Theo lời Phùng Văn Tâm, năm 2012 anh tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, anh làm công việc sản xuất mía đường cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia và Lào với mức lương hơn 600 USD/tháng.
Tuy nhiên, đến năm 2015, dự án của tập đoàn này gặp khó khăn. Công việc dở dang, Tâm về lại TP.Hồ Chí Minh thuê mặt bằng gần trường đại học cũ để thuê mặt bằng mở cửa hàng in ấn.
Tưởng chừng Tâm sẽ gắn bó lâu dài với phố thị, không ngờ khúc rẽ của nghề nghiệp là từ năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát, thành phố thực hiện các biện pháp cách ly không cho tập trung đông người, anh đành chuyển nhượng cửa hàng cho người khác tiếp quản. Một lần nữa, Tâm rời bỏ Sài Gòn.
Cũng năm ấy, Tâm vào phố biển Nha Trang và được người thầy từng giảng dạy anh thời sinh viên giới thiệu vào làm việc cho Trung tâm chuyên ươm giống các loại tôm, cua, cá biển.
Tâm được trung tâm giao phụ trách việc ươm cá bớp giống với mức thu nhập được trả hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Tâm chia sẻ: “Thời sinh viên, tôi may mắn được trang bị khá kỹ kiến thức lý thuyết về sinh hóa, nên khi thực hành ươm giống cá cũng khá thuận lợi, trứng cá nở khá nhiều. Cạnh đó, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ công việc này”.
Năm 2021 - 2022, anh theo đoàn của trung tâm về hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá bớp cho người dân Quảng Nam và Quảng Ngãi. Cũng từ khi về quê công tác, Tâm đã mạnh dạn cải tạo hơn 5.000m² đất vườn nhà để mở trang trại trồng cây ăn quả, rau màu và chăn nuôi ốc bươu đen và lươn không bùn.
Lúc đầu mở trang trại, anh gặp nhiều trở ngại, vì đất bỏ hoang hóa lâu năm, cây dại mọc um tùm, thêm nữa là xa hệ thống kênh mương thủy lợi nên việc lấy nước để thả nuôi con giống, trồng cây không hề đơn giản.
Không nhụt chí nản lòng, Phùng Văn Tâm không ngần ngại bỏ ra hơn 1 tỷ đồng tiền dành dụm và 50 triệu đồng vay được từ Hội Nông dân xã để dốc toàn bộ vào đầu tư hạ tầng, cải tạo trang trại.
Sau khi hoàn thiện mặt bằng, việc tiếp theo là giải quyết bài toán nước sạch. Tâm thuê xe múc đào 4 ao hồ vừa trữ nước và xử lý nước theo vòng tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học. Xung quanh các ao hồ, còn được đào kênh mương chống ngập úng vừa xử lý môi trường.
Có được nguồn nước sạch, Tâm đặt mua trứng ốc bươu đen về tự ấp và lươn giống ở các tỉnh miền Tây về thả nuôi với chi phí khoảng 40 triệu đồng. Cạnh đó, tận dụng nước thải để trồng rong làm thức ăn cho con ốc, kết hợp với rau, củ quả trong vườn nhà để tiết kiệm chi phí đầu tư.
“Sở dĩ, tôi chọn con ốc và lươn vì 2 loài này cho giá trị kinh tế khá cao và dễ tiêu thụ. Thời gian đầu nuôi lươn đem lại thu nhập khá ổn định, nhưng quy trình chăm sóc cầu kỳ, lại ít có thời gian ở nhà nên tôi chọn con ốc để phát triển mô hình đến bây giờ" - anh Tâm nói.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc cẩn thận, con ốc phát triển nhanh và đẻ nhiều trứng. Để chủ động nguồn con giống trong việc thả nuôi, anh đã cho ấp trứng ốc thành ốc non và bán cho khách hàng. Ngoài ra, anh còn xuất bán ốc thương phẩm và ốc giống ra thị trường thu lãi hơn 5 triệu đồng mỗi tháng.
Thời gian đầu tư trang trại, Tâm cũng như một số nông hộ khác được Đoàn Kinh tế quốc phòng 516 đóng tại xã Tam Quang hỗ trợ miễn phí con giống, nhân lực trực tiếp lắp ráp xây dựng chuồng trại.
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp huyện Núi Thành cho biết, trang trại của Phùng Văn Tâm hoạt động khá hiệu quả tính đến thời điểm này, quan trọng là mô hình đã liên kết với nhiều hộ dân cung cấp con giống và hỗ trợ kỹ thuật, giúp cải thiện và tăng thu nhập cho nhiều thanh niên địa phương.
“Hiện tại, Hội Khởi nghiệp địa phương đã hỗ trợ anh Tâm hoàn thiện thủ tục pháp lý thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ sản xuất Trung Toàn. Tâm cũng đang tiếp cận, nếu vướng mắc, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ cho hội viên để công việc được triển khai thuận lợi hơn” - ông Vũ cho biết.
Nguyễn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn