Chính thức đưa vào sử dụng tháng 11/2020, ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động được đánh giá là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH.
Thay vì mang thẻ bảo hiểm y tế và nhiều giấy tờ tuỳ thân khác khi đến khám chữa bệnh, nay chị Lê Thị Bích Hoà chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VssID. Chỉ sau vài phút, chị đã hoàn tất thủ tục đăng kí khám chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
“Nó khá thuận tiện vì không cần đến giấy tờ lỉnh kỉnh dễ rơi mất khi đi khám bệnh. Và hữu ích nhất là mình có thể vào bệnh viện bất cứ lúc nào, nhất là trong trường hợp phải cấp cứu” - bà Hoà nói.
Không chỉ nắm rõ lịch sử khám chữa bệnh BHYT, thông qua ứng dụng VssID, người dùng còn dễ dàng theo dõi thông tin về quá trình tham gia BHXH. Từ đó, mọi người dân có thể nắm bắt rõ quá trình thụ hưởng chính sách dành cho mình.
Cùng với triển khai ứng dụng VssID, ngành BHXH triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip càng giúp người dân thuận tiện hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Tính đến hết ngày 27/11/2023, trên địa bàn tỉnh số lượng xác thực lấy số CCCD từ cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1.387.008 trường hợp.
Có 304 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 1.028.896 lượt tra cứu, trong đó có 806.848 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Danh, trong công tác chuyển đổi số, đơn vị đã triển khai các dịch vụ công (DVC) trực tuyến gồm giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng DVC.
BHXH tỉnh Quảng Nam đã rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đẩy mạnh việc ký số trên thiết bị di động...
“Chúng tôi cũng phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam. Toàn tỉnh cấp được 27.625 giấy khám sức khỏe lái xe, 12.750 giấy chứng sinh và 106 giấy báo tử trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT để phục vụ Đề án 06” – ông Nguyễn Thanh Danh cho biết.
Để giúp người dân sớm tiếp cận với môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, Bưu điện Quảng Nam đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bưu điện đã đã tham gia đảm nhận nhiệm vụ tại bộ phận một cửa các cấp, giúp giảm áp lực về biên chế. Hiện nay, Bưu điện Quảng Nam đang bố trí 81 nhân viên tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa 18 huyện, thị xã, thành phố và 19 xã thay thế cho các bộ công chức các sở, ban ngành để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Cá nhân, tổ chức khi đến điểm bưu điện sẽ được nhân viên bưu điện hướng dẫn tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Người dân chỉ đến một lần, sau khi có kết quả nhân viên bưu điện sẽ trực tiếp chuyển phát đến tận nhà.
Ngoài ra, bưu điện đã tiến hành số hoá hồ sơ công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, các bộ phận có liên quan tham gia xử lý hồ sơ đều phải thực hiện qua hồ sơ số này. Đồng thời, tất cả dữ liệu số hoá đó cũng được lưu trữ, tái sử dụng lần sau trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Bưu điện Quảng Nam cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các ứng dụng đảm bảo thuận lợi giúp người dân dễ sử dụng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử để buôn bán, trao đổi.
Cạnh đó, đơn vị cũng đã triển khai hiệu quả các dịch vụ hành chính công, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiếp nhận chuyển giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và chuyển trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
“Năm 2024 được xác định là năm của “kỷ cương, kỷ luật”, với thông điệp “Làm đúng ngay từ đầu”, Bưu điện tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai bám sát các kịch bản kinh doanh của tổng công ty cũng như thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp mới, chuyển đổi số, phấn đấu doanh thu đạt 221 tỷ đồng, bằng 127% so với thực hiện năm 2023” - ông Trần Thanh Bình nói.
- Thưa ông, kết quả tổng quan về chuyển đổi số của chúng ta trong năm qua đạt được như thế nào?
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phạm Hồng Quảng: Trong năm 2023, đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) cấp tỉnh và 11 huyện; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh.
Tháng 10/2023, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam (DC), Mạng diện rộng (SLDWAN) và Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) gọi chung là Trung tâm Tích hợp dữ liệu đã được khánh thành và đưa vào vận hành.
Một kết quả quan trọng của năm 2023 là vào tháng 4/2023, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai thí điểm Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Với hệ thống mới này, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất, sử dụng thống nhất cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả các dịch vụ hành chính công các cấp, thông qua hệ thống hồ sơ điện tử…
Cổng dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp, công khai 1.329 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến gồm 1.237 dịch vụ công toàn trình và 442 dịch vụ công một phần, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76,55%.
Tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống bản đồ giám sát thực thi thể chế của tỉnh tại địa chỉ https://bandotheche.quangnam.gov.vn, cung cấp thông tin giám sát, thống kê đối với các chỉ tiêu về tiến độ giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Với riêng các sở, ngành, công tác chuyển đổi số được thể hiện rõ nét ra sao?
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phạm Hồng Quảng: Trong lĩnh vực y tế, tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành, khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH qua hệ thống giám định điện tử...
Đối với lĩnh vực giáo dục, triển khai hệ thống quản lý trường học ở các trường công lập, đã triển khai CSDL ngành giáo dục đào tạo và hệ thống Trung tâm điều hành giáo dục thông minh – IOC Edu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam.
Lĩnh vực nông nghiệp có Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (Vahis), ứng dụng VRAIN trên điện thoại (http://Vrain.vn), hệ thống quản lý, giám sát rừng tỉnh Quảng Nam, phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân...
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường có phần mềm TMV-LIS hệ thống thông tin đất đai Quảng Nam, hệ thống thông tin môi trường tỉnh Quảng Nam, hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam (iLotusLand). Và đang thử nghiệm phần mềm quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai liên thông điện tử với Dịch vụ công tỉnh và cơ quan thuế...
- Về xây dựng Trung tâm điều hành thông minh và big data đã đạt được những kết quả như thế nào?
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phạm Hồng Quảng: Về triển khai Trung tâm điều hành thông minh, hiện nay, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC). Trong giai đoạn triển khai thử nghiệm, trung tâm được tích hợp 8 lĩnh vực kinh tế - xã hội đảm bảo đáp ứng việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng như việc quản lý dữ liệu của các sở, ngành tổng quát, nhanh, kịp thời.
Về xây dựng kho dữ liệu, big data, Sở Thông tin - Truyền thông đang chủ trì xây dựng kho dữ liệu, cổng dữ liệu mở của tỉnh, dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2024. Cũng trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Danh mục dữ liệu mở tỉnh Quảng Nam với tổng số 14 chủ đề... Sở đã triển khai kết nối các dữ liệu mở trong Danh mục dữ liệu mở tỉnh từ Cổng dữ liệu tỉnh với Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ “https://data.gov.vn”.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Báo Quảng Nam:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn