Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Những câu chuyện về Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Thứ hai - 27/07/2020 10:31

Những câu chuyện về Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới sự hy sinh cao cả của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Đó là những con người dũng cảm xả thân cho Tổ quốc được độc lập, tự do; cống hiến cả tuổi xanh của mình cho tương lai đất nước. Người nêu rõ: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Cảm thông với những thiệt thòi của thương binh, liệt sĩ và gia đình họ trong cuộc sống hoà bình, Bác đã kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, liệt sĩ. 

 

Bác Hồ với anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam (tháng 11/1965). Ảnh: TL

Ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đang trong cảnh thù trong, giặc ngoài “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sỹ. Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui độc lập và cuộc sống thanh bình lại phải tiếp tục vùng lên cứu nước. Để bảo vệ Tổ quốc thân yêu, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam hoặc khi trở về đã mang thương tật suốt đời vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Tháng 12/1945, trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ” Bác tin tưởng rằng: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7/1/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi”.

Ngày 10/3/1946, Báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Tiếp sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”.

Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7/11/1946, Người đã đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh; đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng, không kêu ca, phàn nàn.

Để nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.

Trong dịp này, báo Vệ quốc quân ra ngày 27/7/1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh, Liệt sỹ toàn quốc”. Đầu thư, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch; tổng cộng là 1.127 đồng để tặng thương binh.

Ngày 27/7/1948, trong một thư dài đầy tình thương yêu, Bác chia sẻ: "Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững; để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.

Người viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống… Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà goá. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sỹ… Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ không thể tái sinh”.

Những việc làm của Bác không chỉ là sự tiếc thương mà còn thể hiện sự tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh sự sống của mình cho độc lập của Tổ quốc. Người đã gắn sự tổn thất lớn lao của những thương binh, liệt sĩ vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được sống trong hòa bình.

Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Thực hiện Di chúc của Người, các cấp chính quyền và đoàn thể xã hội đã có những chính sách ưu tiên đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều việc để đền ơn đáp nghĩa như: tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, giúp đỡ thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ…

Ái Nhi

(Tham khảo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2859 | lượt tải:709

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2115 | lượt tải:731

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2397 | lượt tải:649

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3344 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2770 | lượt tải:763
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây