Lần đầu tiên bước lên bục tuyên dương Thanh niên tiên tiến khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai trong tháng 3 vừa qua, anh Phạm Thanh Sang - cán bộ Cục Hải quan tỉnh không giấu được xúc động và tự hào.
Anh Sang kể, chỉ trong vài phút đứng trên sân khấu nhưng như một thước phim tua nhanh về hành trình nỗ lực với công việc trong 12 năm qua. Gắn bó với công việc hải quan từ năm 2011, trải qua nhiều vị trí từ cán bộ Cửa khẩu Nam Giang đến Cửa khẩu cảng Kỳ Hà giúp anh Sang thêm nhiều kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ.
Từ thực tiễn công việc, năm 2023 anh Sang có sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác giám sát quản lý đối với hàng hóa quá cảnh không thể niêm phong, bằng hình thức sử dụng mã QR Code để tổng hợp thông tin, hình ảnh. Cách làm này giúp cán bộ hải quan bớt đi những bộ hồ sơ giấy; thông tin, hình ảnh được lưu khoa học, đầy đủ, tiết kiệm thời gian, kinh phí in ấn trong quá trình kiểm tra.
Nhờ vậy quá trình thông quan được thực hiện nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hay trước đó, sáng kiến giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thống kê, báo cáo đối với hàng hóa quá cảnh, vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cảng Kỳ Hà cũng đã giúp nâng cao hiệu quả công tác của đơn vị.
Chủ động đảm nhận những việc khó, việc mới, không ngừng sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp đột phá, từ năm 2021 đến nay, anh Sang có 3 sáng kiến cải tiến được công nhận, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Tháng 4/2024, Phạm Thanh Sang được điều chuyển về công tác tại Đội Kiểm soát, Cục Hải quan tỉnh. "Những ghi nhận vừa qua càng thôi thúc tôi tiếp tục nỗ lực hết mình trong công việc, hướng đến mục tiêu cụ thể đóng góp vào sự phát triển chung của ngành hải quan Quảng Nam” - anh Sang nói.
Gần 18 năm gắn bó với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), với Phan Thị Bích Thỏa - chuyên viên Văn phòng BHXH tỉnh, niềm vui mỗi ngày là giúp người dân, người lao động giải quyết được các vấn đề liên quan đến quyền lợi chính sách BHXH.
Làm việc tại Bộ phận một cửa của cơ quan BHXH, chị Thỏa và đồng nghiệp tiếp xúc với rất nhiều hồ sơ và giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến thủ tục, chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), trợ cấp thất nghiệp (TCTN)… Là cầu nối giữa cơ quan BHXH và người dân, chị Thỏa đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân về chuyên môn, thái độ phục vụ tận tâm, kịp thời xử lý để quyền lợi người dân được đảm bảo.
Chị Thỏa kể, có lần một bác lớn tuổi đến điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT cho vợ để kịp thời đưa bác gái vào TP.Hồ Chí Minh điều trị bệnh ung thư. Tình hình cấp bách, chị linh hoạt điều chỉnh thông tin, kịp thời giúp người bệnh chuyển viện điều trị.
“Mấy hôm sau bác trai trở về gửi lời cảm ơn và dành lời khen cho cách giải quyết công việc nhanh chóng, chúng tôi rất ấm lòng. Với tôi, niềm vui mỗi ngày là giúp được người dân, người lao động đảm bảo được các quyền lợi liên quan đến chính sách BHXH” - chị Thỏa chia sẻ.
Tính chất công việc hàng ngày tiếp xúc nhiều người dân, không tránh khỏi những người nóng tính nhưng chị Thỏa vẫn bình tĩnh lắng nghe, kiên nhẫn giải quyết từng trường hợp, hướng dẫn cụ thể quy định, giúp họ hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh chóng, nhất là hồ sơ hưởng TCTN hay điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT trong những trường hợp cấp bách.
Thời gian gần đây, số lượng người đến yêu cầu rút BHXH một lần tăng cao, chị tìm hiểu câu chuyện của từng người để có sự tư vấn hợp lý, giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Theo chị Thỏa, công việc ở Bộ phận một cửa rất đặc thù, buộc cán bộ tại đây phải am hiểu đầy đủ quy định để xử lý kịp thời hoặc tham mưu lãnh đạo xử lý vụ việc vượt thẩm quyền. Để giúp người dân giảm thời gian đi lại hoặc chờ đợi, chị kiểm tra thật kỹ hồ sơ khi tiếp nhận.
“Chủ trương của ngành là phục vụ nhân dân, làm ở Bộ phận một cửa, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình. Khi giúp được người dân giải đáp vướng mắc, giải quyết chế độ chính sách liên quan, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc, là động lực để gắn bó với công việc” - chị Thỏa tâm sự.
Đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh từ năm 2021, bà Võ Thị Thúy Hà luôn tận tụy với công việc, nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để kịp thời tham mưu lãnh đạo ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả công việc. Đáng chú ý, ngay sau khi Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra được ban hành, bà Hà chủ động nghiên cứu, cập nhật các chức năng, nhiệm vụ mới của ngành.
Theo bà Hà, qua nghiên cứu, Điều 77, Luật Thanh tra 2022 có quy định về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, song vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và chưa nêu rõ được vị trí của Tổ trưởng Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.
"Do đó, khi Nghị định số 43 ra đời, tôi thấy có những “bước ngoặc mới” cho công tác thẩm định nên tham mưu lãnh đạo và được giao nhiệm vụ xây dựng “Quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh”. Tính chất công việc văn phòng không sẽ không “chuyên môn” như Phòng nghiệp vụ 2 về công tác pháp chế hay Phòng nghiệp vụ 3 về công tác thẩm định.
Song, khi nhận trọng trách thì phải tập trung thực hiện, nhanh chóng xây dựng quy trình để sớm áp dụng. Và sau gần 4 tháng, quy trình hoàn thiện, được lãnh đạo phê duyệt và cho phép áp dụng từ tháng 11/2023. Đây là quy trình hoàn toàn mới, chưa nhiều tỉnh, thành trong khu vực triển khai” – bà Hà cho biết.
Theo bà Hà, “Quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh” được ra đời dựa trên cơ sở Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023 của Chính phủ giúp Tổ trưởng Tổ thẩm định dự thảo kết luận thanh nắm đầy đủ các nguyên tắc về thẩm định, đảm bảo đúng phạm vi thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đánh giá, kết luận đảm bảo tính khách quan, công bằng, tôn trọng quyền của các chủ thể có liên quan. Đồng thời giúp thời gian thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra trực tiếp nhanh hơn, giảm kinh phí đi lại, lưu trú, tiết kiệm được kinh phí và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.
Cùng với đó, Văn phòng Thanh tra tỉnh đang tiếp tục được lãnh đạo giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo quy định về chức năng nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh và đang lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của Thanh tra tỉnh. Mới đây Văn phòng Thanh tra tỉnh đã xây dựng, vận hành phần mềm Tiếp công dân và quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh và tích hợp Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam; phần mềm quay số lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập hàng năm… được các cấp đánh giá cao.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh - Nguyễn Xuân Đức cho biết, việc triển khai học tập và làm theo Bác ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu. Qua sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01, Đảng ủy Khối tuyên dương, khen thưởng 26 tập thể, 39 cá nhân, trong đó có nhiều đảng viên, quần chúng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Hiện nay, trước khó khăn, thách thức về tình hình chính trị, kinh tế xã hội, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng bộ Khối cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, phải khơi dậy và lan tỏa tinh thần tích cực, tạo động lực mới, nhất là khát vọng phát triển, cống hiến hướng đến mục tiêu vì sự phát triển của tỉnh.
“Đảng ủy Khối đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị Nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”. Qua đó nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt ngay từ cơ sở, nhất là những hạn chế từ nguyên nhân đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong có có cả lãnh đạo cấp ủy, cơ quan đơn vị, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - ông Đức nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn