Và Lê Quang Long - chàng trai trẻ người Thăng Bình, đã vin vào “triết lý” sống tự mình đặt ra ấy, để rong ruổi cùng những chặng đường thiện nguyện.
“Những bước chân xanh”
Tròn 4 năm, hành trình “những bước chân xanh” do Long sáng lập, không biết đã mang đến bao nhiêu nụ cười, hy vọng từ những bữa cơm có thịt, những suất quà dành cho trẻ thơ vùng cao.
Long nói, chương trình ban đầu chỉ xuất phát từ tâm nguyện muốn giúp đỡ trẻ em nghèo vùng núi tại những nơi anh đi qua. Nhưng từng ngày một, nhóm phát triển rộng lớn, trở thành tổ chức tập hợp được nhiều bạn trẻ với tấm lòng rộng mở. Họ có thêm điều kiện thực hiện các chương trình hỗ trợ trẻ em và người khó khăn ở các vùng núi phía Bắc.
Tháng 6/2020, chương trình “Những bước chân xanh” ra đời. Từ đó đến nay, nhiều chương trình thiện nguyện nổi bật được thực hiện từ sự chung tay của cả cộng đồng. Tại mỗi địa điểm mà nhóm đi qua, những bữa ăn ấm nóng được gửi đến cho trẻ em và người nghèo ở nơi đó.
Trong những chuyến đi của mình, Lê Quang Long đã kết nối để hỗ trợ nhiều em bé bị dị tật được phẫu thuật từ đội ngũ y bác sĩ tuyến trung ương. Câu chuyện bé gái Su Mai Hoa (5 tuổi, ở Hà Giang) với bàn tay dị tật bẩm sinh đã được Long đưa từ Hà Giang về TP.Hồ Chí Minh thực hiện phẫu thuật, gây xúc động cho cộng đồng. Cũng chính Long là người suốt 3 năm qua đã hỗ trợ gia đình Su Mai Hoa cùng rất nhiều những em bé có số phận kém may mắn khác.
Nhớ tới Long là nhớ một người kết nối, một người nhiệt tình luôn có mặt ở những địa điểm đặc biệt. Chàng trai gương mặt sáng như nắng xuân ấy, đã tất bật trong chuyến cứu trợ vùng lũ miền Trung vào tháng 11/2020. Cũng gương mặt ấy, rạng rỡ cùng học sinh miền núi cho buổi khai giảng điểm trường ở Nam Trà My.
Chiến dịch “Mùa đông cho em” ở các vùng Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang vào cuối năm 2021, chuyến xuyên Việt mang “Tết yêu thương” đến các tỉnh vùng cao, chuyến xe “Tết yêu thương” tại Đăk Nông... chưa từng vắng mặt Long.
Tuổi trẻ như một hộp quà
Những bức ảnh “định dạng” Lê Quang Long, luôn là những khung hình trong veo. Bản thân chàng trai trẻ vốn mê nhiếp ảnh. Long đã khởi nghiệp cùng nhiều studio ảnh nghệ thuật, ảnh cưới ở Thăng Bình và Sài Gòn. Thậm chí bây giờ, các studio ấy vẫn còn hoạt động.
Nhưng bàn chân như có ngàn nốt nhạc, lúc nào cũng muốn đi. Những chuyến đi cứ vậy nối tiếp nhau, lên rừng, xuống biển. Long nói anh chẳng muốn khẳng định điều gì trong từng cuộc đi của mình. Ở mỗi bản làng, dấu chân anh trở thành nụ cười.
Long nói, điều cuối cùng anh mong và đang nỗ lực, là truyền tải năng lượng tích cực qua những bức ảnh, hoạt động của mình. Những mầm xanh, những hy vọng được ươm qua từng hành trình.
Các cuộc đi của Long luôn dừng ở những điểm trường bản. Bởi, Long nói, đó là nơi các em nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Những nơi càng heo hút thì càng thiếu thốn. Các đoàn thiện nguyện cũng khó tiếp cận. Và nhóm của Long hỗ trợ các bữa trưa ở đây và cả chỗ ăn, chỗ ngủ để các em có bữa trưa ngon giấc.
Từ những bữa trưa ấm bụng, có lẽ Long cùng đồng đội mình một phần nào đó, đã nâng đỡ bước chân đến trường của trẻ vùng cao, giúp các em đến gần hơn với ước mơ của mình.
“Tuổi trẻ giống như một hộp quà mà mỗi ngày giở ra sẽ nhận được một thứ khác nhau. Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến. Cống hiến không phải là trao tặng những thứ lớn lao. Chỉ đơn giản là giảm đi chút lợi ích bản thân, thay vào đó là đóng góp chúng cho xã hội, cho cộng đồng, cho tập thể. Thế giới luôn không đủ, vì vậy, cống hiến của mỗi con người sẽ lấp đầy những khoảng trống đó để tạo nên những điều giá trị...” - một dòng chia sẻ trên trang cá nhân có lẽ khá già dặn so với chàng trai 9X. Nhưng ngẫm kỹ, Long đủ trải nghiệm để sẻ chia như vậy với cộng đồng.
Có gì sau phía chân trời?
Tôi dõi theo Long từ những ngày anh đăng tải hàng loạt khung hình chụp chân dung trẻ con vùng núi cao phía Bắc, độ hơn 10 năm trước. Những bức hình tỏa nắng, với nụ cười cùng đôi má ửng hồng của trẻ con. Nó khiến những tia nhìn luôn hằn học cuộc đời cũng phải dịu đi.
Chụp xong, Long in từng bức ảnh và tặng lại cho nhân vật. Đã có hàng ngàn bức ảnh như vậy, dành cho các em bé người Mông, người Lô Lô, Sán Dìu... Đó cũng là hạt mầm tử tế đầu tiên Long gieo xuống, để anh được tin tưởng cho hàng loạt hoạt động thiện nguyện sau này.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát tại Sài Gòn. Những ngày khắp cõi mạng chia nhau hình ảnh những bộ đồ bảo hộ thấp thoáng trong các khu cách ly, trong bệnh viện dã chiến. Một trong số những áo xanh ấy, có Lê Quang Long. Bức thư chàng trai xứ Quảng gởi về cho mẹ giữa tâm dịch Sài Gòn, vẫn còn khiến nhiều người xúc động.
“Những cuộc hành trình mỗi ngày vẫn nối tiếp, làm người thật chẳng dễ dàng. Mỗi một thứ đều phải đấu tranh, những cuộc đấu tranh tâm lý làm thành một ma trận mà ở đó nếu không đủ vững lòng, sơ sẩy là gục ngã ngay. Ngồi trên chuyến xe di chuyển điểm tiếp theo mà cứ mong ngày mọi thứ trở lại bình thường. Chắc sẽ lại về nhà ở cả tháng mới thỏa lòng” - trích bức thư Lê Quang Long gửi mẹ.
Giữa lúc mọi người tranh nhau từng cơ hội để được về nhà, thì Long chọn ở lại tâm dịch. Long ngược xuôi giữa F1 và F0, ở các bệnh viện, khu cách ly, vùng xanh, vùng đỏ, để hỗ trợ người dân mọi thứ cần thiết. Những ngày còi cấp cứu nhiều hơn còi xe, trải qua rồi mới biết cuộc sống bình thường là điều vô giá.
Bây giờ, trang cá nhân của Long ngập tràn hình ảnh những trái mận Tây Bắc. Long đang cùng bạn bè hỗ trợ các nhà vườn mang trái mận vào Nam, ổn định đầu ra cho họ với tên gọi vui theo anh là “chiến dịch bán mận”.
Về lâu dài, Long nói, đang tính toán để thành lập kênh phân phối nông sản, mở rộng đầu ra cho bà con đồng bào miền núi phía Bắc. Những chuyến đi Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh biên cương của Tổ quốc, cứ vậy thường xuyên hơn.
Long có gương mặt sáng của một người tử tế. Là tâm sinh tướng, tôi nghĩ vậy. Cơ nghiệp của Long bây giờ, vẫn y 10 năm trước, là 2 cơ sở studio chuyên chụp ảnh cưới.
Nhưng có lẽ, có một thứ “tài sản” mà Long đang giàu có hơn rất nhiều người: ấy là lòng tin yêu của trẻ con vùng cao, của người khó nghèo - những người mà Long không thể nhớ hết dáng vóc, gương mặt. Nhưng họ, thì nhớ chàng trai xứ Quảng tử tế - Lê Quang Long!
LÊ QUÂN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn