Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Tô Hiệu - người chiến sỹ cộng sản trọn đời phụng sự cho Tổ quốc

Thứ hai - 07/03/2022 16:22

Tô Hiệu - người chiến sỹ cộng sản trọn đời phụng sự cho Tổ quốc

Lựa chọn con đường cách mạng theo Đảng, đấu tranh vì nước, vì dân, đồng chí Tô Hiệu đã trở thành tấm gương tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam yêu nước chân chính.
132911010405386215 ttxvn to hieu 2

 

Cách đây 78 năm, trái tim người cộng sản trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết Tô Hiệu ngừng đập tại Nhà tù Sơn La (7/3/1944).

Hy sinh khi mới chỉ 32 tuổi, sự ra đi oanh liệt của đồng chí đã góp phần tô thắm lá cờ cách mạng, chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Cuộc đời đồng chí (Tô Hiệu) tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc, cho cách mạng, thật là to lớn."

Lựa chọn con đường cách mạng theo Đảng, đấu tranh vì nước, vì dân, đồng chí Tô Hiệu đã trở thành tấm gương tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam yêu nước chân chính. Đây cũng là minh chứng sinh động về sự phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của lý tưởng cộng sản trong phong trào yêu nước Việt Nam sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Sáng mãi tinh thần Tô Hiệu

Trong cuốn "Tinh thần Tô Hiệu," Đại Tướng Văn Tiến Dũng, người bạn tù của Tô Hiệu, kể lại: “Tuy thể xác bị bệnh lao phổi tàn phá, nhưng đồng chí vẫn vượt lên bệnh tật, tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh. Tinh thần hi sinh tận tụy vì Đảng, vì dân của anh có sức cuốn hút, thuyết phục cám hóa rất lớn. Đồng chí là người thấy, người anh được mọi người tin yêu cảm phục.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), để hình thành nên một “tinh thần Tô Hiệu” ngời sáng như vậy là một quá trình chuyển hóa từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Tô Hiệu. Quá trình này có 4 giai đoạn.

Sinh năm 1912, đồng chí Tô Hiệu lớn lên trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Từ tuổi thiếu niên, mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh như tham gia vào phong trào bãi khóa đòi để tang chí sỹ Phan Châu Trinh (1926).

Vì hoạt động yêu nước đó, Tô Hiệu đã bị buộc phải thôi học. Đây là bước chuyển đầu tiên của Tô Hiệu ở tuổi niên thiếu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương nhận định bước chuyển này hoàn toàn tự nhiên của một người Việt Nam khi được kích hoạt bởi chủ nghĩa yêu nước trong dòng máu của dân tộc.

Bị nhà trường thực dân tại Hải Dương buộc thôi học, đồng chí Tô Hiệu đã lên Hà Nội học tập và tích cực tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh, sinh viên.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, và những đóng góp tích cực, hiệu quả trong phong trào yêu nước, đồng chí đã được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể quần chúng do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập.

Là Hội viên tích cực của Học sinh Đoàn, đồng chí đã hăng hái tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, treo cờ nhân dịp các lễ hội hay kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga... và tham gia đội thanh niên xích vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc đấu tranh. Đây là bước chuyển thứ hai của đồng chí Tô Hiệu khi tự nguyện hoạt động cách mạng có tổ chức lúc bước vào tuổi thanh niên.

Trước sự theo dõi gắt gao của thực dân Pháp, năm 1930, đồng chí Tô Hiệu đã vào Sài Gòn hoạt động.

Do hấp thụ được tinh thần cách mạng của người anh Tô Chấn - thời điểm đó là Đảng trưởng kỳ Bộ Nam Kỳ của Việt Nam Quốc dân Đảng- và được sự động viên, giúp đỡ của anh trai, đồng chí Tô Hiệu đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp với tư cách là đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Có thể nói đây là bước chuyển thứ ba rất quyết liệt, quả cảm của Tô Hiệu khi trở thành một nhà hoạt động chính trị với việc tham gia một tổ chức chính trị theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.

Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, kết án 4 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo.

Tại chính nơi địa ngục trần gian này, đồng chí được tiếp xúc với những chiến sỹ cộng sản thế hệ đi trước như Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Tống Văn Trân, và đã tham gia nghiên cứu, học tập, tiếp thu lý tưởng cộng sản, tích cực hoạt động dưới sự tổ chức chỉ đạo của chi bộ Đảng trong nhà tù.

Năm 1932, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là bước chuyển thứ tư, bước chuyển quyết định đến toàn bộ hoạt động của người chiến sỹ cộng sản tiên phong, để Tô Hiệu có những đóng góp quan trọng cho Đảng và cách mạng nước ta với một “tinh thần Tô Hiệu” tiên phong, dũng cảm.

Năm 1934 ra tù, đồng chí bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Sau đó, đồng chí tìm cách lên Hà Nội để bắt liên lạc với tổ chức, tham gia tái lập hệ thống tổ chức Đảng và khôi phục phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.

Tháng 5/1937, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; tháng 11/1937 được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ.

Đầu năm 1939, đồng chí được cử phụ trách Khu B (sau là Liên tỉnh B), trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng.

Tháng 12/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị giam ở Đề lao Hải Phòng, Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị kết án 5 năm tù, đày lên Nhà tù Sơn La và hy sinh khi mới 32 tuổi.

Đánh giá về sự nghiệp cách mạng tuy ngắn ngủi những rất đỗi vẻ vang cũng như quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị cách mạng của đồng chí Tô Hiệu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương cho rằng quá trình chuyển biến này đã làm sáng tỏ và sâu sắc hơn giá trị tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khi được soi sáng, định hướng bằng học thuyết cách mạng khoa học Marx-Lenin.

Nhà lãnh đạo tài năng, nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đảng

Từ một đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, Tô Hiệu trở thành đảng viên cộng sản ở một chi bộ đặc biệt - chi bộ Chỉ Tồn, chi bộ đảng đầu tiên ở Côn Đảo.

Và chính môi trường “địa ngục trần gian” này đã trui rèn Tô Hiệu thành người cộng sản với những tố chất đặc biệt, là nền tảng để đồng chí trở thành người lãnh đạo tài năng, có nhiều đóng góp lớn cho công tác xây dựng Đảng.
 

ttxvn to hieu 1

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong (giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nếu đúc kết ngắn gọn một điều gì đó về đồng chí Tô Hiệu làm bài học cho cán bộ, đảng viên hôm nay, đó chính là sự sáng tạo, linh hoạt, bản lĩnh, lạc quan, tin tưởng, trên hết là lãnh đạo bằng nêu gương với một tấm lòng vì Đảng, vì dân, vì sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Hình ảnh lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu được thể hiện trên hai phương diện: sáng tạo, linh hoạt, bản lĩnh trong lãnh đạo đấu tranh bãi công kết hợp với tuyên truyền cách mạng; lãnh đạo trong nhà tù đế quốc. Trong vai trò là người lãnh đạo, đồng chí đã có những hoạt động không ngừng bồi đắp, phát triển tổ chức Đảng.

Từ tháng 8/1934 đến khi bị bắt trở lại ngày 1/12/1939, đồng chí Tô Hiệu đã thể hiện hình ảnh một người lãnh đạo cách mạng đầy tài năng.

Trong giai đoạn này, đồng chí đã nỗ lực chắp nối các đảng viên cộng sản ở các nhà tù về và tổ chức các buổi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, truyền cảm hứng cho thanh niên, quyết tâm đi theo con đường cách mạng.

Được giao đặc trách Hải Phòng, đồng chí tập trung lãnh đạo phong trào công nhân; tuyên truyền, giáo dục cách mạng cho lớp trẻ; tổ chức bãi công, biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, tự do lập hội, đấu tranh chống tăng thuế. Lãnh đạo đấu tranh ủng hộ báo chí cách mạng cũng là một hoạt động có ý nghĩa của đồng chí Tô Hiệu trong thời gian này.

Hoạt động báo chí, diễn thuyết, tuyên truyền cùng với đấu tranh bãi công là những “binh chủng” dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu và Thành ủy Hải Phòng đã đem lại nhiều kết quả thiết thực vừa tuyên truyền được chủ nghĩa cộng sản, duy trì, thúc đẩy được phong trào cách mạng, vừa đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo cho Đảng từ thực tiễn.

Trong thời gian lãnh đạo ở Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ cho Đảng như các đồng chí: Trung tướng Hoàng Minh Đạo, Trưởng phòng tình báo đầu tiên; Nguyễn Thanh Bình, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Hoàng Ngân, nguyên Bí thư phụ nữ đầu tiên; Ngô Minh Loan, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực-Thực phẩm…

Sau khi bị địch bắt trở lại vào tháng 12/1939, trong thời gian bị giam ở nhà lao Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã viết xong tất cả chương trình huấn luyện lý thuyết và công tác cách mạng. Ngoài ra, đồng chí còn viết thêm các tài liệu về công tác phụ vận, binh vận.

Bị đi đày ở nhà tù Sơn La với mức án 5 năm tù, lại bị biệt giam và mang trong mình căn bệnh lao, song với bầu nhiệt huyết cộng sản, đồng chí Tô Hiệu luôn trăn trở về việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đồng chí đã lãnh đạo thành lập chính thức Chi bộ Nhà tù Sơn La và lập Ủy ban nhà tù, qua đó duy trì, củng cố tổ chức cách mạng trong quần chúng cả trong và ngoài nhà tù; đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho tù nhân; tạo nguồn phát triển đảng viên mới.
 

ttxvn to hieu 3

Bằng tài năng của mình, đặc biệt là tầm nhìn xa về công tác cán bộ, đồng chí đã tự mình hoặc phân công các cho các đồng chí khác chuẩn bị tài liệu, bài giảng huấn luyện cán bộ; ra các tờ báo cách mạng ngay trong nhà tù, qua đó biến Nhà tù Sơn La thực sự trở thành một trường học cách mạng.

32 tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, liên tục, một nửa thời gian trong số đó hoạt động và đấu tranh cách mạng trong những hoàn cảnh rất đặc biệt khi bị giam giữ ở hai nhà tù với điều kiện hà khắc, nghiệt ngã nhất dưới chế độ thực dân, có thể khẳng định đồng chí Tô Hiệu đã tạo nên một “tinh thần Tô Hiệu” bất tử trong mỗi thế hệ người dân Việt Nam.

Ôn lại lịch sử hoạt động cách mạng của đồng chí để soi rọi hôm nay, để mỗi người Việt Nam chúng ta củng cố niềm tin tuyệt đối vào con đường cách mạng của Đảng, đồng thời cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần cách mạng, chung sức đồng lòng, củng cố đội ngũ, tổ chức Đảng, không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng, hùng cường và hạnh phúc, xứng đáng với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3068 | lượt tải:749

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2209 | lượt tải:746

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2501 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3476 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2868 | lượt tải:781
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây