Tình nguyện vì quê hương
Những năm qua, Thăng Bình trở thành điểm sáng trong việc huy động đông đảo thanh niên tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện có 15 câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm được thành lập và duy trì tổ chức nhiều hoạt động phong phú, khẳng định được vai trò của mình, nhất là tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Trong đó, nổi bật là CLB Thiện nguyện Phan Đức (xã Bình Trị, Thăng Bình) với các mô hình hướng về khu vực khó khăn như “Cõng điện lên non”, “Cầu treo dân sinh”, “Dẫn nước về bản”, “Bữa ăn yêu thương” ở vùng cao... với tổng các chương trình gần 900 triệu đồng. Hay mới đây, khi đồng bào miền Bắc bị thiệt hại sau cơn bão số 3, CLB này đã vận động hơn 400 triệu đồng để hỗ trợ.
Cùng với vai trò của các CLB, đội, nhóm, những năm qua, Hội LHTN Việt Nam cấp huyện và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức đồng loạt chương trình “Tình nguyện mùa đông - Xuân tình nguyện” với nhiều công trình, phần việc hiệu quả, thiết thực.
Các cấp hội đã trao tặng hơn 21.920 suất quà với kinh phí hơn 12 tỷ đồng cho hộ nghèo, khó khăn; thực hiện 15km công trình “Thắp sáng đường quê”; sửa chữa 31km đường giao thông nông thôn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 7.180 lượt người; trao sinh kế cho 175 hộ thanh niên vươn lên thoát nghèo... Thống kê, tổng kinh phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng.
Cạnh đó, các cấp hội đã vận động hơn 37.185 hội viên thanh niên tham gia hiến 35.709 đơn vị máu. Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng “Hiến máu Quảng Nam” để phục vụ nhu cầu hiến máu trong trường hợp khẩn cấp.
Sáng tạo, tiên phong
Những năm qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành phong trào, lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên. Thông qua cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh” đã tìm kiếm 250 ý tưởng, dự án trong thanh niên. Tại Duy Xuyên hiện có 19 doanh nghiệp trẻ, 11 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, hơn 50 hộ kinh doanh, mô hình khởi nghiệp tiêu biểu do thanh niên làm chủ.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong khởi nghiệp, nhiều năm qua, Hội LHTN Việt Nam huyện Duy Xuyên đã hỗ trợ các thanh niên khởi nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; kết nối thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm sáng tạo của mình trên các nền tảng số.
Với hành trình “Chuyến xe khởi nghiệp online”, Hội LHTN huyện đã giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả của thanh niên, được phát hàng tháng trên Fanpage Tuổi trẻ Duy Xuyên và kênh Youtube Huyện đoàn Duy Xuyên. Qua đó đã truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tin và tinh thần dám nghĩ dám làm cho những thanh niên đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp.
Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, để kịp thời hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các cấp hội duy trì, củng cố hoạt động của các hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, CLB thanh niên khởi nghiệp tại 18 huyện, thị xã, thành phố.
Đồng thời tổ chức được 4 diễn đàn khởi nghiệp cấp tỉnh và 129 diễn đàn, hội thảo khởi nghiệp cấp huyện; tổ chức 4 hành trình chuyến xe khởi nghiệp, 160 hoạt động tập huấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, duy trì hiệu quả chương trình cà phê khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp…
Đáng chú ý, kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư khởi nghiệp hỗ trợ 334 dự án khởi nghiệp của thanh niên với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng.
“Chiếm số lượng lớn trong thanh niên là thế hệ “gen Z” (sinh từ năm 1997 - 2012). Đây là thế hệ có sự thích ứng cao với công nghệ số, linh hoạt thay đổi theo điều kiện môi trường sống và có khả năng sáng tạo, dám chấp nhận đương đầu với thử thách.
Phát huy lợi thế này, những năm tới, Hội LHTN tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức và phát huy vai trò thanh niên trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời sẽ tạo môi trường để hội viên, thanh niên đề xuất các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy và học; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kinh tế số vào lao động, sản xuất, kinh doanh. Tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm giúp thanh niên đưa các sáng kiến, phát minh, sáng chế ứng dụng vào thực tế” - anh Thanh cho biết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn