Trần Ngọc Thúy, quê ở TP.Hồ Chí Minh, được ví như “Bà tiên ngồi xe lăn” của người dân xứ Quảng.
“Đôi khi niềm vui mang tới nụ cười. Nhưng cũng đôi khi, chính nụ cười mang tới niềm vui” - Trần Ngọc Thúy nói đó là lý do vì sao mình luôn tươi tắn. Một người khuyết tật đôi chân và rất khó khăn trong di chuyển, nhưng Thúy lại là gương mặt khá quen thuộc với đồng bào vùng biên xứ Quảng.
Từ TP.Hồ Chí Minh chị bay đến Tam Kỳ, sau đó lại đi tiếp lên vùng cao biên giới - cả 2 chặng đường đều dài và xa hun hút. Bạn của Thúy kể, có những đoạn ở vùng cao phải đi bộ, nhóm đi cùng phân công người cõng Thúy, người vác xe lăn.
Tiếng trẻ em reo hò cùng với tiếng cười đùa ầm ĩ giữa sân bãi của La Êê, có khoảng 300 đứa trẻ vây quanh chiếc xe lăn và Thúy ngồi chính giữa, nở nụ cười, mắt rực sáng. Đó là hình ảnh tôi bắt gặp Thúy trong dịp Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tổ chức các hoạt động hướng về Ngày biên phòng toàn dân năm 2023. Thúy nói, mình gắn bó với vùng cao Quảng Nam vì ánh mắt đen láy của các em.
Năm đó, cô liên kết với các nhóm từ thiện rồi theo chân các chiến sĩ bộ đội biên phòng hành quân lên vùng cao và mang theo 1.000 suất quà. Ngay từ đầu bản, mọi người đã ngoái nhìn cô.
“Ô kìa, tụi nhỏ ở đây thật là dễ thương”, cô thường thốt lên với đôi tay vẫy. Nhìn hình ảnh đó, bất giác tôi nhớ trong đại dịch COVID-19 năm 2021 tại TP.Hồ Chí Minh, cô khoác bộ đồ bảo hộ, luôn có mặt trong “Đội mai táng không đồng” gắn với đường dây nóng...
Trong những chuyến đi tiếp ứng cho hàng ngàn bà con bị kẹt trong đại dịch COVID-19 ở Sài Gòn và Bình Dương, cô không thể nhớ hết mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu người quê ở Quảng Nam. Nhật ký cô viết lưu lại, chỉ riêng trong ngày 1/9/2021 đã tặng 6.619 suất quà cho bà con, công nhân lao động các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trong nhiều khu nhà trọ ở tỉnh Bình Dương.
Ba năm sau cơn bão COVID, Thúy vẫn đi và sống cho mọi người. Đầu năm 2024, tại lễ tổng kết của bộ đội biên phòng, cô đã lên trao bảng tài trợ 700 triệu đồng xây dựng công trình điện thắp sáng ở xã La Êê và Chơ Chun. Hình ảnh đăng trên báo và tôi tự hỏi, “người Quảng Nam nào đó ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương sẽ lại nhận ra cô?”.
Vợ chồng ông Phạm Thọ ở thôn Đại Quý, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh thuộc diện hộ nghèo. Cơn bão số 5 năm 2022 (bão SONCA) đã phá tan ngôi nhà của ông bà. Thúy từ Sài Gòn nghe tin, cô có mặt tại Quảng Nam ngay khi bão tan. Thúy cùng anh em bộ đội biên phòng tới thăm hỏi, sau đó kêu gọi hỗ trợ cho gia đình ông Phạm Thọ để sửa lại ngôi nhà hư hỏng.
Chuyến đi về Quảng Nam lúc ấy, Thúy còn huy động tiếp 155 cái áo phao, hàng trăm thùng mì tôm và nước ngọt để tặng cho bà con thôn An Thành 3, xã Bình An, huyện Thăng Bình.
Nhìn hình ảnh anh em trong nhóm từ thiện chèo đò đến từng ngôi nhà bị ngập, Thúy lại nhớ đến chuyến đi mới cách đó hơn 10 ngày. Đoàn của Thúy sử dụng xe chở hàng cứu trợ vượt 400km đường núi rừng để tiếp cận ngôi làng Tà Cạ, thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang bị sạt lở bao vây.
Khi mấy bà mẹ ở thôn An Thành 3 nắm tay Thúy xuýt xoa hỏi, “chừ như ri, ngồi xe lăn mà tới giúp bà con nữa!”. Thúy nghe, cười tươi và nói “như ri có chi, rồi sẽ có dịp con quay trở lại”.
Nhiều năm qua, Thúy liên tục về Quảng Nam và nhờ bộ đội biên phòng làm cầu nối cho các chương trình xây dựng công trình dân sinh như: khoan giếng nước ngọt, xây dựng công trình thắp sáng, hỗ trợ quà cho người nghèo và học sinh vùng cao…
Len lỏi vào tận các bản làng xa xôi, khảo sát trước khi lên chương trình, Thúy luôn có những người bạn đồng hành để cõng, vác xe khi đi qua cung đường khó ở các xã Đắc Pring, Đắc Pre, La Dê…
Dõi theo các chương trình của Thúy, tôi nhận ra cô là người “luôn nói là làm”. Năm 2022, khi nhớ tới lời hứa với những bà mẹ ở vùng ngập lụt của huyện Thăng Bình, cô đã quay trở lại vào dịp Tết Nguyên đán để tặng 50 suất quà, bao gồm 500kg gạo, các loại thực phẩm.
“Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương” – triết lý về tình yêu thương để mang lại sự bình an cho những người khó khăn được Thúy tâm niệm trong lòng.
Có lần Thúy nhận được tin về trường hợp bà Nguyễn Thị Tân, 70 tuổi, ở thôn Xuân Trung, xã Tam Quang (Núi Thành), chồng mất vào năm 2021, có tới 3 người con ở tuổi từ 37-40 và đều bị bệnh tâm thần, con thỉnh thoảng lên cơn lại đánh mẹ phải đi cấp cứu.
Thúy nhắm mắt để ghìm cảm xúc.
Sau đó, cô lập tức cùng bạn bè tới khảo sát, kêu gọi hỗ trợ tiền sửa lại nhà, hỗ trợ khám chữa bệnh cho bà mẹ vì bà đang bị mắc bệnh tim. Thúy huy động được 30 triệu đồng để lợp lại mái nhà cho bà.
Tết vừa qua, Thúy lại cùng bạn bè và các nhà tài trợ mang món quà khoảng 1 tỷ đồng lặn lội lên vùng biên giới của huyện Nam Giang, chung tay cùng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”.
Cô mang 306 suất quà cho gian hàng 0 đồng, tổ chức gian hàng ẩm thực cho các cháu thiếu nhi kết hợp với làm tranh cát, tô tượng, sửa chữa nhà sập…
Cô còn nguyện ước có dịp sẽ phối hợp với các y bác sĩ hỗ trợ chương trình tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Đây cũng là chương trình cô đã thực hiện ở tuyến biên giới thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujisic, quốc tịch Úc, người gốc Serbia, bị dị tật bẩm sinh khi cụt cả 2 tay 2 chân. Câu chuyện cuộc đời đầy nghị lực của Nick đã lan tỏa đến hàng triệu người trên toàn cầu. Với tôi, Thúy cũng là một phiên bản của Nick Vujisic và Quảng Nam là nơi cô gắn bó để truyền cảm hứng “mỗi con người sinh ra đều có 1 sứ mệnh”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn