Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dù không rơi vào tình thế suy thoái như một số loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống khác, nhưng bài chòi cũng ít nhiều mai một, mất chỗ đứng trong giới trẻ.
Song vẫn có một nhóm bạn trẻ đi ngược chiều “tìm lại thời gian đã mất”, với bài chòi. Khởi nguồn từ tình yêu với bài chòi qua những câu chuyện kể về văn hóa trong gia đình, Trần Nguyễn Bảo Ngân, học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (quê Cẩm Hà, Hội An) đã kết nối 6 bạn trẻ khác để khởi động “Dự án Mầm chòi lá”. Đến nay, dự án đã kết nối được 39 bạn trẻ thường xuyên sinh hoạt để góp một chút khát khao lan tỏa bài chòi.
Tận dụng quãng thời gian nghỉ hè, nhóm bạn trẻ đến từ các trường THPT trên địa bàn Hội An và một số địa phương lân cận đã hiện thực hóa dự án bằng nhiều hình thức với mục tiêu lớn nhất là làm bài chòi trở nên mới mẻ, sinh động dễ tiếp cận với người trẻ.
Phổ màu lại tươi mới hơn cho các lá bài - bên cạnh một lá bài gốc để bài chòi dễ tiếp cận giới trẻ hơn. Truyền tải những câu chuyện sinh động đằng sau những lá bài vừa sát với tư liệu vừa hóm hỉnh.
Dù là mô hình tự phát của học sinh, “Mầm chòi lá” vẫn thiết kế được quy trình hoạt động khá bài bản. Đầu tiên, các bạn tỏa đi trò chuyện với các cô chú nghệ nhân, nghiên cứu tư liệu, cùng với ký ức bài chòi từ bé để viết ra những câu chuyện có màu sắc truyền miệng, dân gian.
Tiếp theo, nhóm phỏng vấn để có nhiều góc nhìn khác nhau về bài chòi của nhiều đối tượng: người trong nghề, các bạn trẻ và cả các thành viên tham gia dự án. Từ đó, chuyển tải thành video hoàn chỉnh làm tư liệu và để mọi người có nhu cầu hiểu thêm về bài chòi.
Một phần việc khác mà nhóm thực hiện được là thu thập các thông tin sâu về bài chòi để cung cấp một góc nhìn mới cho cộng đồng về các làn điệu, trong đó có nghiên cứu tư liệu ở nước ngoài nhận định về bài chòi. Và cuối cùng là tổ chức 2 sự kiện trực tiếp tại Khu phố cổ Hội An để lan tỏa bài chòi đến công chúng.
Huỳnh Thị Thảo Vân, học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (quê xã Duy Vinh, Duy Xuyên), thành viên phụ trách nội dung của dự án cho biết: “Kịch bản các chương trình được cơ quan quản lý văn hóa địa phương hỗ trợ chỉnh sửa rất nhiều, do đó sự kiện vừa trao đi góc nhìn mới mẻ hơn về bài chòi đồng thời vẫn giữ được các nội dung lõi quảng bá theo cách truyền thống lâu nay”.
Sự kiện trực tiếp với bài chòi cùng những gian hàng trò chơi dân gian đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách trong và ngoài nước. Trẻ em địa phương cũng rất hứng thú khi được vẽ tranh, chơi trò chơi dân gian phụ trợ. Được biết, các hoạt động liên tục sẽ tạm kết thúc để các bạn tập trung cho năm học mới. Nhóm vẫn sẽ cố gắng hoạt động qua hình thức online để duy trì “Dự án Mầm chòi lá” trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn