Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Vấn đề nêu gương trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm - 19/03/2020 07:44

Vấn đề nêu gương trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng về nêu gương. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn gương mẫu, đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, năm 1955. (Ảnh tư liệu)

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời, mẫu mực về sự thống nhất giữa lời nói và hành động, việc làm

Gương mẫu, nêu gương là một trong những biện pháp quan trọng trong phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nói và làm, tư tưởng và hành động. Mỗi việc làm, mỗi hành động của Người đều chứa đựng những tư tưởng lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”(1). Phải “tu thân chính tâm” mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Tức là, trước hết tự mình phải tu dưỡng, rèn luyện, làm gương. Mình muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Người thường nói: “không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều. Những người tốt, những cán bộ tốt muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan lớn”. Điều này đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu rất quan trọng, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, trở thành tấm gương sống về đức và tài, toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục sự cách mạng, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”.

Cái chất tốt nhất, đẹp nhất là nêu gương, gương mẫu. Cả cuộc đời hoạt động của Người là tấm gương sống về sự liêm khiết, không tham quyền cố vị, không mong được thăng quan phát tài. Người không mưu lợi một chút gì riêng cho mình. Việc riêng của Người là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với chỉ một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Về công lao và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: “Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thế giới tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Thế nhưng, khi được tin Quốc hội có ý định tặng Huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, Người đã xin chưa nhận huân chương ấy, với lý do huân chương là để tặng thưởng người có công huân, nhưng Người tự xét chưa có công huân xứng đáng”.

Một nét đẹp nổi bật trong công việc của Người là gương mẫu tự nhận trách nhiệm qua tự phê bình, không đổ lỗi, tranh công. Người chỉ rõ: tự phê bình hay phê bình là vì lợi ích của cách mạng, để đoàn kết, để tiến bộ. Đó là cái chất của người cộng sản, người đảng viên. Cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân nên càng tự phê bình trước dân chừng nào, dân càng bằng lòng phục vụ mình chừng ấy. Nêu gương trong tự phê bình trước dân thì uy tín càng cao. Nêu gương tự phê bình trước quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình thì Đảng mạnh. Đảng mạnh thì dân theo, dân tin. Mà dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn.

Nói đến tinh thần tự chỉ trích, Người cho rằng: không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến tới. Từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người luôn ngày đêm lo lắng để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó. Người nêu gương trong việc xây nền độc lập của nước nhà, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, kêu gọi và trực tiếp nêu gương tăng gia sản xuất, cứu đói ở miền Bắc, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta... Làm rất nhiều việc lớn lao đó, nhưng Người vẫn tự phê bình “chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào, vì tài hèn đức mọn” và Người cho rằng, thành công đó là do đồng bào cố gắng; còn khuyết điểm là lỗi của Người.

Tại Hội nghị lần thứ 10 mở rộng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II ngày 25/8/1956 bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Người đã tiếp thu ý kiến phê bình của Bộ Chính trị và đề nghị xét sai và sửa sai cấp tốc, không được cầu toàn. Trên cơ sở thi hành kỷ luật nghiêm minh và bảo vệ Đảng. Người tự phê bình một cách nghiêm túc: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta”(2).

2. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Trong cuốn sách tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho lớp thanh niên yêu nước, bài đầu tiên là Tư cách của một người cách mệnh, Người đã yêu cầu thực hành ba mối quan hệ: Tự mình phải; Đối với người phải; Làm việc phải. Trong đó, việc thứ mười là mỗi người phải thực hiện “Nói thì phải làm”.

“Nói thì phải làm” là một biểu hiện của đạo làm gương, một giá trị của văn hóa phương Đông, một tiêu chuẩn để trở thành người trung thực, một người đáng tin cậy: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong việc cứu đói, Người cho rằng: “… Mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn ăn một bữa mình nhịn ăn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được? Miệng nói tay phải làm mới được”(3). Hô hào nhân dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Nói về văn hóa phương Đông, Người dẫn lời Khổng Tử: “Mình phải chính tâm phải tu thân”, nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới “trị quốc bình thiên hạ” được. Người giải thích rằng: “Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù trên thế giới, muốn đánh thắng thực dân và phong kiến địa chủ là kẻ thù trong nước thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình”.

Không chỉ nói về nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng ngời, biểu hiện mẫu mực về sự thống nhất giữa lời nói, hành động với việc làm, thực sự là một “tấm gương sống”. Người không chỉ “nói đi đôi với làm”, “nói thì phải làm”, mà nói ít làm nhiều, thậm chí không cần nói, diễn thuyết nhiều mà chủ yếu bằng hành động, những việc làm cụ thể, bằng chính phong cách nêu gương để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(4).

Tấm gương sáng nhất, lớn nhất của Người là cả cuộc đời vì nước, vì dân, không dính líu gì với danh, với lợi. Người xác định chức vụ đứng đầu Chính phủ là do đồng bào ủy thác thì phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận.

Việc riêng của Người cũng hòa vào việc chung của cách mạng, của Tổ quốc, của nhân dân. Về việc riêng, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(5). Người thường dạy: “Nói thì dễ, làm thì khó”. Có người nói hay nhưng làm một việc nhỏ cũng không xong. Trong những khía cạnh tạo nên đạo lý của Người, “chất người” Hồ Chí Minh, có một nét nổi bật là nêu gương, nói đi đôi với làm. Tấm gương đạo đức, phong cách nêu gương của Người từ việc nhỏ đến việc lớn, hàng ngày, suốt đời, đến tận phút cuối cùng của cuộc đời có tính thuyết phục mạnh mẽ, sức lan tỏa lớn.

Nêu gương thuộc nhân cách của một người cách mạng, thuộc phận sự của mỗi cán bộ, đảng viên của một đảng chân chính cách mạng, bản chất của chế độ dân chủ cộng hòa, cũng là lời khen và niềm tin của nhân dân đối với cán bộ. Người chỉ ra rằng: “Nhân dân thường nói đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Nêu gương là thước đo lòng trung thực. Mà trung thực là đối lập với giả dối, lừa lọc, nói, hứa mà không làm hoặc làm nửa vời, làm cho xong chuyện.

Trong những lời dạy cán bộ, Người thường hay nói đến hai chữ “thật sự” như thật sự cần, kiệm, liêm, chính; thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí; thật sự dân chủ. Trong Di chúc, Người dùng đến 4 lần cụm từ “thật” và “thật sự”: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò nêu gương của người đứng đầu. Theo Người: “Cán bộ các cơ quan, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút lót, có dịp dĩ công vi tư”. Vì vậy, người có chức quyền phải thực hành chữ “liêm” trước để làm kiểu mẫu cho dân. Người đứng đầu thực sự là gương người tốt, việc tốt sẽ có ảnh hưởng tích cực rất lớn đối với quần chúng.

Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại, dịp 3/2/1969, nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, sau khi viết xong bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người đưa cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đọc với hai lý do: một là, đề nghị tham gia ý kiến; hai là, để cho mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là những người có trọng trách lớn đối với nước, với dân sẽ có trong tay một tài liệu mà ngay câu đầu tiên là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ 5 (tháng 8/1948), Người nhấn mạnh đạo đức của người làm tướng là phải trí, dũng, nhân, tín, liêm: “Trí là phải có đầu óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng. Tín là phải làm cho người ta tin mình. Đã hứa là phải thực hiện. Tín cũng còn có nghĩa là tự tin ở sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn, tự cao. Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh. Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung. Liêm là chớ tham của, tham sắc. Tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế; chớ tham danh vọng, tham sống. Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết về những cán bộ nòng cốt, đứng đầu là “cốt cán”. Và khi bàn đến nêu gương, nói đi với làm là nói đến cán bộ phải “ba cùng” với đồng bào. Người thường căn dặn cán bộ nòng cốt, cốt cán phải thật thà ba cùng với quần chúng, với nhân dân. Cán bộ nào chỉ “một cùng, hai cùng hoặc hai cùng rưỡi” thì sẽ thất bại. Cán bộ nào ba cùng thật sự thì đều thành công”.

Nêu gương là biểu hiện và gắn với tinh thần trách nhiệm - trách nhiệm nêu gương. Là người đứng đầu mà không nêu gương là không có trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc, với chính bản thân mình; là không xứng đáng với vị trí lãnh đạo, đứng đầu. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm là đưa tinh thần và lực lượng, tận tâm, tận lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ. Tinh thần trách nhiệm là nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, hoàn thành nhiệm vụ. Làm cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm, là không có ý thức nêu gương.

Nêu gương phải thể hiện trong cả lời nói, việc làm và trách nhiệm. Lời nói, việc làm của cán bộ cốt cán làm cho nhân dân tin, nhân dân phục, nhân dân yêu quý, đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách của Đảng. Về trách nhiệm, vừa nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa có sai lầm, khuyết điểm thì phải có dũng khí xung phong, nêu gương nhận trách nhiệm về mình, không được đổ lỗi cho người này, người khác hoặc do khách quan.

3. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu, kể cả một số cán bộ cao cấp, chưa thể hiện tính tiên phong gương mẫu, chưa tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trước thực tế đó, việc nghiên cứu, học tập Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, càng cho thấy giá trị di sản Hồ Chí Minh đang soi sáng việc nêu gương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, việc siết chặt kỷ luật Đảng và tuân thủ pháp luật, trong đó đề cao sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của cán bộ cao cấp, người đứng đầu là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của từng cơ quan, tổ chức cũng như thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước./.

Nguồn tin: hochiminh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2947 | lượt tải:731

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2159 | lượt tải:740

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2449 | lượt tải:658

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3388 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2824 | lượt tải:771
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây