Tất bật
Anh Lê Cảnh Thịnh (thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, Phú Ninh) vốn làm giáo viên tiếng Anh hợp đồng tại một trường học, tuy nhiên khi hợp đồng hết hạn anh phải đôn đáo tìm việc làm thêm.
“6 giờ là mình bắt đầu đi làm gia sư, 19 giờ lại soạn bài vũ đạo, tập và quay video gửi tới công ty. Còn những ngày cuối tuần thì tranh thủ chụp ảnh cưới và nhận biên đạo múa cho các đơn vị, tổ chức. Quần quật như thế nhiều lúc cũng đuối sức, căng thẳng và mệt mỏi” – anh Thịnh nói.
Anh Thịnh cho biết thêm, khi chưa thi được biên chế, làm giáo viên hợp đồng thì hết thời hạn phải chuyển công tác. Thuận lợi thì xin tiếp được ở trường khác còn không, sẽ thất nghiệp. Do đó, những nghề phụ kèm lại là nguồn sống của gia đình anh.
Tương tự, Nguyễn Quốc Vương luôn tất bật với công việc từ 7 giờ đến tận 24 giờ. Công việc chính hiện tại của Vương là sale smarthome tại một công ty chuyên nội thất. Hết giờ làm tại công ty này, Vương về nhà bán hàng online trên các sàn điện tử để kiếm thêm thu nhập. Các mặt hàng như dụng cụ tập thể thao street workout, loa kéo, máy nghe nhạc được anh mua về lắp ráp rồi bán lại, hoặc tự mình chế tạo ra.
“Thời điểm dịch COVID-19 công việc sale smarthome bấp bênh lắm, và do xu hướng mua hàng qua mạng phát triển nên việc bán hàng online thuận lợi hơn đã giúp mình có thêm thu nhập đáng kể” - Vương cho biết.
Những con người tràn ngập sức trẻ bôn ba đủ nghề với đời như anh Thịnh, anh Vương không còn hiếm trong thời buổi khó khăn hiện nay. Bên cạnh công việc chính, những bạn trẻ khác cũng luôn biết cách “tiêu dùng” thời gian chính đáng để nâng cao thu nhập cho mình.
Tự tạo cơ hội tìm việc bằng nhiều kỹ năng
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu các công ty chuyển hướng thuê dịch vụ bên ngoài, cắt giảm nhân sự làm toàn thời gian, chuyển hướng thuê lao động làm việc bán thời gian hoặc chỉ giữ lại các lao động cốt cán, tài năng.
Để được nhận vào làm việc tại môi trường tốt thì lao động không chỉ dựa vào tấm bằng tốt nghiệp chuyên môn mà phải có lý lịch “đẹp”. Để đáp ứng yêu cầu các nhà tuyển dụng lao động, người trẻ hiện nay lăn xả làm nhiều nghề không chỉ vì tăng thu nhập mà còn trau dồi kỹ năng, tăng thời gian kinh nghiệm làm việc… để CV hoàn hảo.
Nguyễn Thị Nhật Ánh (xã Bình Triều, Thăng Bình) là một trường hợp như vậy. Trong thời gian là sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, Ánh làm thêm việc viết nội dung, đăng bài fanpage, làm trợ giảng cho trung tâm tiếng Anh ILA (Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Đồng thời, thực tập sinh tại cơ quan Đại sứ quán Mỹ, Úc, Liên hợp quốc và cộng tác viên tại Đài truyền hình Việt Nam...
“Còn trẻ nên cứ thử làm nhiều việc, hết mình với những điều mình muốn, mình đam mê. Nhiều nghề để có thể tạo dựng mối quan hệ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để làm bước đệm cho khi đi xin việc. Tất nhiên chạy nhiều việc trong ngày thì cũng rất áp lực, đuối sức nên phải biết đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý” - Ánh chia sẻ.
Lê Cảnh Thịnh cho rằng dịch COVID-19 và giai đoạn khó khăn hiện nay như một phép thử đối với tuổi trẻ. Nếu đủ sức đối mặt với suy thoái kinh tế, lương thấp và tìm cách vượt qua sẽ giúp họ trưởng thành, có thu nhập nuôi sống bản thân.
“Không mặc cảm hay tự ti nghề này nghề nọ gì cả miễn là lao động chân chính, nên gia sư, bán quán nhậu, làm phục vụ nhà hàng, cà phê… tôi đã trải qua hết! Và thành quả lớn nhất là thu nhập từ nhiều nghề khác nhau giúp tôi chăm lo tốt cho bản thân và mẹ của mình” - Lê Cảnh Thịnh nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn