùi Thế Anh chia sẻ.

Ngược núi, xây nhà tình nghĩa

Vài tháng trước, tôi theo chân đoàn thanh niên tình nguyện của địa phương ngược núi vào cụm dân cư Pêtapot (thôn 48, xã Đắc Pring, Nam Giang). Chuyến đi này, không ngờ gặp được Hiên Cuôn, chàng trai người Ve được giao nhiệm vụ thiết kế công trình nhà tình nghĩa cho một hộ khó khăn của Pêtapot. Nắng như đổ lửa trên đầu, rồi hành trình ngược núi gặp mưa dông nhưng Hiên Cuôn vẫn gắng sức vận chuyển vật liệu xây dựng.

Cuôn nói, đây là ngôi nhà xây đầu tiên được triển khai tại Pêtapot theo chương trình “Mái ấm biên cương”, mang đậm dấu ấn của nhóm thợ do anh tạo dựng. Vì thế, khó đến mấy anh em cũng phải vượt qua để kịp bàn giao theo kế hoạch.

Để hoàn thành ngôi nhà này, ròng rã suốt 2 tháng trời, Hiên Cuôn cùng đội thợ xây và đoàn viên thanh niên của xã miệt mài vận chuyển gần 7.000 viên gạch, 2 tấn xi măng, 40 tấn tôn, cùng 1 tấn thép băng rừng lội suối vào Pêtapot. Một nỗ lực phi thường của những người trẻ vùng biên khi tuyến đường ngược núi dài hơn 16km chỉ có thể dùng sức người để cõng, thồ vật liệu đến nơi tập kết.

Hiên Cuôn, thợ chính trong các công trình xây dựng nhà ở miễn phí cho người dân khó khăn.
Hiên Cuôn, thợ chính trong các công trình xây dựng nhà ở miễn phí cho người dân khó khăn.

Ở tuổi 29, Hiên Cuôn nhiều năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi đoàn thôn 49A (xã Đắc Pring). Dù dáng người nhỏ, nước da nhuộm màu nắng gió nhưng lại có sức khỏe trời cho để tham gia hành trình giúp dân xây nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Các đoàn viên địa phương nhận xét về Hiên Cuôn, như một hình mẫu trong tuổi trẻ vùng biên với hoạt động giúp dân không mệt mỏi. Hiên Cuôn là thợ chính, gần như công việc nào khó nhất đều do anh ấy đảm nhận.

“Anh em theo nghề thợ xây này cũng là cơ duyên, vừa để học nghề, vừa góp sức cùng Hiên Cuôn giúp người dân khó khăn có chỗ ở ổn định” - Hiên Phông, thành viên “biệt đội” thợ xây chia sẻ.

“Ở vùng cao này, để thay đổi ý thức, thái độ của các bạn trẻ trong việc tự thân lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo là điều không hề dễ. Chính nhờ hành động đẹp của những người như Hiên Cuôn, Bh’nướch Báo đã thổi lên ngọn lửa hăng say lao động, sống vì cộng đồng, chung tay xây dựng làng bản vùng cao tươi đẹp trong thanh niên. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sống có trách nhiệm với cộng đồng, cả Hiên Cuôn và Bh’nướch Báo trở thành hình mẫu trong hành động tử tế, vun đắp niềm vui cho cộng đồng vùng cao Nam Giang”.

(Bí thư Huyện đoàn Nam Giang Bùi Thế Anh)

Mẹ mất sớm, từ nhỏ Hiên Cuôn sống cùng cha và anh trai đầu. Gian khó dần qua đi, nào ngờ người anh trai qua đời sau một vụ tai nạn khiến gia đình lâm cảnh khó khăn tột cùng. Đó là năm 2011, lúc ấy Cuôn chỉ vừa hết chương trình lớp 7.

Hai năm sau ngày anh mất, Cuôn phải nghỉ học để bươn chải mưu sinh phụ giúp cha nuôi các em nhỏ. Năm 2013, Cuôn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Bằng tinh thần vượt khó, anh được kết nạp vào Đảng, trở thành gương thanh niên tiêu biểu trong đơn vị quân đội.

“Xuất ngũ về lại quê nhà, việc đầu tiên mình nghĩ đến là phải đi học để kiếm việc làm, để thoát nghèo. Từ quê, mình chỉ mang vài bộ áo quần, vượt gần 200 cây số đường rừng xuống TP.Tam Kỳ vừa học chương trình phổ thông, vừa học nghề xây dựng. Ba năm xa nhà ở trọ, mình làm thêm đủ việc để tự trang trải cuộc sống và chi phí ăn học” - Hiên Cuôn kể.

Ra trường, Cuôn mang lý tưởng về quê khởi nghiệp. Thời điểm đó, nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân vùng biên khá lớn nên anh “chớp thời cơ” nhận các công trình. Một mình không thể gánh vác hết công việc nặng nhọc, thời gian sau, Cuôn rủ thêm vài thanh niên trong làng thành lập đội thợ xây đầu tiên ở biên giới xây dựng nhà cửa.

Bao nhiêu kiến thức học được Cuôn đều truyền lại cho đội thợ, nhờ vậy không bao lâu sau, tay nghề của “biệt đội thợ xây” đã tiến bộ hẳn. Không chỉ lấy giá phù hợp, đội thợ xây của Cuôn còn góp sức hỗ trợ các hộ khó khăn xây nhà miễn phí, đem lại niềm vui cho cộng đồng.

Ông Hiên Phuột - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring nói, vài năm trở lại đây, từ hoạt động hỗ trợ của Hiên Cuôn, nhiều thanh niên địa phương đã hạn chế bia rượu, theo gương thủ lĩnh đoàn để tu chí làm ăn. Nhiều người trong số đó sau thời gian theo Cuôn học nghề đã thoát nghèo, cùng góp công hỗ trợ xây dựng nhà cửa cho các hộ khó khăn.

Từ tâm, muốn làm việc thiện

Sau thời gian nỗ lực góp sức, cuối cùng, ngôi nhà tình nghĩa của một hộ dân ngay trung tâm xã Chà Vàl cũng được hoàn thiện. Ngày về nhà mới, không ai có thể tả hết niềm vui trên gương mặt của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tâm, hội viên cựu chiến binh tại địa phương.

Vợ chồng ông Tâm là người Kinh, sinh sống nhiều năm tại Chà Vàl, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều năm trước, dù được địa phương xét chọn nguồn lực hỗ trợ làm nhà tình nghĩa nhưng hộ ông Tâm không đủ khả năng đối ứng nên chưa thể triển khai.

Bh’nướch Báo (bên trái) cùng nhóm thợ xây giúp dân dựng nhà ở.
Bh’nướch Báo (bên trái) cùng nhóm thợ xây giúp dân dựng nhà ở.

Hay tin, Bh’nướch Báo tìm đến nhà, ngỏ lời muốn góp công xây dựng, giúp vợ chồng cựu binh già có nơi ở kiên cố. Bh’nướch Báo là người Cơ Tu, Phó Bí thư Chi đoàn dân quân xã Chà Vàl, nhiều năm được biết đến như một tay thợ lành nghề trong việc giúp người dân khó khăn xây dựng nhà cửa giá rẻ hoặc miễn phí.

Bằng uy tín cá nhân, nhiều năm qua, Báo tập hợp nhóm thanh niên địa phương thành lập đội thợ xây hiệp nghĩa vừa tìm kiếm thu nhập, vừa hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hơn 10 ngôi nhà tình nghĩa được làm không công, Báo nói, đó là chưa kể đến hàng chục công trình nhà vệ sinh, bể nước sinh hoạt… được xây dựng bởi công sức của nhóm thợ.

“Bà con trên này cuộc sống khó khăn nên mình chỉ ước chừng, nếu chủ nhà có kinh phí thì chỉ lấy giá cả rất rẻ, thấp hơn nhiều so với thị trường. Riêng các hộ quá khó khăn, đặc biệt là người già, neo đơn, gia đình chính sách, đội thợ giúp hết ngày công xây dựng, không lấy một đồng nào” - Báo chia sẻ.

Cơ duyên đến với nghề xây dựng, với Bh’nướch Báo là cả một sự nỗ lực lớn. Nhiều năm trước, do hoàn cảnh khó khăn nên hết cấp 3, Báo làm nhiều công việc mưu sinh giúp đỡ gia đình.

Tự mày mò công việc, rồi nhờ kinh nghiệm truyền nghề của một số thợ xây tại địa phương, Báo dần nâng cao tay nghề, trở thành thợ chính tại các công trình xây dựng. Sau thời gian tập hợp thanh niên, Báo lập nên một đội thợ xây ở vùng biên, nhận làm các công trình nhà ở miễn phí cho người khó khăn trên địa bàn xã Chà Vàl và các vùng lân cận.

Bh’nướch Báo kể, quá trình đi làm, anh gặp không ít gia cảnh khó khăn nên sau này nảy ra ý tưởng, vừa duy trì công việc kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa hỗ trợ ngày công giúp các hộ không đủ khả năng thuê người làm nhà.

“Dụng cụ xây nhà, mình mua dần từ nguồn tiền kiếm được để phục vụ công việc. Nhà nào khó khăn quá, mình không lấy tiền công, thậm chí từ chối bữa cơm trưa họ mời. Bởi nhà mình gần đó, cứ hết buổi làm, chạy về lo cơm nước cho ba mẹ xong mình lại đến công trường để tiếp tục công việc. Vậy mà cũng hơn mười năm rồi” - Báo tâm sự.

Sau hành trình miệt mài giúp dân, dường như Bh’nướch Báo “quên” luôn nhiệm vụ xây nhà cửa cho chính mình. Ở tuổi 30, anh Báo là lao động chính trong gia đình, ở cùng cha mẹ già yếu, mất sức lao động trong căn nhà gỗ đã xuống cấp. Báo từ chối nhiều suất xét chọn nhà ở theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước để nhường cho người khó khăn hơn mình, như một cách học theo gương Bác Hồ, mỗi ngày…

 
 ALĂNG NGƯỚC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
 
 
 
 
 
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:1520 | lượt tải:393

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:1600 | lượt tải:622

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:1916 | lượt tải:569

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:2870 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2297 | lượt tải:635
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây