Thiếu nhân lực
An Mỹ là phường trung tâm của TP.Tam Kỳ nên chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu. Địa phương đã có riêng một nghị quyết về nội dung này. Dựa trên nội dung đề án của UBND TP.Tam Kỳ ban hành, phường An Mỹ đã phân tích, áp dụng những giải pháp sát thực tiễn của địa phương.
Ông Thái Hồng Nhất - Chủ tịch UBND phường An Mỹ cho hay phường đã đầu tư lắp đặt wifi đến nhà sinh hoạt văn hóa khối phố và mua sắm máy tính cấp cho các nhà sinh hoạt khối phố phục vụ công tác chuyển đối số.
Đồng thời, An Mỹ chú trọng công tác tuyên truyền về nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhà bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet thông qua các tổ công nghệ cộng đồng, hội phụ nữ…
“Khó khăn nhất là khâu nhân lực khi một cán bộ phải phụ trách quá nhiều công việc khác nhau. Các thành viên trong tổ công nghệ cộng đồng đã lớn tuổi nên hạn chế trong tiếp cận kỹ năng công nghệ, cũng như trong việc hướng dẫn người dân thực hành” - ông Nhất nói.
Hiện Tam Kỳ đang từng bước triển khai ở cả 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để xây dựng chính quyền số, Tam Kỳ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 qua thiết bị thông minh. Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến đã được UBND thành phố triển khai đồng bộ tại Trung tâm Hành chính công thành phố và 13 xã, phường.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, mục tiêu tổng quát trong công cuộc chuyển đổi số của Tam Kỳ là tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử từ thành phố đến xã, phường và hình thành nền tảng đô thị thông minh. Tập trung xây dựng và hoàn thiện một số cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp.
“Dù đã nỗ lực nhưng Tam Kỳ đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Để khai thác triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm… vào công việc thì Tam Kỳ cần thêm cán bộ chuyên trách để làm chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn” - ông Ảnh nói.
Giải pháp tạo bước chuyển
Tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã thành lập 814 tổ công nghệ cộng đồng tại thôn, khối phố với 3.558 thành viên.
Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua và bán trên các sàn thương mại điện tử cũng như sử dụng những nền tảng số của địa phương…
Còn tại các sở, ban, ngành, địa phương hầu hết đều có có 1 đến 2 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách về CNTT với tổng số là 150 người trên toàn tỉnh, có trình độ đại học, trên đại học chuyên ngành CNTT. Tuy nhiên, theo nhu cầu thực tế vẫn thiếu cán bộ chuyên trách CNTT nên chưa đủ khả năng triển khai các hệ thống ứng dụng tác nghiệp và xử lý sự cố an toàn thông tin.
Để khắc phục hạn chế này, trong những năm qua, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ phụ trách CNTT với các nội dung đào tạo về quản trị, vận hành các hệ thống ứng dụng dùng chung, quản trị trang thông tin điện tử, an toàn bảo mật thông tin, ứng cứu sự cố máy tính...
“Vấn đề nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số là việc cấp bách cần tháo gỡ. Các địa phương cần biên chế cho cán bộ CNTT ở phòng VH-TT. Cán bộ CNTT nên chủ động tự bồi dưỡng, đào tạo các kiến thức, nâng cao tình độ công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại địa phương. Ngoài ra, tranh thủ nguồn lực CNTT của các doanh nghiệp viễn thông và CNTT trên địa bàn để hỗ trợ cho các địa phương để triển khai” – bà Phạm Thị Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Sở TT-TT nói.
Quảng Nam đề ra giải pháp là hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách để thực hiện chính quyền điện tử tại các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có 1 cán bộ lãnh đạo CNTT và tối thiểu 1 cán bộ chuyên trách về CNTT. Xây dựng các cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư, tham gia triển khai đề án trên địa bàn tỉnh.
HOÀNG ĐẠO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn