Giữ chức Bí thư Đoàn xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My) từ năm 2021, anh Nguyễn Văn Nhất là một trong những người luôn được đoàn viên trong xã tín nhiệm. Chàng trai này luôn thể hiện bản lĩnh thủ lĩnh thanh niên trong công tác đoàn và đi đầu trong làm kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Sinh ra và lớn lên cạnh lòng hồ Thủy điện sông Tranh, anh Nhất hiểu và thông thuộc từng con suối, ngọn đồi nơi đây. Thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất rất phù hợp với cây quế Trà My. Những năm gần đây, anh Nhất không ngừng nỗ lực trồng và vận động nhân dân, nhất là ĐVTN trong xã Trà Dơn cùng trồng cây quế Trà My. Đến thời điểm hiện tại, anh Nhất đã trồng hơn 30.000 gốc quế trên diện tích gần 10ha. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, anh đã mở rộng diện tích trồng quế của mình thêm 5ha, vận động 7 hộ thanh niên trong xã liên kết trồng quế trên diện tích gần 20ha.
Anh Nguyễn Văn Nhất cho hay: “Quế là cây trồng truyền thống ở vùng núi các huyện phía tây của tỉnh, đây là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc Cadong, Xê Đăng, Bh’noong... từ bao đời nay. Trước đây, đã từng có thời kỳ "hoàng kim" của cây quế nhưng thời gian trồng đến khi khai thác rất lâu - từ 15 đến 20 năm. Có thời điểm quế Trà My rớt giá thê thảm, người trồng quế phải chuyển sang trồng cây keo và một số cây trồng khác, nghĩ rất xót xa...”.
Một cây quế hơn 10 năm tuổi hiện nay khi thu hoạch có giá khoảng 1,5 triệu đồng. Để duy trì và tăng dần diện tích quế hằng năm, anh Nguyễn Văn Nhất kết hợp đồng thời giữa khai thác và trồng mới, cạnh đó, trồng xen canh giống cây sắn cao sản dưới tán lá để lấy ngắn nuôi dài. Hàng năm vườn quế còn cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 30 đến 40 triệu/năm từ việc tỉa cành và thu hái lá quế bán cho thương lái để sản xuất tinh dầu.
Anh Đinh Văn Thọ - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My cho biết giống quế Trà My có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi.
“Cây quế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo” - anh Thọ nói.
Ngoài mô hình trồng quế mang lại hiệu quả cao, anh Nhất còn là thanh niên đi đầu trong việc trồng thí điểm sâm Ngọc Linh ở thôn 4 xã Trà Dơn, nơi đây được kỳ vọng là vườn sâm Ngọc Linh thứ 2 của huyện Nam Trà My.
“Anh Nguyễn Văn Nhất là bí thư Đoàn xã năng động trong phong trào đoàn đặc biệt là phong trào giúp đỡ thanh niên phát triển kinh tế. Từ mô hình của anh đã giúp đỡ được nhiều đoàn viên thanh niên trong học hỏi cách phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - anh Lê Thanh Sơn, Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My cho biết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn