Toàn thân lấm lem bùn đất sau chuyến đi bộ băng rừng, ngược núi vào thôn Axur (xã Dang, H.Tây Giang, Quảng Nam) để "kéo" học trò Arất Quang Nhật ra lại lớp, dù mệt mỏi nhưng khuôn mặt của thầy giáo Bnướch Zói (30 tuổi, người dân tộc Cơ Tu, giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Dang) vẫn rạng rỡ. Tròn 10 năm công tác, với thầy Zói, "gia tài" lớn nhất trong nghề của anh được "tích cóp" từ những học trò miền núi.
Thôn Axur là quê của Arất Quang Nhật cách điểm trường gần 30 km. Mùa mưa, tuyến đường vào thôn càng trở nên hiểm trở. "Đường sá không phải là rào cản lớn, mà cái khó khăn nhất vẫn là việc thuyết phục phụ huynh để họ chấp thuận cho con em mình ra lại lớp. Vào được đến nhà em Nhật, nhưng chúng tôi phải chờ đến chạng vạng tối, khi cha mẹ em từ rẫy trở về, mới có cơ hội ngồi lắng nghe câu chuyện của gia đình, tìm hiểu nguyên nhân", thầy Zói nói.
Arất Quang Nhật không phải là trường hợp cá biệt. Bởi ở vùng cao này, từng có rất nhiều học sinh không đủ kiên trì theo đuổi ước mơ con chữ. Đã có người bỏ học, lấy vợ lấy chồng, khiến cuộc sống khó khăn cứ thế tiếp diễn.
Vài năm trước, nhà trường có gần 10 học sinh bị phụ huynh "bắt" ở nhà phụ giúp việc. Sau khi kết nối tìm hiểu, nguyên nhân của các em được cho là do hoàn cảnh quá khó khăn, phương tiện đi lại không đảm bảo. Với quyết tâm không thể để các em nghỉ học, thầy Zói xung phong lên đường để "kéo" học trò đến lớp. Phải mất nhiều chuyến băng rừng, ngược núi thì những cuộc vận động này mới thành công. "Học trò của mình đa số là người Cơ Tu. Cuộc sống các em còn quá nhiều khó khăn, cái ăn phải lo hằng ngày nên nhiều phụ huynh không quan tâm tới con chữ. Họ quan niệm con chữ không thể làm no cái bụng nên khó mà len lỏi vào được các thôn bản", thầy Zói tâm sự.
Thầy Bnướch Zói cùng đồng nghiệp, sau các buổi dạy học, lại miệt mài ngược núi, lần lượt đưa học sinh trở lại trường. Với thầy cũng như nhiều thầy cô khác, sau quá trình thuyết phục phụ huynh và học sinh, niềm vui lớn nhất của họ là được chứng kiến hình ảnh từng đứa học trò trở lại trường cùng ăn ở, học tập và sinh hoạt với bạn bè. "Vui, vì cố gắng của mình đã được đền đáp. Chúng tôi xem những chuyến ngược núi để tìm học trò, thuyết phục phụ huynh cho con đến lớp như hành trình thắp sáng ngọn lửa, để ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng", thầy Zói trải lòng.
Năm ngoái, đang học lớp 5, Alăng Thị Hội bất ngờ mắc phải chứng bệnh lạ khiến em bị liệt một bên chân. Thương học trò giỏi, siêng năng, thầy Bnướch Zói ngược xuôi đến nhà, rồi tìm cách vận động người thân đưa em đến bệnh viện thăm khám. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình không đồng ý. Không còn cách nào khác, thầy Zói đã kết nối hỗ trợ kinh phí giúp học trò trong suốt thời gian điều trị tại Trung tâm y tế H.Tây Giang, nhằm giúp em tiếp tục sớm trở lại trường.
"Ở nơi này, thầy cô vừa là người giảng dạy, vừa là cha mẹ chăm lo từng chút việc cho học trò. Ngoài ra, giáo viên ở đây thay phiên nhau tập trung ôn tập cho học sinh từ 19 - 21 giờ, vừa trực cho học sinh trật tự học bài, vừa củng cố kiến thức cho các em. Những em học lực yếu sẽ được kèm cặp riêng mỗi ngày để sớm cân bằng kiến thức", thầy Zói chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Tâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Dang, cho biết nhiều năm qua, thầy Bnướch Zói luôn là tấm gương điển hình của ngành giáo dục địa phương với thành tích về chuyên môn và các hoạt động phong trào Đoàn - Đội. Ngoài ra, hằng năm, thầy Zói còn kết nối với Hội khuyến học xã Dang xét chọn học bổng cho các học sinh khó khăn, nguy cơ bỏ học để động viên, khuyến khích các em yên tâm học tập. Mặt khác, thầy kêu gọi hàng chục triệu đồng từ các nhà hảo tâm hỗ trợ cho quỹ học bổng đến trường, xét tặng học sinh khó khăn. "Thầy Bnướch Zói là một trong số các thầy cô của địa phương có nhiều đóng góp cho hành trình ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng", ông Tâm khẳng định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn