Sâu sát cơ sở
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ huyện Nam Trà My lại đến các bản làng giúp dân. Sáng thứ Bảy, căn nhà sàn của ông Hồ Thiên Vũ (45 tuổi, người Ca Dong, xã Trà Vinh) rộn rã hơn ngày thường bởi tiếng trò chuyện của các bạn thanh niên. Gia đình ông Vũ là hộ nghèo và đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm 2017. Sau khi tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo, cách chọn cá giống và loại nào dễ tiêu thụ, mua ở đâu, thức ăn thế nào,... các bạn lại xắn tay áo giúp ông xây chuồng heo, đào ao cá đúng kỹ thuật. Một số hộ dân khác cũng được mời đến nhà ông Hồ Thiên Vũ để được nghe hướng dẫn. Từ nguồn vốn vay của huyện, gia đình ông Vũ đã mua heo về nuôi, thả hơn 1.000 con cá giống ở ao vừa mới đào. Ông Vũ chia sẻ: “Trước giờ toàn làm thuê làm mướn không đủ sống, nay tôi tận dụng được vườn nhà để chăn nuôi, trồng trọt, hy vọng sẽ khá hơn, kiếm thêm thu nhập”.
Đội xung kích thoát nghèo hướng dẫn bà con xã Trà Vân cách trồng lúa nước. Ảnh: THIÊN NGÂN
Suốt các ngày nghỉ trong những tháng vừa qua, các bạn trẻ đã vác ba lô lội bộ vào nóc Tu Hon (xã Trà Don) và nóc Măng Lin (xã Trà Vân) để hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách phòng trừ sâu bệnh cây chuối mốc, lúa, quế... cho hàng chục hộ dân. “Từ trước đến giờ do trồng, chăm sóc không đúng cách nên cây chuối bị vàng lá, cây lúa bị sâu bệnh khiến năng suất thấp. Giờ có cán bộ về hướng dẫn thực tế, tận tình, còn gì bằng. Đoàn còn hướng dẫn gia đình tôi cách vệ sinh nhà ở, chuồng trại” - chị Nguyễn Thị Thanh, trú tại nóc Măng Lin, bộc bạch.
Mới đây nhất, “Đoàn xung kích thoát nghèo” phối hợp cùng bà con nhân dân làm công trình đường giao thông nông thôn về nóc Tu Lung (thôn 4, xã Trà Tập) với chiều dài hơn 2km, bề rộng mặt đường 3m. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường cùng nhau phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Anh Đinh Văn Thọ (đội mũ bìa trái) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng chuối.
Phó Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Huyền Trang - Trưởng “Đoàn xung kích thoát nghèo” huyện Nam Trà My cho biết, mô hình này được thực hiện từ đầu năm 2017, đến nay các thành viên đã tổ chức nhiều đợt giúp dân các xã vùng cao vào thứ Bảy, Chủ nhật. “Bất cứ lúc nào bà con cần, có thể gọi điện để được tư vấn cặn kẽ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Bởi, thành viên trong đoàn đều có kiến thức chuyên môn vững. Không những thế, các bạn còn chung tay cùng bà con nạo vét kênh mương, giúp dân làm nền nhà, đường bê tông, vệ sinh nhà cửa, thôn bản...” - chị Trang nói.
Đem chuyên môn phục vụ cộng đồng
“Đoàn xung kích thoát nghèo” do UBND huyện Nam Trà My ra quyết định thành lập, gồm 50 thành viên là những cán bộ trẻ, có nhiệt huyết, năng động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Ngoài đoàn xung kích cấp huyện, ở 10 xã cũng thành lập 10 đội xung kích giúp dân thoát nghèo, mỗi đội 20 người do Bí thư Đoàn xã làm đội trưởng. Đây là sáng kiến của huyện Nam Trà My nhằm huy động kinh nghiệm từ cán bộ, công chức để hướng dẫn trực tiếp cho hộ nghèo. Các hoạt động giúp thoát nghèo được thực hiện vào ngày nghỉ cuối tuần.
Công tác tại Phòng NN&PTNT huyện, nhận thấy cuộc sống nghèo khó của đồng bào, nên khi huyện thành lập “Đoàn xung kích thoát nghèo” anh Đinh Văn Thọ đăng ký tham gia ngay. Anh Thọ kể, những đợt giúp dân, các thành viên hướng dẫn tận tình cho bà con từ trồng trọt, chăn nuôi đến phòng trừ dịch bệnh... bằng phương pháp thiết thực, dễ hiểu để bà con dễ áp dụng. Anh Thọ chia sẻ: “Chúng tôi áp dụng ngay những kiến thức đã được học để hướng dẫn bà con, đây cũng là cách giúp ích hơn cho chính công việc chuyên môn của mình”.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, lúc đầu gặp khó khăn về đường sá, công việc còn bỡ ngỡ nhưng dần dà rồi quen, ai cũng tâm huyết. Trước mỗi đợt đi, xuất phát từ việc khảo sát nhu cầu từng xã, từng hộ, đoàn sẽ vạch kế hoạch giúp đỡ cụ thể: giúp ai, giúp bằng cách nào, nguồn lực ở đâu... Và phương châm là vừa hỗ trợ “con cá” xóa nghèo trước mắt, vừa trao “chiếc cần câu” sử dụng cho lâu dài. Trong suốt hành trình ấy, các bạn trẻ luôn theo sát người dân để “tiếp sức” kịp thời. Chị Trang cho biết thêm: “Năm nay đoàn chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn cho bà con cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… Chúng tôi vừa vận động, vừa tạo điều kiện cần thiết theo nhu cầu thực tế của bà con, cùng làm với bà con để họ hứng thú, thay đổi ý thức làm ăn”.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, trước đây huyện cũng có sáng kiến phát động phong trào “3 cán bộ, công chức giúp một hộ nghèo”, hướng dẫn cách làm kinh tế và có hiệu quả cao. Từ những việc cụ thể này, năm 2016 toàn huyện Nam Trà My có hơn 300 hộ thoát nghèo bền vững. Năm 2017, có thêm mô hình “Đoàn xung kích thoát nghèo” này huyện phấn đấu đưa 500 hộ thoát nghèo. “Bằng tri thức, kinh nghiệm và sức trẻ, sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ trẻ đã thổi luồng gió mới giúp bà con tự tin, vươn lên làm ăn, sớm thoát nghèo. Những việc làm cụ thể của các bạn dần thay đổi tư duy, tâm lý trông chờ, ỷ lại của đồng bào” - ông Hồ Quang Bửu nói.
THIÊN NGÂN