Lan tỏa niềm yêu thích môn học lịch sử
Mô hình của em Võ Thị Thủy Tiên có tên gọi “Trận chiến trên sông Bạch Đằng” đã được gửi tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2024 lần thứ 20 và được Ban tổ chức trao giải nhất chung cuộc. Được biết, thời điểm làm mô hình này, em là học sinh lớp 5, hiện nay em đã là cô học sinh lớp 6/4 Trường THCS Ngô Quyền (huyện Duy Xuyên).
Võ Thị Thủy Tiên chia sẻ: “Trong một lần em được học và xem truyền hình về trận chiến Bạch Đằng, em rất xúc động và tự hào khi về những chiến tích hào hùng của ông cha ta. Từ đó em có ý tưởng làm mô hình động trận chiến trên sông Bạch Đằng nhằm tái hiện lại trận chiến năm xưa”.
Mô hình giúp các bạn học sinh yêu thích môn lịch sử hơn, luôn nhớ về những chiến công của thế hệ đi trước. Đồng thời, thông qua mô hình này, cùng với việc mang đến những tiết học sinh động, hấp dẫn hơn, em còn muốn truyền đi thông điệp: mỗi học sinh cần phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc, như câu thơ của Bác: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Mô hình của em Tiên tái hiện lại những bãi cọc Bạch Đằng năm xưa, nơi diễn ra 3 trận thủy chiến do Đức vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ đất nước.
Để mô hình hoạt động, khi giáo viên minh họa cho bài giảng cảnh tái hiện thủy triều dâng, một công tắc máy bơm sẽ bật lên cho nước đổ vào mô hình trận địa, đến khi nước dâng lên ngập bãi cọc thì tắt công tắc. Lúc này, đưa các thuyền nhỏ của quân ta ra khiêu chiến. Khi quân địch đuổi theo van thoát nước được mở để nước rút dần. Bãi cọc nhô ra làm cho các mô hình thuyền giặc bị đâm thủng và mắc kẹt...
Trong một năm học, cô đã hướng dẫn em Tiên làm mô hình lịch sử 3 lần chống quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 938, năm 981, 1228. Đây là những trận đánh thể hiện được cội nguồn dân tộc. Là giáo viên chủ nhiệm và hướng dẫn em, cô rất tự hào khi Tiên đã đạt giải Nhất trong cuộc thi toàn quốc vừa rồi, thành tích ấy rất hiếm học sinh nào đạt được.
Làm mô hình từ những vật liệu tái chế, thân thiện môi trường
Để làm ra mô hình, Tiên đã dùng những vật liệu hết sức có sẵn, thân thiện với môi trường như mo cau làm thuyền, thùng xốp, các miếng xốp giả làm núi đá, van nước, keo để gắn kết các vật liệu, que kem làm cọc, phụ kiện… Với sự hướng dẫn của cô giáo viên chủ nhiệm, em Tiên đã hoàn thành mô hình “Trận chiến trên sông Bạch Đằng” trong khoảng một tháng.
Võ Thị Thủy Tiên cho hay việc dùng mo cau để làm thuyền thật sự rất khó khăn, mo cau khô thì chúng cong lại và rất cứng. Sau đó ba mẹ cùng cô hướng dẫn em chỉ cách ngâm mo cau vào thùng nước đến khi mềm ra.
Sau đó, mới trải mo cau ra mặt phẳng tìm vật dụng cứng chần lại để có độ phẳng. Tiếp đó thì cắt mo cau thành nhiều mảnh để ghép tạo hình con thuyền.
Những que kem em nhặt lại, rửa sạch rồi tỉ mỉ vót nhỏ để làm cọc, dùng súng bắn keo để cố định các chi tiết. Về mô hình quân giặc, quân ta, e tìm tòi trên mạng những hình ảnh đó rồi in ra đúng theo kích thước mong muốn rồi cắt, dán lên.
Để làm mặt bằng trận đánh, em Tiên đã tận dụng một thùng xốp lớn phải đi tìm vài ngày mới có, chiều dài khoảng 1,5m, chiều cao của thùng xốp thì cắt đi còn khoảng 25cm. Những khó khăn trong quá trình làm ra mô hình không làm em nản chí. Rồi mô hình cũng hoàn thành.
Nguồn tin: Báo Quảng Nam:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn