Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ!

Thứ tư - 19/05/2021 09:41
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đối với các bậc chí sĩ, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Quảng Nam nói riêng. 

Đáp lại tình cảm của Người, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Quảng Nam luôn một lòng theo Đảng, theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn. Đặc biệt, luôn luôn học tập, noi gương Người để góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ!

 

 

Từ năm 1901, tại Huế diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ) và cụ Phan Châu Trinh, sự gặp gỡ đó đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ. Rồi những năm 1908 - 1909, Lê Đình Dương - người con của quê hương Quảng Nam đã vinh dự được học với Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) ở Trường Quốc học Huế và họ trở thành bạn tâm giao.

Sau khi cùng Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình chống thuế tại Huế, Lê Đình Dương đã đưa Nguyễn Tất Thành về thăm quê ở La Kham (Điện Bàn) và Hội An. Chuyến thăm này để lại những tình cảm đẹp đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

 
 
 
 
 

Từ đó, Nguyễn Tất Thành luôn quan tâm và có những đánh giá, nhận xét rất chính xác về con người, những sự kiện phong trào yêu nước cách mạng ở Quảng Nam. Năm 1908, phong trào chống thuế ở Trung kỳ nổ ra, mà Quảng Nam là điểm khởi phát đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Sau này, khi viết bài tố cáo, lên án chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương và sự phản kháng của nhân dân An Nam, đăng trên báo Nhân đạo, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn ra vụ nổi dậy của nhân dân Trung Kỳ năm 1908: “Buộc phải bị kìm chế bởi sức mạnh, nhân dân An Nam, mà lịch sử chân chính đã khởi đầu từ hơn 3.000 năm, từng lúc, từng lúc như có những đợt cồn cào chống đối, biểu hiện bằng những mưu toan nổi dậy rộng khắp hoặc bằng hành động của những con người tuyệt vọng, như những cuộc biểu tình ôn hòa năm 1908… Đó là những cuộc phản kháng vô hiệu mà mỗi lần đều đem lại những trận càn đẫm máu”.

Năm 1926, cụ Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn, đám tang cụ được tổ chức trọng thể ở 3 kỳ với sự tham dự đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Ngưỡng mộ, kính trọng tài năng, đức độ của cụ Phan, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Năm 1926, có một sự kiện thức tỉnh toàn quốc tiếp theo cái chết của nhà quốc gia chủ nghĩa lão thành Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức truy điệu… ở An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ”.

 

Tháng 5.1939, Phan Thanh - nhà trí thức cách mạng Quảng Nam mất. Đám tang của ông được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Mến mộ tài năng, tinh thần yêu nước của Phan Thanh, trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương, Người viết về Phan Thanh có đoạn: “… anh Phan Thanh, một trong số đảng viên xã hội chết. Dân chúng tổ chức đám tang rất trọng thể. Đám tang có 153 vòng hoa, có đại biểu 14 tỉnh về dự, dài trên 2km, với 110 bức điện viếng, chưa bao giờ có đám tang nào lớn như thế tại Hà Nội”.

 

Hưởng ứng phong trào bình dân học vụ,  cụ Nguyễn Ban, quê xã An Tường, huyện Thăng Bình, 77 tuổi, chỉ trong 3 tháng đã học xong chữ quốc ngữ, trở thành tấm gương tiêu biểu của phong trào. Biết tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cảm ơn cụ Nguyễn Ban. Trong thư có đoạn: “Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam… Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ lan truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ “lão dương ích tráng” (già mà chí khí lại càng mạnh). Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa”.

 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam, Người hay nhắc đến tính “hay cãi” của người Quảng Nam và ghi nhận “Quảng Nam đất cách mạng kiên cường”. Người cũng rất quan tâm đến các nhân vật người Quảng Nam trong lịch sử như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Thanh, Nguyễn Văn Trỗi… Bác gọi Hoàng Diệu “cùng thành còn mất làm gương để đời”, gọi Trần Quý Cáp là “nhà nho thanh cao”.

Trong phiên họp Chính phủ Quốc hội khóa I năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao về tài năng, đạo đức cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Người nói: “Con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”. Người còn nhận xét: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan,… cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

 
 

Còn đối với Lê Văn Hiến, Bác nói: “Ông Lê Văn Hiến là một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở tù tội của đế quốc”.

Đặc biệt trước sự hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi, Người viết: Vì Tổ quốc, vì Nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh, chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước nhất là các cháu thanh niên học tập”.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều người con Quảng Nam vinh dự được làm việc bên Người như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Lê Văn Hiến, Lê Thị Xuyến… Rồi những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam ra miền Bắc học tập, công tác… có dịp được gặp Bác, được ăn cơm với Bác. Người luôn căn dặn, chỉ bảo cán bộ chiến sĩ về phương pháp, nghệ thuật trong hoạt động cách mạng...

 

Tháng 4.1946, trước khi lên dường sang Pháp, Người giao cho cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước với phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; căn dặn Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo) khi đổi mới nghệ thuật tuồng “đừng có biến vừng ra ngô”; căn dặn Hà Văn Tính tư cách của người cán bộ là “không được làm quan cách mạng”. Không chỉ vậy, người còn căn dặn những nhiệm vụ và phương pháp làm việc cụ thể với nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Người căn dặn đồng chí Cao Hồng Lãnh về công tác vận động, huấn luyện cán bộ người dân tộc thiểu số, hướng dẫn phương pháp viết báo cách mạng; đối với đồng chí Lê Văn Hiến, Người căn dặn về công tác tài chính; với đồng chí Nguyễn Thị Bình về những đức tính người làm công tác ngoại giao, cũng như những kinh nghiệm, phương châm trong công tác ngoại giao…

 
 
 
 
 

Đáp lại tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam đã có nhiều phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, không lâu sau ngày 28.3.1930 Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Quảng Nam đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đặc biệt, trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là một trong 4 tỉnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

 
 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Quảng Nam tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Người trong các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, năm 1954, nhằm phối hợp với chiến trường khu 5 và Mặt trận Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định đẩy mạnh tấn công địch trên khắp địa bàn tỉnh. Ngày 20.7.1954, quân dân Quảng Nam đã đập tan cứ điểm Bồ Bồ (xã Điện Tiến, Điện Bàn). Chiến thắng Bồ Bồ được coi là trận “Điện Biên Phủ” ở chiến trường khu 5, góp phần buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập của 3 nước Đông Dương.

 
 

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam luôn một niềm tin theo Đảng, theo Bác. Trong những ngày ác liệt nhất từ 1954 - 1959, với chính sách tố cộng diệt cộng vô cùng ác liệt của Mỹ Diệm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng được giữ vững chuẩn bị cho thời kỳ mới. Ở miền núi phong trào cách mạng được giữ vững và là căn cứ địa hoạt động, nơi che chở đùm bọc cho cán bộ Tỉnh ủy, Khu ủy hoạt động. Trong những ngày này nhân dân miền núi Quảng Nam, Quảng Đà luôn hướng về Người với tình cảm thiêng liêng nhất, luôn đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ hình ảnh của Đảng, hình ảnh Bác Hồ. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960), từ vùng núi xa xôi Chi bộ Vùng Ta Ngool, xã La Êê, huyện Nam Giang đã viết bức thư gửi Bác Hồ, chúc mừng Đại hội.

 

Sau Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng ở Quảng Nam nhanh chóng phát triển, các phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp chính trị và binh vận, phát động quần chúng nổi dậy giành lại nông thôn, đồng bằng, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa vũ trang làng Ông Tía, Hiệp Đức, giải phóng Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh… Đỉnh cao là chiến thắng Núi Thành (đêm 25 rạng 26.5.1965) đã trả lời câu hỏi: ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ. Với thắng lợi này, Quảng Nam được Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đây là nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi của Đảng và dân tộc ta.

 
 

Để tỏ lòng thương tiếc, “biến đau thương thành hành động”, nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà bất chấp sự kìm kẹp của kẻ thù, luôn bày tỏ tình cảm của mình bằng nhiều hình thức như lập bàn thờ Bác, lập sổ đăng ký giữ vững lời thề “mãi là dân Cụ Hồ”, quyết lập nhiều chiến công mới. Tại khu vực sông Tranh, tỉnh Quảng Nam, ngày 9.9.1969 đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 đọc điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 

Tại nhà lao Hội An, 6 chị em chính trị đã thêu bài thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ và bí mật chuyển ra bên ngoài, đến năm 1971 tấm khăn thêu này được mang ra tặng Đại hội Đảng bộ thị xã Thanh Hóa kết nghĩa.

 

Đặc khu ủy Quảng Đà và Tỉnh ủy Quảng Nam mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Bác” nhằm quán triệt và xây dựng lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Với phương châm “Hai chân, ba mũi giáp công”, bằng nhiều chiến công vang dội, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà đã góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

 
 

Sau khi Người từ trần, để bày tỏ tình cảm kính yêu đối với Người, Đảng bộ, quân dân Quảng Nam, Quảng Đà đã gửi những thước gỗ quý, đá Non Nước, Vàng Bồng Miêu, Cây Lòn Boon, Cây Quế… là những sản vật Quảng Nam vượt cả ngàn cây số đường Trường Sơn ra Hà Nội góp phần xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao của Người, đồng bào các dân tộc miền Núi Quảng Nam cũng đã lấy tên Người làm họ của dân tộc mình đó là họ “Hồ” và tổ chức giỗ Bác vào dịp ngày Quốc khánh 2.9 hàng năm, xây tượng Bác, làm bàn thờ, xây nhà lưu niệm trong khuôn viên của gia đình mình.

 
 
 
 
 
 
 

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam đã thực hiện theo di chúc thiêng liêng của Người “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước rất thiết thực như “Ao cá Bác Hồ”, “Vườn Cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”...

 
 
 

Năm 2006, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7.11.2006 của Bộ Chính trị khóa X về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sau này là Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hiện nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua triển khai học và làm theo gương Bác, xuất hiện nhiều cách làm hay, tấm gương điển hình; góp phần tích cực thực hiện công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Quảng Nam.

 

Có thế nói tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô hạn. Chính điều đó là động lực vô cùng quý báu để Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam quyết tâm xây dựng thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

 
 

Clip: Một số hình ảnh về Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam đối với Bác Hồ

cùng một số ca khúc viết về Bác Hồ.

NGUỒN: TẬP SÁCH ẢNH: BÁC HỒ VỚI QUẢNG NAM, QUẢNG NAM VỚI BÁC HỒ DO BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG NAM PHÁT HÀNH NĂM 2013.


 ĐĂNG KHOA - NĂNG ĐÔNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3068 | lượt tải:749

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2209 | lượt tải:746

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2501 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3476 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2868 | lượt tải:781
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây