Nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Thúy đã có hơn 7 năm làm việc dưới đáy biển, dù chị mới bước sang tuổi 30. Sinh ra ngay tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam), cuối cùng chị cũng quay lại xã đảo công tác, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản lý nguồn lợi thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm Huế.
Ở Phòng tuần tra của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, công việc của chị Thúy là ươm cấy, chăm sóc san hô, cỏ biển, bảo vệ động thực vật, vệ sinh đáy biển cho san hô phát triển… "Lặn biển là công việc chỉ phù hợp với cánh đàn ông thôi. Với phụ nữ, khi chọn công việc này thì phải thực sự có lòng yêu nghề mới bám trụ lâu dài được", chị nói.
Khi còn học tiểu học, chị Thúy đã được tham gia một số chương trình truyền thông, nghe giới thiệu về tầm quan trọng của hệ sinh thái rạn san hô. Tình yêu và ý thức bảo vệ hệ sinh thái san hô cứ lớn dần. Tốt nghiệp THPT, chị liền đăng ký vào ngành quản lý nguồn lợi thủy sản...
Nhưng không phải ai biết lặn cũng có thể làm việc dưới đáy biển được. Như chị Thúy, lúc đầu chị phải học, phải tập lặn giảm áp, tập thở bình ô xy… để làm quen. Khi nắm trong tay chứng chỉ lặn biển do Hiệp hội Lặn biển quốc tế (PADI) cấp, chị mới đủ tự tin làm việc dưới biển hàng giờ liền. Sau đó mới tính đến những phần việc liên quan khác: ươm cấy san hô, xử lý sự cố, giám sát độ phủ của rạn san hô dưới đáy biển… "Nghề lặn biển rất vất vả, nguy hiểm nên đòi hỏi phải có sức khỏe, bơi lặn tốt, thêm bản lĩnh và một chút lì lợm. Bởi khi lặn xuống đáy biển, nếu thao tác không đúng kỹ thuật thì sai sót nào cũng có thể xảy ra và đôi khi phải trả giá đắt bằng tính mạng", nữ kỹ sư chia sẻ.
Rời Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), chị Trần Thị Phương Thảo cũng xin về làm việc tại Phòng nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Công việc hằng ngày của nữ thạc sĩ sinh thái học 35 tuổi quê P.Tân An, TP.Hội An này là ghi chép, theo dõi, quan sát mọi thay đổi, nhập liệu tất cả chuyển động ở các vị trí thực hiện bảo tồn dưới đáy biển. Kế đến, chị tham gia đưa các mầm sống này đến nơi khác để ươm cấy, giống như đi trồng cây trên cạn. Và để trồng cây dưới nước, dĩ nhiên chị phải "làm quen" đáy biển. Chị tâm sự: "Ngay từ nhỏ tôi đã có một tình yêu mãnh liệt với biển. Tốt nghiệp đại học, biết Cù Lao Chàm đang cần người tham gia hỗ trợ các dự án phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái đảo, tôi liền xin ra đây làm việc. Tới nay, tôi đã có khoảng 10 năm gắn với nghề lặn biển này".
Dưới nước, các chị luôn đối diện thử thách và hiểm nguy, phải đeo bình ô xy, thắt quanh bụng những tấm chì nặng hàng chục ký, di chuyển hàng trăm mét, ở dưới nước nhiều giờ… Đổi lại, niềm đam mê được đánh thức để họ gắn với tên gọi "người trồng rừng dưới đáy biển".
Im lặng tuyệt đối, chỉ dùng ký hiệu để trao đổi qua lại. Bất trắc cũng rình rập đâu đó…
Có lần đang lặn ở độ sâu khoảng 5 m, chị Thúy gặp dòng nước chảy xiết, không thể tiếp tục lặn sâu xuống đáy. Thoáng sợ, nhưng rồi chị kịp trấn tĩnh, thả lỏng cơ thể. "Phải mất hơn 20 phút vật lộn với dòng nước chảy xiết, tôi mới bơi lại lên tàu an toàn. Cũng may lúc đó độ sâu chưa lớn. Nếu xuống đáy biển mà gặp sự cố này thì rất nguy hiểm", chị Thúy nhớ lại.
Nhưng rủi ro chỉ giúp làm đầy thêm kinh nghiệm, chứ không ngăn các chị xuống đáy biển. Vì ở đó, vẻ đẹp đại dương cứ như ma lực, cứ hấp dẫn, cứ mời gọi bảo vệ. Riết rồi quen, mỗi khi được nghỉ phép quá lâu mà không được xuống đáy biển là họ lại nhớ. "Có xuống đáy biển mới cảm nhận hết sự thú vị. Những loài cá quý hiếm tung tăng bơi lội ngay cạnh mình, đến nỗi có thể sờ tay vào chúng. Những rạn san hô thì không ngừng uyển chuyển trong làn nước… Cảm giác như lạc vào thủy cung", chị Thảo cười nói.
Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, liệt kê hàng loạt rủi ro dưới đáy biển: Lặn không đúng kỹ thuật sẽ gây ra một số sự cố nguy hiểm tính mạng; lặn sâu, gặp áp lực nước lớn hay dòng chảy mạnh thì khó xử lý; mang vác nặng cũng khiến nhiều nhân viên mắc bệnh xương khớp, thoát vị đĩa đệm dù còn trẻ… "Giá trị của san hô là vô cùng lớn, nên chúng tôi mong cộng đồng cùng chung tay bảo vệ. Sứ mệnh chung của việc bảo tồn biển, bảo vệ đa dạng sinh học là giữ gia tài lại cho các thế hệ sau", ông Thuận nhắn nhủ.
Một ngày giữa tháng 9.2023, Bộ Ngoại giao báo tin chị Trần Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Hồng Thúy lọt vào top 17 sáng kiến "Gương mặt hành động". Tin vui đến hoàn toàn bất ngờ, do ban tổ chức chương trình chọn lọc chứ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và hai nữ kỹ sư không nộp hồ sơ. Chị Phương Thảo và Hồng Thúy là những gương mặt nổi bật trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 (bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, nguồn lợi biển vì phát triển bền vững) của Liên Hiệp Quốc. Đây là lần đầu tiên VN tổ chức và là dịp ghi nhận, khuyến khích phụ nữ VN tiếp tục đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH, thúc đẩy đạt 17 mục tiêu phát triển bền vững.
Vùng biển Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, có tổng diện tích khoảng 23.500 ha. Tại đây, san hô có 282 loại thuộc 23 họ và 79 giống. Đảo Cù Lao Chàm được các nhà khoa học, giới bảo tồn đánh giá là hòn đảo đang được giữ tốt nhất trong các cụm đảo nổi giữa biển của VN. Khu bảo tồn đã trồng phục hồi thành công 10 ha rạn san hô bị hư hại và trồng mới 20 ha rạn san hô, nâng tổng diện tích các rạn san hô ở đây lên 356,3 ha. Hiện Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có 43 cán bộ, nhân viên được phân bổ ở 4 bộ phận, trong đó có 15 cán bộ làm việc trực tiếp quản lý khu vực dưới nước, gồm tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rạn san hô, thảm cỏ biển, ươm, cấy san hô…
Nguồn tin: Báo thanh niên:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn