Giáo dục từ tình huống thực tế
Phòng Tư pháp huyện vừa phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức Hội thi hùng biện “Câu chuyện đạo đức và pháp luật” dành cho học sinh THCS cấp huyện (năm học 2019 - 2020).
Thầy giáo Nguyễn Hồng Tĩnh - Phó trưởng Phòng GĐ&ĐT huyện, cho biết đây là một trong những hoạt động nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho học sinh THCS thông qua các câu chuyện đạo đức, pháp luật được sân khấu hóa một cách linh hoạt, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung chuyển tải các vấn đề về các mối quan hệ của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức và pháp luật của công dân. 40 thí sinh từ các trường THCS đã mang đến các tình huống, câu chuyện hay và ý nghĩa xoay quanh các vấn đề đạo đức, lối sống, cách ứng xử liên quan đến các tình huống, câu chuyện... mà chính các em là người chứng kiến hoặc trải qua. Tiêu biểu như tiểu phẩm “Tảo hôn - Nỗi đau vẫn còn đó; “Đạo làm con”…
Em Alăng Thị Diễm Châu - học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Tây Giang cho biết, để chuẩn bị tham gia hội thi, chúng em đã tập luyện rất kỹ và có sự trợ giúp của các thầy cô về xây dựng kịch bản, chọn diễn viên, trang phục.
“Em rất vui vì đã góp một phần công sức của mình trong việc tuyên truyền nâng cao kiến thức về đạo đức, pháp luật cho học sinh mà ngành giáo dục huyện nhà tổ chức. Qua hội thi, em cũng như các bạn hiểu hơn về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; những tác hại của ma túy đối với học sinh phổ thông hiện nay” - em Châu tâm sự.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Tĩnh nhận xét, qua hội thi, các em đã thể hiện được năng lực thuyết trình, diễn xuất với mục đích làm sao đạt được hiệu quả tuyên truyền tốt nhất. Qua hội thi giúp các em học sinh có ý thức hơn về rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp, sống có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội.
Tuổi trẻ hưởng ứng
Tại Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan) cũng tổ chức chương trình ngày hội “Tuổi trẻ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020”. Tại đây, các đoàn viên, thanh niên, học sinh được cán bộ tư pháp, công an huyện tuyên truyền về an toàn giao thông; tác hại và cách phòng chống ma túy trong học đường. Các em cũng đã thẳng thắn chia sẻ những quan điểm của mình về tác hại của ma túy thông qua hoạt động vẽ tranh và thuyết trình về tác hại của ma túy. Dịp này, các đoàn viên, học sinh ký cam kết thi đua thực hiện cuộc vận động “Ba không với ma túy”.
Tangôn Thị Lem, học sinh lớp 11C3 chia sẻ: “Khi học sinh nghiện ngập sẽ dẫn đến bỏ dở con đường học hành, dễ sa ngã, vi phạm pháp luật. Qua hội thi, mình cũng như các bạn ở đây có thêm kiến thức về phòng, tránh ma túy” - Lem nói.
Theo Đại úy Ngô Văn Thìn - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Tây Giang, hầu hết học sinh phổ thông chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy. Bên cạnh đó, các em còn thiếu kỹ năng sống nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia hút, chích ma túy. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng để các em tránh xa ma túy là việc làm cấp thiết.
Thầy giáo Nguyễn Công Tươi - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công cho hay, từ khi thành lập trường đến nay, nhà trường phối hợp với các ngành chức năng huyện tổ chức quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy như cách nhận biết các chất gây nghiện và nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy; tác hại của ma túy đối với cá nhân, gia đình và xã hội…
“Chúng tôi rất mừng vì hiện nay, các trường phổ thông trên địa bàn huyện nói chung và Trường THPT Võ Chí Công nói riêng chưa phát hiện trường hợp học sinh nào nghiện ma túy” - thầy Tươi nói.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Tư pháp huyện Tây Giang cho biết, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức trong học sinh về tác hại của ma túy, tình hình an ninh mạng; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới... Đồng thời tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu.
“Chúng tôi mong muốn việc nâng cao kiến thức pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của ngành tư pháp mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, để mỗi cán bộ, người lao động, đoàn viên, thanh niên, học sinh chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật và chấp hành tốt pháp luật” - ông Ngọc nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn