Đại sứ văn hóa
Hơn 10 năm gắn bó với công việc hướng dẫn viên du lịch tại Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Nguyễn Thị Hoàng Oanh luôn nỗ lực học hỏi, làm mới mình để chia sẻ, cung cấp những thông tin thú vị về di sản văn hóa Mỹ Sơn, về văn hóa Chăm đến du khách trong và ngoài nước. Chị Oanh chia sẻ, người hướng dẫn viên được ví là những “đại sứ văn hóa”, do đó hướng dẫn viên phải có kiến thức sâu và giỏi về kỹ năng.
“Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn vì kiến thức văn hóa Chăm rất rộng, trong khi kiến thức được học, tìm hiểu hạn chế. Đặc biệt, du khách đến Mỹ Sơn đa dạng, nhiều quốc gia, dân tộc, ngành nghề, tuổi tác…
Để làm chủ kiến thức và có thể truyền tải đầy đủ thông tin đến các đối tượng du khách khác nhau, đòi hỏi bản thân phải không ngừng nỗ lực. Bằng tình yêu văn hóa Chăm, tôi luôn nỗ lực mày mò học hỏi từ sách báo, thông tin trên mạng, học từ đồng nghiệp và từ chính du khách đến tham quan” - chị Oanh chia sẻ.
Hoàng Oanh cho biết thêm, bản thân người hướng dẫn còn phải mang trong mình tư duy phản biện. Tức là, nếu gặp đối tượng khách, khi họ đến điểm du lịch, điểm di sản mà mang tư duy không tích cực, muốn xuyên tạc văn hóa, mang thông điệp không tốt, thì người hướng dẫn viên phải có vai trò phản biện, bảo vệ những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước, con người Việt Nam…
Quảng Nam có 55 di tích cấp quốc gia và 282 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt địa phương có hai Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, Quảng Nam hiện có hơn 300 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu...
Với hệ thống di sản văn hóa phong phú nêu trên, tuổi trẻ Quảng Nam luôn nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh. Các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số gìn giữ và phát huy văn hóa như xây dựng bản đồ số địa chỉ đỏ, số hóa địa danh lịch sử, tổ chức hành trình về với địa chỉ đỏ online...
Tiên phong chuyển đổi số
Anh Nguyễn Văn Thạch - Bí thư Đoàn xã Trà Kót (Bắc Trà My) được biết đến là người lập ra CLB Cồng chiêng trẻ người Co.
“Ban đầu chỉ có vài thanh niên tham gia, chúng tôi mời nghệ nhân hướng dẫn, tập luyện ròng rã 2 tháng, dần dần thu hút được nhiều bạn trẻ và duy trì tập luyện đều đặn mỗi tháng 2 lần. Đến năm 2021, tại diễn đàn “Tuổi trẻ Bắc Trà My với giữ gìn và bảo tồn văn hóa”, CLB Cồng chiêng trẻ người Co chính thức được thành lập” - anh Thạch chia sẻ.
Trong các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, các sự kiện, anh Thạch luôn đưa sắc phục, điệu múa, hình ảnh của các bạn trong CLB lên mạng xã hội. Đồng thời anh còn thành lập kênh youtube, tự làm nhiều video về văn hóa của đồng bào Co để lan tỏa đến mọi người.
“Tôi đang sưu tầm, xây dựng dữ liệu để hình thành một thư viện số về văn hóa, dùng công nghệ để lưu hình ảnh, video, nội dung về bản sắc văn hóa người Co. Với vai trò Bí thư Đoàn xã, hy vọng các hoạt động thiết thực này sẽ góp phần truyền lửa đến các bạn trẻ trong việc giữ gìn giá trị truyền thống địa phương” - anh Thạch nói.
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn