Nhiều mô hình hiệu quả
Từ sở thích nuôi động vật, chàng thanh niên Phạm Tấn Thương (SN 1997, thôn Trung Đàn, xã Tam Đại) đã gắn bó và quyết tâm khởi nghiệp với nghề nuôi thỏ. Khởi đầu chỉ nuôi 1 cặp làm cảnh, nhưng thấy thỏ lớn nhanh, dễ chăm sóc, Thương có động lực nuôi nhiều hơn. Được người bạn chia sẻ kinh nghiệm, Thương càng đam mê và tăng dần đàn thỏ. Sau tết năm 2020, Thương nghỉ hẳn công việc làm công nhân tại công ty để dồn tâm huyết cho đàn thỏ của mình.
“Thời gian đầu, mình gặp nhiều khó khăn do chưa nắm được hết đặc điểm sinh trưởng của loài thỏ, chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên thỏ con sinh ra mắc bệnh cầu trùng, tiêu chảy chết nhiều. Đã Nhưng không bỏ cuộc, em học hỏi từ người quen và trên mạng internet để tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng bệnh. Dần dần, hiểu được tập tính và chăm sóc tốt, đàn thỏ cứ thế tăng dần số lượng" - Thương kể lại.
Thương chia sẻ, không giống như nuôi heo, gà, vịt... dịch bệnh trên thỏ ít khi xảy ra, nếu có thì cũng ở mức độ thấp, không lây lan và không gây thiệt hại nhiều. Hơn nữa, thỏ là loài vật dễ chăm sóc, thịt thơm ngon, bổ dưỡng, được người dùng yêu thích, thị trường ổn định.
Đam mê nuôi thỏ nên hàng ngày Thương tự tay chăm sóc đàn thỏ của mình, từ việc khử trùng, vệ sinh trang trại, phối giống, chăm sóc thỏ hậu bị, thỏ con...
Đến nay, Thương đã xây 2 khu chuồng trại rộng khoảng 350m2, với hơn 1.000 thỏ, trong đó gồm thỏ hậu bị, thỏ thịt và thỏ con. Với mức giá dao động từ 85-150 nghìn đồng/kg thỏ thịt, 130-150 nghìn đồng/kg thỏ hậu bị và 1 cặp thỏ con có giá khoảng 200 nghìn đồng, hàng tháng đều mang lại thu nhập ổn định. Mỗi năm sau khi trừ đi chi phí lãi hơn 150 triệu đồng.
Hay mô hình nuôi cá ba sa và ốc bươu đen của anh Trương Công Yên (SN 1988, thôn Đại An) cũng đang mang lại hiệu quả. Sau nhiều năm làm xây dựng, anh Yên nhận thấy cần có một công việc ổn định hơn. Sẵn có ba mẹ làm nghề buôn bán cá, phải thu mua khắp nơi nên anh nghĩ ngay đến việc nuôi cá. Anh bắt tay cải tạo lại ao của gia đình để nuôi cá ba sa.
“Thời gian đầu, tôi nuôi bằng bột nên không có lợi nhuận vì giá bột quá cao. Suy nghĩ tìm cách, sau đó tôi tìm thấy nguồn thức ăn mới là thức ăn thừa (cơm, canh...) và bả đậu. Kết hợp bột với nguồn thức ăn này, chi phí đã giảm xuống rất nhiều, thu lợi nhuận rõ rệt, cá cũng thơm ngon hơn” - anh Yên chia sẻ.
Hàng ngày, hai vợ chồng anh thay nhau đến các xí nghiệp, công ty có nhiều công nhân trên địa bàn huyện để xin phần thức ăn thừa về cho cá ăn. Kiên trì, chịu khó, đàn cá phát triển nhanh, chỉ sau vài tháng đã cho thu hoạch. Hiện anh đang nuôi 1 hồ cá thương phẩm và 1 hồ cá giống khoảng 1.000m2, xuất bán hàng ngày.
Không dừng lại ở đó, anh Yên lặn lội vào Quảng Ngãi để học tập phương pháp nuôi ốc bươu đen, cách lấy trứng, ấp trứng ốc... Thấy khả thi, anh thuê thêm đất để nuôi ốc bươu trong hồ đất.
Không chỉ có ốc thương phẩm với giá bán 60-70 nghìn đồng/kg, anh còn bán trứng ốc bươu đen, với giá 500-700 nghìn đồng/kg. Hiện mỗi ngày, anh có thể thu từ 2-3kg trứng ốc bươu đen. Mỗi năm thu nhập sau khi trừ đi chi phí hơn 200 triệu đồng.
“Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc, cá cho những ai có nhu cầu, nhất là các bạn trẻ có chí hướng làm ăn. Mong các bạn kiên trì, chịu khó và không nhụt chí khi gặp phải khó khăn trước mắt” - anh Yên nói.
Trên địa bàn xã Tam Đại còn rất nhiều mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên như nuôi thỏ, dúi, ốc bưu đen, cá, ếch, nuôi bò 3B, trồng chuối cấy mô, nấm rơm, làm sản phẩm ngũ cốc... Mỗi người mỗi hướng đi nhưng tất đều có ý chí, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tiếp sức cho thanh niên
Chị Bùi Thị Ánh Tuyết - Bí thư Đoàn xã Tam Đại cho biết: “Thanh niên địa phương chí thú làm ăn, phát triển kinh tế là một điều rất đáng mừng. Điều đáng trân trọng hơn khi mọi người đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển”.
Theo chị Tuyết, trước đây, cũng có nhiều anh chị có mô hình kinh tế nhưng nhỏ lẻ, manh mún, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay hay đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, Đoàn xã đã đứng ra kết nối, tập hợp những thanh niên đã có mô hình kinh tế tại địa phương thành lập nên câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế.
“Đây là nơi kết nối những thanh niên có đam mê khởi nghiệp, đồng thời cũng là nơi để các anh chị có thể giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, địa phương cũng nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng để tìm hướng hỗ trợ phù hợp. Nhiều nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh đoàn thanh niên đã được ưu tiên hỗ trợ, hay những chuyến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã được tổ chức. Chính sự quan tâm, động viên thường xuyên giúp các bạn trẻ có thêm động lực làm ăn, phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của địa phương” - chị Tuyết chia sẻ.
Hiện câu lạc bộ có 16 thành viên đều là những thanh niên đã có mô hình kinh tế hiệu quả. Thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục quan tâm, động viên thanh niên, tạo những điều kiện tốt nhất để tiếp sức thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương. Và đây cũng là một cách tập hợp thanh niên hiệu quả tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn