Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Thu Phương nói sẽ quyết tâm vượt qua để đặt chân vào giảng đường đại học, cố gắng tìm mọi cách để hiện thực ước mơ. “Mình sẽ không bỏ cuộc” - Phương bày tỏ quyết tâm.
Suốt 12 năm học, Phương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi là minh chứng cho những nỗ lực của “cô bé lọ lem” này. Nhà Phương ở tận thôn Thanh Sơn (xã Bình Định Nam, Thăng Bình), giữa bốn bề núi của một làng quê nghèo. Tinh thần vượt khó giúp Phương có thêm nghị lực, nhiều năm nay, Phương trở thành tấm gương sáng để các bậc phụ huynh hướng cho con cái noi theo.
Tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thu Phương đạt kết quả khá cao với 26,6 điểm các nội dung xét tuyển khối A1 (trong đó, toán 8.8; lý 8.0 và Tiếng Anh 9.8). Với số điểm này, Phương dự tính nộp hồ sơ vào ngành Kinh doanh thương mại (Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh). Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cánh cửa giảng đường của Phương cũng đang đứng trước nguy cơ khép lại.
“Sau khi biết điểm thi của mình, thầy cô, bạn bè và người thân liên tục gọi điện chia vui. Đạt được kết quả tốt trong học tập mình rất vui nhưng không khỏi lo lắng bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn để có thể theo đuổi ước mơ” - Phương ngậm ngùi.
Phương cố nén cảm xúc bằng nụ cười phảng phất buồn. Nụ cười thật khác lúc chúng tôi vừa ghé nhà. Thời điểm đó, Phương đang tất bật với công việc gia đình. Là chị gái đầu nên lúc nào ở nhà Phương cũng phụ giúp cha mẹ, hỗ trợ em làm bài tập. Những ngày gần đây, mặc thời tiết nắng nóng, Phương vẫn ra đồng cắt cỏ, khiêng từng bó rơm khô mang về làm thức ăn cho bò.
Ông Đỗ Văn Đường (63 tuổi, cha của Phương) tâm sự, thương cha mẹ vất vả, Phương nỗ lực học thật giỏi, mong sau này sẽ góp sức đỡ đần. “Sắp tới cháu vào đại học, nhà tôi không có gì đáng giá ngoài con bò và mấy sào ruộng. Vì thế, chắc phải bán con bò để làm lộ phí thời gian đầu cho cháu vào trong đó (TP.Hồ Chí Minh - PV) học tập” - ông Đường bộc bạch.
Dù đang làm thuê ở TP.Đà Nẵng không thể về quê do thực hiện quy định phòng chống dịch Covid-19, nhưng hay tin con đỗ vào đại học, bà Huỳnh Thị Nga (59 tuổi) không giấu được niềm vui.
Bà Nga nói qua điện thoại, rằng sẽ dành dụm số tiền ít ỏi kiếm được để góp cho con hiện thực ước mơ vào giảng đường. Sắp tới, khi vơi dịch, bà sẽ theo con vào trong Nam để kiếm thêm công việc hỗ trợ con trang trải cuộc sống. “Chỉ cần con quyết tâm học tập, dù phải làm thuê, dù có vất vả đến mấy, mẹ cũng sẽ theo con đến cùng” - bà Nga động viên con gái.
Phía ngõ, đã thấy một vài bạn thân của Thu Phương tìm đến nhà chúc mừng…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn