Cùng tham dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị.
Đây là hội nghị quan trọng để thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Đồng thời quán triệt, dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị…
Được biết, năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ chọn là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo, đến nay, 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến ngày 17/2/2023, Bộ Công an đã phê duyệt 20.081.536 hồ sơ cấp định danh điện tử (đạt 92% so với tổng số hồ sơ được thu nhận). Bộ Công an đã cấp 78.553.494 thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân; đã có 94,03% cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD tích hợp bảo hiểm y tế; 17.518.220 công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn