Mạng xã hội lan truyền câu chuyện một chàng trai chạy xe công nghệ dù hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng hằng ngày, không kể nắng mưa vẫn đi dọc các tuyến đường ở TP.Hội An và TX.Điện Bàn (Quảng Nam) để giúp những người dân gặp sự cố khi xe bị thủng săm, hết xăng.
Chàng trai trong câu chuyện là Đào Anh Thắng (20 tuổi, ở xã Điện Thọ, TX.Điện Bàn). Thắng là anh trai đầu trong gia đình 4 anh em. Năm Thắng 6 tuổi thì cha mẹ ly hôn. 3 đứa em của Thắng được cha mẹ chia nhau nuôi dưỡng; riêng anh ở với ông bà ngoại. "Học hết lớp 12, biết bản thân không đủ điều kiện để tiếp tục học lên nữa nên em xin phép nghỉ học để đi làm phụ giúp ông bà", Thắng kể.
Khuya 19.7, khi Thắng cùng một người bạn đang đi giúp đỡ người dân bị thủng săm xe thì không may bị một xe máy khác tông trúng khiến xe bị hư, và câu chuyện từ đó được chia sẻ trên mạng.
Ít ai biết, dù vất vả mưu sinh nhưng chàng trai 20 tuổi này lại là người thành lập ra "biệt đội" hỗ trợ xe máy có tên "SOS Điện Bàn" ra đời khoảng 4 tháng nay, với nhiệm vụ sửa xe miễn phí, mở đường xe cấp cứu hỗ trợ những trường hợp khẩn cấp khác vào đêm khuya. "Một hôm em đi làm về khuya, lúc đó cũng hơn 23 giờ thì thấy một chú đang dắt xe bộ vì hết xăng nên em đã chạy đi mua xăng giúp. Hỗ trợ chú ấy xong, em tiếp tục chạy về nhà ở Điện Thọ thì gặp một cô cũng đang dắt bộ vì xe bị thủng lốp, sẵn có đồ nghề trong xe nên em vá giúp cô ấy. Nhận được những lời cảm ơn từ các cô chú em thấy rất vui, từ đó em quyết định phải thành lập một đội hỗ trợ xe máy trong đêm", Thắng nói về cơ duyên.
Thời gian đầu Thắng đi dọc các tuyến đường để hỗ trợ bà con. Nhưng sau đó, khi thấy nhiều người cần hỗ trợ nhưng một mình không thể kham nổi nên Thắng đã kêu gọi thêm nhiều bạn bè tham gia, đến nay "biệt đội" SOS Điện Bàn đã có hơn 10 thành viên. Họ nhiều lứa tuổi, đa phần từ 19 - 30 tuổi làm đủ nghề. Mỗi người một việc nhưng đêm xuống họ lại có một nghề chung, đó là nghề "giải cứu xe hỏng". Thời gian giải cứu bắt đầu từ 18 giờ đến 0 giờ sáng hôm sau.
Trung bình mỗi đêm, đội nhận được thông báo cứu hộ từ 6 - 8 người, những hôm đông có khi lên tới 20 người. Hoạt động vào ban đêm, để đề phòng trường hợp gặp rủi ro, đội thường chia ra mỗi ca cứu hộ sẽ có ít nhất 2 thành viên cùng đi. Khi nhận được điện thoại từ những người gặp sự cố, các thành viên sẽ tự phân công theo địa bàn, ai ở gần nhất thì sẽ được điều động đến.
Tiền lương đi làm nhà hàng Thắng sẽ đưa cho bà ngoại trang trải cuộc sống; riêng tiền chạy xe ôm thì sẽ dùng để mua săm, lốp xe hỗ trợ bà con. "Hỏng xe ban ngày thì rất dễ dàng nhận được sự hỗ trợ, tuy nhiên vào đêm khuya thì khác, có khi phải dắt bộ 5 - 10 cây số mới về đến nhà. Việc vá săm xe sẽ hoàn toàn miễn phí. Riêng thay săm xe thì chúng em chỉ lấy giá 60.000 đồng/săm, ai hoàn cảnh khó khăn thì sẽ miễn phí luôn. Xe hỏng hãy gọi SOS Điện Bàn và hãy trả phí bằng nụ cười của bạn", Thắng chia sẻ.
Trần Phước Tùng (18 tuổi), thành viên của "biệt đội" cho hay đa số những kỹ thuật thay săm, lốp, vá săm đều do các thành viên tự học, tự mày mò trên mạng rồi hỏi người có kinh nghiệm xung quanh. "Sau khi hỗ trợ nhận được lời cảm ơn từ mọi người tự nhiên tinh thần mình phấn chấn hẳn lên. Nhiều người được hỗ trợ khi về đến nhà an toàn đã tiếp tục gọi điện cảm ơn mình như được tiếp thêm sức mạnh", Tùng hồ hởi nói.
MẠNH CƯỜNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn