Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và vấn đề đổi mới công tác cán bộ

Thứ năm - 16/01/2020 07:54

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và vấn đề đổi mới công tác cán bộ

Đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định đối với việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước; kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở cho việc quyết định bố trí, sử dụng hợp lý, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm Hợp tá xã nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/1/1961). (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh giá cán bộ phải dựa trên quan điểm toàn diện, tức là yêu cầu phải xem xét đầy đủ các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng để có đánh giá đúng. Khi xem xét các mối liên hệ của cán bộ, cần làm rõ bản chất của cán bộ thông qua ba mối quan hệ cơ bản: Quan hệ với chính mình; quan hệ với nhân dân; quan hệ với Đảng, Nhà nước. Trong quan hệ với chính mình, cán bộ phải có năng lực công tác (trình độ học vấn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…), phẩm chất đạo đức (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…) và bản lĩnh chính trị (trình độ lý luận chính trị; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…), hay nói cách khác là phải có sự hội tụ giữa tài và đức. Người cho rằng cán bộ phải có sáng kiến, phải luôn kiểm điểm mình để phát huy được mặt tích cực, hạn chế mặt sai lầm, khuyết điểm của bản thân “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”(1).

Trong quan hệ với nhân dân, cán bộ cần phải “việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân”(2).

Trong quan hệ với Đảng và Nhà nước, cán bộ phải lấy quan điểm của Đảng làm nền tảng cho mọi hoạt động. Đảng và Nhà nước ta là của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Do đó, cần tránh biểu hiện: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “Phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”(3). Khi làm bất cứ việc gì, cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước lên trước lợi ích của cá nhân, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Việc đánh giá cán bộ phải thực hiện một cách toàn diện, trước khi cất nhắc phải dựa vào tiêu chuẩn cán bộ, các tiêu chí, yêu cầu của công việc đó. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ được cất nhắc phải hội đủ bốn tiêu chuẩn cơ bản: trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh, liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết quần chúng; luôn chú ý đến lợi ích nhân dân; luôn giữ đúng kỷ luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ dù to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy v.v… là không có tinh thần trách nhiệm”(4).

Như vậy, từng cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để làm tròn nhiệm vụ, công việc được giao, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai, thất hứa thì phải chịu trách nhiệm.

Tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua một số nội dung sau:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phụng sự Tổ quốc, đoàn thể, giai cấp, nhân dân ngày càng tốt hơn thì mọi cán bộ, đảng viên đều phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người chỉ rõ: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện: Cần, kiệm, liêm chính”(5). Cán bộ, đảng viên nếu không có tinh thần trách nhiệm cao, không có tính tiên phong gương mẫu thì rất dễ hủ bại, tha hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc được giao, làm việc phải có tổ chức thì mới đạt kết quả cao nhất; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc phải đảm bảo thời gian theo quy định, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”(6).

Người phê phán tình trạng: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho việc làm về lao động thì nhất định không thể nào thành công được…”(7).

Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích cặn kẽ về chủ động là: “Không tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay sở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú” và phê phán tình trạng: “Nhiều Ủy ban nhân dân, một khi nhận được nhiệm vụ gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp…”(8).

Người cũng nhắc nhở: “Tự động không phải tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng… Hành động như vậy các ủy ban đó đã vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán than kêu ca”(9). Từ đó, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức phải năng động, sáng tạo nhưng không tùy tiện: “Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ”(10) và “… các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần vận động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện…”(11).

Để nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao thì phải hăng hái, làm việc phải khoa học, có chương trình, kế hoạch cụ thể, phương hướng hành động, dự tính kết quả và hậu quả ra sao để có biện pháp phòng tránh, Người chỉ rõ: “… Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng”(12).

Thứ ba, nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”(13). Cán bộ, đảng viên khi được Đảng, Nhà nước phân công công việc gì, đều phải thấy được công việc đó là vinh quang, đáng tự hào, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, để hoàn thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Mặc khác, cán bộ, đảng viên không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy rằng công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với cách mạng. Người luôn nhắc nhở: đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên phải có tinh thần tự chỉ trích, tự phê bình. Người nêu rõ: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác, hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay tới đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lỗi lầm và bồi bổ những thiếu sót”(14). Người chỉ rõ, muốn tiến bộ, không bị thụt lùi thì cán bộ, đảng viên phải không ngừng tiến lên, phải biết rút kinh nghiệm để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”(15).

Thứ tư, trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, không đổ lỗi, cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “trước khi làm một việc gì, phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại”(16).

Đồng thời, cán bộ, đảng viên cũng phải thấy được những hạn chế để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. Người chỉ rõ: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải càng tiến… Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng, không tiến, tức là thoái”(17), “Mỗi đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ… Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”(18).

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”(19).

Để đánh giá đúng, công tác cán bộ, tổ chức và những người làm công tác cán bộ cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xem xét, đánh giá cán bộ, theo đó cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên, công chức phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc. Tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Phải liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, hoạt động. Có thái độ chính trực, có chính kiến, bản lĩnh trong công việc.

Hai là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên, công chức phải chủ động và thường xuyên thực hiện tốt những điểm cơ bản sau:

- Tự mình chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, công việc, có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nền nếp sao cho công việc đạt kết quả cao nhất. Không để cấp trên phải nhắc nhở, không để đồng chí, đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác, không để tổ chức, cá nhân, nhân dân phải chờ đợi, phàn nàn, chê trách, góp ý, phê bình đối với việc thực hiện công việc của mình. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải tuân thủ nghiêm quy chế, chế độ, quy trình, thủ tục, không làm trái quy định, trái với lương tâm, không có động cơ cá nhân hay thiên tư, thiên kiến trong công việc. Tuy nhiên, không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, với chi phí thấp nhất.

- Phải có tính tự trọng cao. Vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân. Có tự trọng thì thực hiện công việc sẽ trong sáng, cao thượng, không vì lợi ích cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây phương hại đến chính quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

- Phải nghiêm khắc với chính bản thân mình trong mọi công việc. Khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không đổ lỗi cho người khác. Từ đó, chủ động nhận khuyết điểm, hình thức, mức độ xử lý đối với mình. Khi thấy mình không còn đủ uy tín với cơ quan, tổ chức, đơn vị thì nên chủ động xin từ chức, hoặc đề nghị tổ chức bố trí công tác khác cho phù hợp; nếu thấy không còn đủ năng lực, trình độ, sức khỏe thì chủ động xin nghỉ công tác.

- Phải tự phê bình và phê bình. Khi không tự giác thì sẽ không chủ động báo cáo về hạn chế, khuyết điểm của mình với tổ chức, với cấp trên; trong sinh hoạt sẽ không tự giác kiểm điểm, tự phê bình về thiếu sót, khuyết điểm, không chủ động nhận trách nhiệm thậm chí có khi còn đổ lỗi cho khách quan, cho người khác. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự giác tự phê bình và phê bình, với thái độ thẳng thắn, trung thực, phê bình đồng chí phải trên tinh thần chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan.

- Phải tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Vì khi có tự tin thì mới chủ động, tự giác, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao, với ý thức trách nhiệm cao, đem lại kết quả tốt.

- Phải thấy được mức độ khó khăn, phức tạp của công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao để chủ động phòng ngừa những hậu quả có thể xảy ra. Khi được giao thực hiện nhiệm vụ, công việc gì cũng phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ, đề ra chương trình, kế hoạch, biện pháp và các phương án thực hiện cụ thể để đảm bảo đạt kết quả cao nhất.

- Khiêm tốn, thực sự cầu thị, không kiêu ngạo, thỏa mãn với kết quả công việc, nhiệm vụ được giao. Thực sự cầu thị khi được đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý giúp đỡ với ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, có tính khả thi để thực hiện nhiệm vụ được giao đạt kết quả cao hơn. Phải thể hiện thái độ không kiêu ngạo, không tự cao, tự mãn với những kết quả mình đạt được.

Người lãnh đạo, quản lý và làm công tác tổ chức, cán bộ phải có trình độ lý luận, nắm vững khoa học quản lý, phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng linh hoạt trong từng tình hình cụ thể, vận dụng quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm, huấn luyện và sử dụng được người tài.

Đảng ta khẳng định lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đó cũng là căn cứ để mỗi cán bộ tự đánh giá được bản thân và có phương hướng, giải pháp cho việc phấn đấu theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./

Nguồn tin: hochiminh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3023 | lượt tải:741

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2187 | lượt tải:744

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2483 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3440 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2855 | lượt tải:776

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3023 | lượt tải:741

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2187 | lượt tải:744

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2483 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3440 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2855 | lượt tải:776
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây