Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp
Sau nhiều năm tiếp cận, nghiên cứu nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2018, anh Nguyễn Thành Luận (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) quyết định về quê, đầu tư gần 100 triệu đồng để khởi nghiệp với mô hình còn khá mới mẻ này. Thành quả sớm đến với anh Luận, khi những con giống đầu tiên sinh trưởng, phát triển tốt.
Từ đây, anh thành lập Hợp tác xã Đông trùng hạ thảo, tập trung đầu tư máy móc để mở rộng phòng nuôi cấy và tập trung chế biến sâu sản phẩm… Hiện sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của anh Luận có đầu ra ổn định tại nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.
“Ở giai đoạn lịch sử này, sứ mệnh quan trọng của thanh niên Quảng Nam chính là phát huy tinh thần tự lực tự cường, phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương. Và hòa trong sự phát triển của tỉnh, những năm qua, lực lượng thanh niên đã có đóng góp rất tích cực, nhất là phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê. Minh chứng, Quảng Nam được đánh giá là địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp đứng đầu khu vực miền Trung”. (Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu trong buổi đối thoại với thanh niên năm 2022)
“Để có những bước khởi nghiệp vững chắc, bên cạnh nỗ lực của bản thân, thời gian qua chính quyền các cấp và tổ chức đoàn tạo điều kiện về nguồn vay vốn, thủ tục pháp lý, xúc tiến thương mại... Với thành công đang có, tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cung cấp con giống cho thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp từ nấm đông trùng hạ thảo” - anh Luận chia sẻ.
Khởi nghiệp, lập nghiệp đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong 5 năm qua. Hiện nay, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp, 58 hợp tác xã, 76 tổ hợp tác, 289 mô hình kinh tế đang hoạt động hiệu quả do thanh niên làm chủ. Có 45 sản phẩm của thanh niên được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Đồng hành với thanh niên trên bước đường khởi nghiệp, lập nghiệp, các huyện, thị, thành đoàn thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện; thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức tham quan, học tập mô hình kinh tế cho đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các mô hình khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19… Riêng Tỉnh đoàn tổ chức 15 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho 525 thanh niên; tạo cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp được đối thoại với lãnh đạo tỉnh nhằm tháo gỡ những vướng mắc gặp phải...
Ghi dấu nhiệm kỳ 2017 - 2022
Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh nói, trong nhiệm kỳ qua, phong trào thanh niên tình nguyện để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng người dân. Những dấu ấn ấy không chỉ ở những công trình, phần việc mang lại, mà còn ở tinh thần phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt của các cấp bộ đoàn trong bối cảnh địa phương đối mặt với tình hình khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ.
Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tuổi trẻ toàn tỉnh đã thực hiện 21 công trình thanh niên cấp tỉnh với tổng trị giá 7,5 tỷ đồng; 240 công trình cấp huyện với kinh phí 12 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa 1.750 nhà nhân ái, xây dựng 55 cây cầu, thắp sáng gần 310km đường quê, bê tông hóa 196km đường giao thông nông thôn; thu gom, xử lý 150 tấn rác thải.
Các cấp bộ đoàn đã duy trì, quản lý 165 tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”; tổ chức đồng loạt 2.169 “Ngày Chủ nhật xanh” với sự tham gia của gần 10.000 lượt đoàn viên, thanh niên.
Đáng chú ý, Tỉnh đoàn Quảng Nam là đơn vị đầu tiên trong nước ban hành Chương trình hành động của Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Và trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 1.157 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững.
Tình nguyện tham gia các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội là phong trào thể hiện rõ nét vai trò xung kích của tuổi trẻ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã thực hiện hơn 8.000 công trình, phần việc thanh niên, thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; trao tặng hơn 90.000 suất quà; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 22.500 lượt người dân. Các huyện, thị, thành đoàn cụm đồng bằng tổ chức 27 chương trình tình nguyện về miền núi trao tặng hơn 20.000 áo ấm, 5.000 chăn màn và hàng nghìn phần quà với trị giá hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh đã thành lập 21 đội truy vết, lấy mẫu xét nghiệm với 1.300 đoàn viên, thanh niên tham gia; 210 đội hình thanh niên xung kích tham gia các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 với hơn 10.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.
Các cơ sở đoàn triển khai hiệu quả các mô hình “Bếp ăn nghĩa tình” hỗ trợ nấu ăn tại các khu cách ly; mô hình “Shipper xanh” hỗ trợ người dân mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết tại các khu phong tỏa; mô hình sửa xe, tiếp tế thực phẩm cho người dân từ TP.Hồ Chí Minh về quê… Tổng nguồn lực các hoạt động phòng chống dịch cấp tỉnh và cấp huyện hơn 15 tỷ đồng.
“Hình ảnh đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng ứng cứu, bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào và tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm, khắc phục hậu quả thiên tai; hay những bóng áo xanh tiếp sức tuyến đầu chống dịch... đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của người đoàn viên thế hệ mới, hết lòng hết sức vì Tổ quốc và nhân dân, góp phần tạo nên bức tranh sinh động với nhiều gam màu khó phai của công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu, nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022” - đồng chí Thanh nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn