Cô Ba Sừng - cái tên nghe gan góc như cuộc đời người phụ nữ đưa đò chở bộ đội vượt sông năm xưa. Cô tên thật là Trịnh Thị Kim Lan (sinh năm 1942), sinh ra và lớn lên trên vùng quê Tiên Lãnh (Tiên Phước). Chứng kiến quê hương bị địch càn quét tàn phá, như bao thế hệ cha anh, cô Ba Sừng tham gia cách mạng.
Cô kể lại: “Tôi nhớ hôm đó là 28.10.1961 (chiến dịch bắt đầu từ ngày 27.10.1961 - PV), tôi nhận lệnh tham gia cơ sở cách mạng với nhiệm vụ sống trong lòng địch, nắm tình hình địch để báo cho cách mạng.
Sang ngày 29.10.1961 thì được các anh báo tin tìm cách đưa bộ đội vượt sông Tranh trong đêm để đánh vào đồn địch. Tôi tìm cách lén lấy 5 chiếc đò của người dân, để nếu bị địch phát hiện không gây liên lụy đến chủ ghe. Hôm đó mưa rất to, nước sông Tranh chảy xiết, mọi người nhận nhiệm vụ rất lo lắng.
Lúc đó không lo cho bản thân mình, cốt sao đưa bộ đội qua sông an toàn, đúng điểm hẹn, đúng thời gian mới thắng trận này. Các anh bộ đội bện dây rừng để mọi người níu lấy dây giữ cho đò không bị nước cuốn trôi khỏi dòng. Trời tối mịt, đi trong hoàn cảnh bí mật, nên nhờ vậy mà qua sông an toàn”.
Những người tham gia chèo đò đưa bộ đội sang sông năm đó dầm mình suốt đêm mưa lạnh trên dòng sông Tranh nước cuồn cuộn chảy. Họ không chỉ có đôi tay chèo đò sành sỏi, mà có có trái tim dũng cảm và ý chí quật cường, một lòng kiên trung cùng cách mạng chờ ngày giải phóng quê hương.
Buổi gặp mặt những nhân chứng và gia đình nhân chứng vừa được huyện Tiên Phước tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm vượt sông Tranh, cô Ba Sừng và ông Phùng Dương đã có cuộc trò chuyện với người trẻ. Với những người tham gia chiến dịch, điều làm nên kỳ tích chính là lòng trung kiên cách mạng, khát khao cháy bỏng vì độc lập cho quê hương, Tổ quốc.
Anh Nguyễn Ngọc Hà - Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Tiên Phước cho biết, được trò chuyện với các nhân chứng lịch sử là cơ hội quý giá của thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần khơi dậy lòng tự hào cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương.
“Thế hệ trẻ hôm nay khắc ghi công lao của cô Ba Sừng cùng đồng đội không quản hiểm nguy đưa bộ đội vượt sông Tranh. Chúng tôi cảm thấy tự hào về truyền thống quê hương. Sự quả cảm, ý chí cách mạng của thế hệ cha anh là tấm gương soi rọi cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước. Từ đó càng ý thức hơn nữa trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng, sống có ích, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn