Đi đầu làm kinh tế
Kinh phí tổ chức các hoạt động của Đoàn luôn là một vấn đề đau đầu với các đơn vị vùng cao. Bí thư Huyện đoàn Đông Giang Đỗ Hữu Tùng cho biết, hầu hết đều phải huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Các chương trình tuyên truyền hay hoạt động phong trào đều tìm các tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện nhằm giảm chi phí. Theo anh Tùng, trung bình mỗi năm một Đoàn cấp xã được cấp gần 30 triệu. Chắt chiu lắm, thủ lĩnh Đoàn cơ sở mới tổ chức được 4 - 5 chương trình là cạn tiền. Ở Đông Giang, các Chi đoàn thôn tại xã Jơ Ngây, Màcooih đã làm tốt công tác gây quỹ Đoàn. Bí thư Chi đoàn thôn Kèn, thôn Ngật (xã Jơ Ngây) ALăng Ga và A Lăng Lực đã vận động đoàn viên trong thôn khai hoang 1,5 ha đất trồng keo, mua giống keo và bán ra để gây quỹ. Bên cạnh đó còn vận động thanh niên tham gia ngày công giúp dân phát cỏ keo hàng tháng để gây quỹ hoạt động. Trung bình một năm chi đoàn có thể gây quỹ hoạt động khoảng 35 triệu. Chi đoàn thôn Tà Rèng (xã Màcooih) thì trồng hơn 1 ha ớt Ariêu với sự tham gia góp sức của 27 đoàn viên, mỗi năm có thêm 10 triệu để hoạt động phong trào. Có quỹ, các chi đoàn tổ chức trao quà, trao học bổng, tổ chức các đợt sinh hoạt văn nghệ, thể thao. Anh Ra Pat Chưới (đoàn viên thôn Kèn) chia sẻ: “Mình và các bạn trong thôn hào hứng tham gia hoạt động, tụi mình tự nguyện tham gia mà không cần vận động chi cả”.
Chân dung thủ lĩnh
Một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư là sự biến động thường xuyên của cán bộ chi đoàn; năng lực, trình độ của đồng chí bí thư chi đoàn. Hoạt động đoàn có hấp dẫn hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng của đội ngũ này. Chính vì vậy, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn trên địa bàn dân cư cần được quan tâm hơn, có thể giới thiệu các đồng chí đang làm việc ở xã vào vị trí bí thư chi đoàn và hỗ trợ, tiếp sức cho đội ngũ này phát triển kinh tế hộ gia đình. Bí thư Đoàn thị trấn Trà My (Bắc Trà My) Phan Thị Trà Vinh, nói: “Một thủ lĩnh nhiệt tình, biết lắng nghe và có kỹ năng hoạt động phong trào sẽ tạo ra sức hút và sự hứng thú với ĐVTN khi tham gia các buổi sinh hoạt Đoàn”. Là một cán bộ đoàn giỏi chuyên môn, giỏi làm kinh tế, chị Vinh góp thêm, chân dung cán bộ đoàn ngày nay cũng rất cần yếu tố chuyên nghiệp, từ vốn tri thức, tính nghiêm túc, có đầu óc thiết kế và tổ chức hoạt động phong trào mang đậm chất trí tuệ và tính giáo dục, có chương trình công tác khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng, lành mạnh của giới trẻ. “Một yếu tố không thể thiếu được của cán bộ đoàn là tính gương mẫu, đầu tàu trong đạo đức, lối sống, sinh hoạt, học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có như vậy, cán bộ Đoàn mới thật sự xứng đáng là tấm gương sáng, là thủ lĩnh để tập hợp, thu hút thanh niên”, chị Vinh khẳng định.
Điều đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở hiện nay tâm tư nhất vẫn là chuyện làm sao kiếm ra mô hình hoạt động thu hút, hiệu quả, bởi bạn trẻ bây giờ có quá nhiều nhu cầu khác nhau, trong khi đoàn vẫn còn không ít lúng túng để thật sự trở thành người bạn của thanh niên. “Quan trọng nhất là từ thực tế công việc để chứng tỏ năng lực của mình. Phải tiên phong và gương mẫu trong nhiều việc, có như thế mới thu hút và dẫn dắt thanh niên được” - một cán bộ đoàn tâm sự.
Bí thư Đoàn xã Điện Hòa (Điện Bàn) Lê Văn Thái tự mày mò lên mạng đọc quy trình thành lập tổ hợp tác và hướng dẫn các bạn thành lập tổ hợp tác nuôi thỏ Thành Đạt. Tại Thăng Bình, Bí thư Đoàn xã Bình Đào Trần Hữu Việt vận động xây dựng khu vui chơi miễn phí cho thiếu nhi. Một bí thư Đoàn xã vận dụng kiến thức về nông nghiệp tích lũy suốt những năm đại học lao vào tự làm, rồi tư vấn cho bạn mình nên nền mô hình kinh tế gì cho phù hợp điều kiện sẵn có... Và chính những gương mặt ấy đã gầy dựng nên hình ảnh một đội ngũ cán bộ đoàn năng động, biết nghĩ đến cái chung, làm không chỉ vì mình, vì phong trào, mà trên hết là vì những lợi ích thiết thân của thanh niên.
Tác giả bài viết: Thiên Ngân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn