“Chat GPT phiên bản Việt”
Hai gương mặt mang về kỳ tích cho giáo dục xứ Quảng đều là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm: Đặng Bảo Khoa (lớp 12 chuyên Tin) và Huỳnh Hà Giang (lớp 11 chuyên Tin), với đề tài “Cải tiến mô hình khuếch tán để tạo sinh hình ảnh”.
“Đến chừ ngồi đây nói về giải thưởng chúng em vẫn còn run. Lúc nghe ban giám khảo công bố kết quả, em và Giang cảm thấy quá bất ngờ và sốc vì không nghĩ giành được giải nhất cuộc thi” - Khoa chia sẻ.
Đề tài “Cải tiến mô hình khuếch tán để tạo sinh hình ảnh” là 1 trong 11 giải Nhất được dự thi vòng 2 để tuyển chọn ra 7 đại diện cho Việt Nam tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.
Tại vòng 2, học sinh phải trình bày và trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh. Chỉ có 15 phút chuẩn bị, song với chất lượng của đề tài cùng khả năng tiếng Anh khá tốt của Đặng Bảo Khoa, hy vọng các em sẽ tạo thêm một bất ngờ nữa khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả trong thời gian tới.
Theo Bảo Khoa, đây là mô hình có sẵn nhưng chưa được hoàn thiện. Vì vậy, thông qua đề tài nghiên cứu với mong muốn cải tiến và nâng cao mô hình, mục đích xây dựng phần mềm tạo ra hình ảnh chân thật bằng văn bản.
“Em vẽ cá heo bơi tại vịnh Hạ Long và rùa vàng bơi ở Hồ Gươm y như thật. Các thầy trong ban giám khảo cũng tỏ ra bất ngờ, nói sao văn bản mà chuyển thành hình ảnh, kỳ cục vậy” - Khoa kể lại.
Nói thêm về sản phẩm, Huỳnh Hà Giang cho biết, phần mềm còn có thể vẽ chân dung tội phạm hay sẽ minh họa cho truyện đọc, thay vì các họa sĩ.
“Lợi thế của phần mềm này là có tiềm năng tự động hóa rất lớn, giúp giải phóng sức lao động của con người và giảm tối đa kinh phí” - Hà Giang phân tích.
Với việc tạo ra hình ảnh bằng văn bản qua phần mềm, có thể coi đây như là một “Chat GPT phiên bản Việt” và còn thú vị hơn. Thầy Phan Văn Lĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đề tài này rất “hot” và lúc các em đưa ra ý tưởng đến khi triển khai thực hiện (tháng 10/2022) thì Chat GPT chưa ra mắt nên được quan tâm đánh giá rất cao tại cuộc thi.
Tài năng học trò quyết định
Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn đề tài, thầy Phan Văn Lĩnh cho rằng công sức nghiên cứu của các em quyết định đến kết quả, còn bản thân chỉ là người hỗ trợ, góp ý cho học trò.
“Đã từng hướng dẫn nhiều đề tài và rất vui trong 6 năm qua cùng với các em học sinh đạt được 1 giải Nhì, 2 giải Ba và giờ là 1 giải Nhất. Tuy nhiên, phải thừa nhận đề tài năm nay học trò Quảng Nam đã thuyết phục ban giám khảo cuộc thi để được trao giải nhất lĩnh vực phần mềm hệ thống. Điều đó còn cho thấy sự ghi nhận và đánh giá rất cao của hội đồng chuyên môn đối với sự đầu tư nghiên cứu cũng như ý nghĩa, giá trị thực tiễn của đề tài” - thầy Lĩnh nói.
Thầy Lĩnh chia sẻ thêm, những năm qua, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh. Khác với thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật là các em tự ra đề, giải quyết bài toán để lấy kết quả minh chứng ý tưởng đề tài. Thông qua đó, giúp các em hình thành các kỹ năng làm quen với nghiên cứu khoa học, khả năng làm việc nhóm và sự tự tin trình bày trước đông người.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn