Tuần qua, với tên gọi “Công trình thanh niên tình nguyện”, đội thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn phối hợp cùng đoàn địa phương tổ chức chương trình giúp nhân dân các xã Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng (huyện Nam Trà My) khắc phục hậu quả bão lũ.
Hướng về phía núi
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 9 gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo triển khai ngay đội hình thanh niên tình nguyện để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Mặc dù nguồn nhân lực, vật lực đã sớm chuẩn bị sẵn để lên đường, tuy nhiên, do sạt lở, các tuyến đường lên vùng cao ách tắc kéo dài làm cho kế hoạch tình nguyện phải tạm dừng. Phải gần 20 ngày sau bão số 9, khi đường vào các xã của Nam Trà My tạm thời khai thông, chương trình “Công trình thanh niên tình nguyện” lần thứ I năm 2020 mới được khởi động trở lại.
Lực lượng tình nguyện gồm 30 chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên thuộc các đơn vị Đoàn thanh niên Công an tỉnh, Thành đoàn Tam Kỳ và Đoàn trường Đại học Quảng Nam, Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật hướng về vùng cao Trà My.
Trước giờ xuất quân, anh Nguyễn Xuân Đức - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Trưởng đoàn tình nguyện nói: “Thời gian qua, các cấp bộ đoàn, hội đã triển khai nhiều công trình, phần việc giúp đỡ nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn chồng chất; nhiều hoàn cảnh chưa thể gượng dậy sau bão lũ… Đó là điều mà thanh niên phải suy nghĩ, trăn trở để đóng góp sức trẻ, chung tay giúp nhân dân tái thiết cuộc sống”.
Chuyến đi này, ngoài sức khỏe và tinh thần xung kích, Tỉnh đoàn ưu tiên chọn tình nguyện viên có kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ nhân dân được phân chia theo từng nhóm chuyên biệt như đội sửa chữa, gia cố nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; đội khám bệnh, khử trùng môi trường; đội tập huấn chuyển giao kỹ thuật… nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
Vượt sông sửa nhà
Bão số 9 gây ra trận lũ khủng khiếp chưa từng có ở nhiều khu vực trên địa bàn huyện Nam Trà My. Trong đó có làng Tăk Rối (thôn 3, xã Trà Tập) - ngôi làng hiền hòa, đẹp như tranh vẽ nằm bên bờ sông Tranh. Ở đây, công trình được xem là kiên cố nhất - điểm trường Tăk Rối khánh thành hồi tháng 10.2019 cũng bị bão, lũ quét vùi dập tơi tả. Phía trong làng, dù may mắn không thiệt hại về người nhưng gió bão đã làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Vào mùa mưa, làng Tăk Rối biệt lập với bên ngoài, do bị ngăn cách bởi con nước hung dữ của dòng sông Tranh. Trong khi đó, theo kế hoạch tình nguyện, một số hộ dân ở làng Tăk Rối thuộc trường hợp được thanh niên hỗ trợ sửa chữa, gia cố nhà. Nhìn dòng nước hung dữ, có ý kiến đề nghị giao lại cho người dân chở vật liệu về tự sửa chữa.
Tuy nhiên, anh Trần Hồng Sơn (thành viên đoàn tình nguyện) khẳng khái nói: “Không được! Việc khó mới cần đến thanh niên, cần anh em mình. Thấy khó mà tháo lui sao xứng là tình nguyện viên giúp dân”. Câu nói của anh Sơn đã xốc lại tinh thần cho anh em trong đội. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, đội tình nguyện viên đưa hàng chục tấm tôn, vật liệu, hàng hóa lần lượt qua sông an toàn cùng quyết tâm sửa xong nhà cho bà con.
Có 3 hộ gia đình tại làng Tăk Rối được thanh niên tặng tôn mới, lợp lại nhà. Nhà ít hư hỏng lợp lại 3 - 4 tấm tôn, nhà nhiều đến hơn 10 tấm. Mỗi nhà còn được tặng vật dụng gia đình, nhu yếu phẩm… Như nhà anh Hồ Văn Minh, gió bão tốc bay hết mái căn bếp. Có 2 đứa con trai đều đi làm xa nên dù sức khỏe yếu, sau bão anh Minh cũng phải lọ mọ đi lượm lại mấy tấm tôn cũ trèo lên mái đóng tạm.
Hôm nay, được đoàn tình nguyện thay hết bằng tôn mới, anh Minh rất phấn khởi. “Nhà nghèo khó, cái ăn chưa đủ nên chẳng có tiền để mua tôn về sửa nhà. May hôm nay được thanh niên tình nguyện sửa giúp, còn hỗ trợ cả quà, xoong nồi mới cùng gạo, mắm muối…, tôi rất mừng. Cảm ơn các bạn trẻ!” - anh Minh chia sẻ.
Trên công trường tình nguyện
Rời các xã Trà Tập, Trà Dơn sau khi hoàn thành những phần việc đề ra, đoàn tình nguyện của Tỉnh đoàn cùng đội hình thanh niên xung kích Huyện đoàn Nam Trà My tiếp tục về với nhân dân, thầy và trò xã Trà Leng.
Đường vào Trà Leng đã thông nhưng vẫn còn nhiều điểm bị hư hỏng khiến việc di chuyển hết sức khó khăn. Dấu tích sạt lở xuất hiện dày đặc trên đường vào xã. Ngang qua khu vực sạt lở làm hàng chục người chết, mất tích ở nóc Ông Đề (thôn 1), đoàn tình nguyện dừng chân thắp nén hương cho những người đã khuất; cầu mong sớm tìm được nạn nhân còn mất tích. Mọi người không khỏi thương cảm trước cảnh tượng đổ nát do sạt lở...
Ở Trà Leng, nắng đã lên sau những ngày dài mưa gió, bị chia cắt. Với sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, cuộc sống của người dân Trà Leng đang dần phục hồi. Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng - ngôi trường chịu ảnh hưởng nặng của lũ quét, sạt lở đã tổ chức dạy học trở lại từ sáng 18.11. Thầy giáo Trần Văn Phụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù đã nỗ lực khắc phục với sự hỗ trợ của giáo viên các trường lân cận, nhưng xung quanh khuôn viên nhà trường vẫn còn ngổn ngang bùn đất và nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng.
Khi đoàn tình nguyện của Tỉnh đoàn đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 đang làm nhiệm vụ giúp dân tại đây. Trong lúc cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 tập trung dọn bùn đất, thì đoàn tình nguyện sửa chữa lại bờ rào phía sau trường bị lũ cuốn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh giờ ra chơi.
Bạn Phan Văn Minh Hoàng (sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật) cho hay: “Quê mình ở Đại Lộc cũng thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Tuy nhiên những gì mà bà con, thầy trò nơi đây đang phải gánh chịu trong thời gian vừa qua là quá khốc liệt. Góp một chút sức trẻ của mình cùng mọi người chia sẻ khó khăn với mảnh đất này là nghĩa vụ cũng là trách nhiệm của bản thân”.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng những ngày qua đã trở thành “công trường thanh niên tình nguyện”. Nơi đây, không ai bảo ai, mỗi người trẻ tự giác làm hết sức lực, trách nhiệm với mong muốn đóng góp dù là phần nhỏ giúp nhà trường sớm khắc phục khó khăn. Phía trong các lớp học, lại vang tiếng ê a cùng con chữ…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn