Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững
Theo đại diện của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - một trong những đơn vị tư vấn quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Nam sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị rất cao, độc đáo, tạo nên lợi thế vượt trội so với các địa phương khác, từ đó giữ vai trò là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Bên cạnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh/thành phố trong khu vực cũng như các nước, nhiều hạ tầng chiến lược được quy tụ tại Khu kinh tế mở Chu Lai là điều kiện thuận lợi cho khu kinh tế này trở thành “trạm trung chuyển quốc tế”, trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước trên thế giới.
Quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường thu hút các dự án đầu tư và đóng góp cho ngân sách trung ương. Quảng Nam cũng đã hình thành tiềm lực công nghiệp vượt trội so với nhiều tỉnh trong vùng và cả nước, có sự đa dạng về các ngành công nghiệp và sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận: "Những nỗ lực trong tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là ưu điểm vượt trội của Quảng Nam, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn chỉ ra rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, trình độ và trang bị kỹ thuật kinh tế biển thấp, lạc hậu và một số trở lực khác đang hiện hữu, làm chậm khả năng phát triển của tỉnh”.
Không giấu tham vọng đưa Quảng Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo lớn trong khu vực, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch còn đề xuất mục tiêu sẽ phát triển các dịch vụ logistics, vận tải đường biển và đường hàng không lớn của vùng duyên hải miền Trung, hình thành địa điểm trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên du lịch, các ngành công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, tạo nên các chuỗi sản phẩm và dịch vụ thông minh, ít phát thải, không gây ô nhiễm môi trường, bảo tồn các di sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường và sự đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, Quảng Nam là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.
Giữ bản sắc để tạo giá trị cốt lõi
PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, quy hoạch tỉnh lần này sẽ thay đổi chân dung Quảng Nam do đó cần xác định rõ tổ hợp thực lực của Quảng Nam, trên cơ sở đánh giá thực trạng phải nhận diện thực lực của Quảng Nam đang đứng ở đâu, từ đó xác định giá trị cốt lõi trong tương lai của Quảng Nam là gì.
“Có thể nói Thaco Trường Hải đã lật ngược cách phát triển của Quảng Nam. Biến cái bất lợi thế thành lợi thế. Với năng lực, dư địa của mình, Quảng Nam phải đặt tầm nhìn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Hiện tầm nhìn này còn khá mờ nhạt chưa tương xứng với tiềm năng và cần xác định càng “mở” thì càng có lợi thế” - PGS-TS. Trần Đình Thiên nói.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Quảng Nam có "vốn xã hội" rất lớn, đây có thể là một yếu tố tạo ra sự khác biệt.
"Chúng ta có khát vọng rất lớn trong việc phát triển Quảng Nam là đúng, nhưng cũng cần có khát vọng theo cách riêng của Quảng Nam. Lối mở có thể nghiên cứu là trở thành một hình mẫu về phát triển xanh. Ở đó, giá trị bản sắc là quan trọng nhất với “vốn xã hội” dồi dào tích lũy theo tiến trình phát triển của đất và người xứ Quảng" - TS. Thành nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ở đây cần coi trọng đúng mức nguồn lực phi kinh tế, trong đó có yếu tố cốt lõi là văn hóa. Khi nguồn lực này được khơi dậy sẽ kích thích sự cống hiến, đóng góp của con người, nhất là con người bản địa. Nhìn ra thế giới, những kỳ tích phát triển mà Nhật Bản hay Hàn Quốc từng đạt được trong quá khứ cũng có một phần đóng góp rất lớn từ sự đồng lòng, cống hiến về tinh thần.
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn